Chiều 30/10, thông tin với báo chí, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV dành 2,5 ngày cho công tác chất vấn và trả lời chất vấn.
Để chuẩn bị cho phiên chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội đã triển khai chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm quy định của pháp luật. Theo đó, tổng hợp từ đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội có 12 nhóm vấn đề cần tiến hành chất vấn.
Tiếp đó, sau khi xin ý kiến Hội đồng dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, bỏ phiếu chọn ra 6 nhóm vấn đề và tiếp tục bỏ phiếu chọn ra 5 nhóm vấn đề để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Từ 5 nhóm vấn đề, Thường vụ Quốc hội tiếp tục xin ý kiến tất cả các vị đại biểu Quốc hội và chọn ra 4 nhóm vấn đề tương ứng với 4 bộ trưởng, trưởng ngành để tiến hành phiên chất vấn.
“Đây là các nhóm vấn đề có nhiều ý kiến và được xã hội rất quan tâm. Đó là các nhóm vấn đề liên quan tới các lĩnh vực: y tế, lao động - thương binh và xã hội, kế hoạch và đầu tư, giáo dục và đào tạo”, Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết.
4 Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời chính về các nhóm vấn đề chất vấn
Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế, gồm các vấn đề: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và chiến lược vaccine trong thời gian tới; Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm; Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn.
Người có trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, gồm: Việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả; Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP Hồ Chí Minh và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía nam trong nhiều đợt; Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch; Chính sách thu hút lực lượng lao động trở lại làm việc và giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm đối với lực lượng lao động bị mất việc; Vấn đề huy động, quản lý công tác thiện nguyện thời gian qua.
Người có trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các Bộ trưởng: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn và giải trình những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, gồm: Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; Các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển; Thực trạng và việc xử lý các vướng mắc khi chậm thực hiện công tác lập quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.
Người có trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng: Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn và giải trình những vấn đề có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, gồm: Việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19; Công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; Việc giảm tải chương trình học cho học sinh; Việc thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học.
Người có trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Thông tin và Truyền thông cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Tổng Thư ký Bùi Văn Cường cho biết, theo dự kiến chương trình, phiên chất vấn được tổ chức tại đợt 2 của Kỳ họp thứ hai, diễn ra sau các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Theo thông lệ, sau khi các Bộ trưởng, trưởng ngành cùng lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Đợt 1 của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV diễn ra thành công tốt đẹp
Thông tin về kết quả của Đợt họp trực tuyến diễn ra trong 11 ngày làm việc (Đợt 1), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Đợt 1 đã diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm chất lượng và tiến độ đúng theo yêu cầu đặt ra, thể hiện rõ trên ba khía cạnh.
Thứ nhất, về nội dung, Kỳ họp thứ hai được tăng cường về kỷ cương lập pháp. Các cơ quan chuẩn bị, soạn thảo đã cơ bản bảo đảm được tiến độ thời gian, chất lượng các dự thảo luật, nghị quyết, đề án trình Quốc hội. Chính vì vậy, các cơ quan thẩm tra có thêm thời gian để tiến hành thẩm tra kỹ lưỡng; các báo cáo của cơ quan trình và các báo cáo thẩm tra được trình bày ngắn gọn, súc tích. Trên cơ sở đó, đã dành được thêm thời gian để các đại biểu Quốc hội thảo luận.
Thứ hai, về công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch cũng thực hiện rất ngắn gọn, súc tích và linh hoạt.
“Thậm chí có những nội dung có ý kiến khác nhau thì đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cùng với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trao đổi ngoài giờ làm việc chính thức để “lật đi, lật lại” vấn đề, xem xét, đi đến tận cùng của vấn đề. Trên cơ sở đó để có quyết định chính xác hơn”, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.
Bên cạnh đó, về chương trình kỳ họp cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, sắp xếp khoa học, tận dụng tối đa thời gian để có thể đóng góp vào các dự án trình tại Kỳ họp.
Các ý kiến đại biểu phát biểu đều súc tích, sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm và rất đa chiều, xem xét tất cả các góc độ vấn đề liên quan, giúp cho cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, cơ quan giải trình tiếp tục tiếp thu các ý kiến để các dự án trình đạt chất lượng cao hơn.
“Đặc biệt tại kỳ họp lần này, công tác tổng hợp thực hiện rất tốt. Các đồng chí trong Ban Thư ký Quốc hội làm việc không kể ngày đêm để có báo cáo tổng hợp sớm nhất, giúp cơ quan giải trình có thể giải trình bước đầu các ý kiến. Qua đó, giúp rút ngắn thời gian cũng như nâng cao chất lượng các dự án luật”, Tổng Thư ký chia sẻ.
Về công tác bảo đảm cơ sở vật chất kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn phòng chống dịch cũng được chuẩn bị kỹ lượng và thực hiện rất tốt theo các quy định. “Vì thế, tới thời điểm này thì đã hoàn thành được công tác phục vụ Kỳ họp, bảo đảm Kỳ họp diễn ra suôn sẻ, an toàn”, Tổng Thư ký khẳng định.
Cuối cùng, về công tác thông tin tuyên truyền, Tổng Thư ký Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá cao và hoan nghênh các cơ quan thông tấn báo chí, các phóng viên đã có đóng góp rất tích cực vào việc chuyển tải các thông tin tới cử tri, góp phần thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội.