Lãnh đạo OPEC khẳng định vai trò đối tác quan trọng của Nga

NDO -

Lãnh đạo OPEC nhấn mạnh đến vai trò của Nga đối với thị trường dầu mỏ thế giới, cho rằng Moskva là thành phần không thể thiếu của OPEC và các đối tác (OPEC+).

Biểu tượng OPEC tại trụ sở ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng OPEC tại trụ sở ở Vienna, Áo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên lề hội nghị năng lượng thường niên CERAWeek lần thứ 40 diễn ra tại Houston (Mỹ) ngày 7/3, các quan chức thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã gặp lãnh đạo các công ty dầu đá phiến của Mỹ trong bối cảnh giá "vàng đen" đang tăng mạnh do lo ngại nguồn cung hạn chế.

Đây ít nhất là lần thứ 4 kể từ năm 2017, lãnh đạo các công ty sản xuất dầu đá phiến gặp giới chức OPEC để thảo luận những lo ngại về thị trường năng lượng toàn cầu.

Ngày 7/3, giá dầu thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 14 năm qua, lên 139 USD/thùng do những lo ngại về nguồn cung dầu bị hạn chế do Chính phủ Mỹ và nhiều nước châu Âu gia tăng các lệnh cấm nhập khẩu từ Nga-nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.

Tham gia cuộc gặp có giám đốc điều hành của một loạt các công ty năng lượng gồm: EQT Corp, Hess Corp và Chesapeake cùng Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo.

Phát biểu tại sự kiện này, Tổng Thư ký Barkindo cho biết, nội dung cuộc gặp xoay quanh vấn đề làm sao để các nhà sản xuất dầu phiến đá tập trung vào việc mang lại lợi nhuận cho cổ đông thay vì đổ thêm tiền mặt vào giàn khoan mới.

Theo ông, đây là quyết định riêng của từng công ty cũng như ban lãnh đạo công ty, các công ty cần có nhận thức chung về việc cần có hành động để giải quyết các tình huống mới.

Nhà lãnh đạo OPEC nhấn mạnh đến vai trò của Nga đối với thị trường dầu mỏ thế giới, cho rằng Moskva là thành phần không thể thiếu của OPEC và các đối tác (OPEC+) - liên minh ngăn chặn sự sụp đổ của giá dầu do chịu tác động của dịch Covid-19 thông qua một thỏa thuận năm 2020 về việc cắt giảm sản lượng khai thác 10 triệu thùng/ngày.

Ông nhấn mạnh sản lượng của OPEC không thể bù đắp phần thiếu hụt do lệnh cấm đối với dầu của Nga.

Khi nhu cầu phục hồi, liên minh đã tăng sản lượng khai thác thêm 400.000 thùng/tháng.

Tuy nhiên, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã khiến nước này hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt từ phương Tây và Mỹ.

Hiện có một số các nhà nhập khẩu xăng dầu đã từ chối tiếp nhận hàng hóa của Nga và nhiều tập đoàn năng lượng lớn như BP, Shell và Exxon Mobil đã rút khỏi Nga.

Theo kế hoạch ban đầu, cuộc gặp giữa các quan chức thuộc OPEC và lãnh đạo các công ty dầu đá phiến của Mỹ sẽ tập trung vào các chủ đề nhằm giúp các nước trong liên minh này hiểu về kinh tế và tài chính đá phiến.