Lạng Sơn nỗ lực đẩy mạnh thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu

Năm 2022, hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn gặp nhiều khó khăn do phía Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero Covid”. Song với sự nỗ lực của các ngành chức năng của tỉnh, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 3,1 tỷ USD, đạt hơn 56% kế hoạch.
0:00 / 0:00
0:00
Các xe chở hàng hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) chờ làm thủ tục thông quan xuất khẩu hàng sang biên giới.
Các xe chở hàng hóa tại Cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) chờ làm thủ tục thông quan xuất khẩu hàng sang biên giới.

Vào những tháng cuối năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Lạng Sơn nhích lên từng ngày, không còn tình trạng hàng nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu.

Làm hết việc chứ không làm hết giờ

Vào những ngày cuối năm, đến cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng), không còn thấy cảnh hàng trăm xe trở hàng nông sản rồng rắn xếp hàng vào khu vực cửa khẩu như năm ngoái. Phó Chi cục trưởng Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh Phùng Văn Ba cho biết: Với đặc thù là cửa khẩu đường bộ có hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản lớn của cả nước, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: thanh long, xoài, mít... hơn 90% tổng kim ngạch hàng hóa nông sản xuất, nhập khẩu đều qua cửa khẩu này.

Vào giờ này năm 2021, hàng nghìn xe hàng nông sản phải chờ làm thủ tục thông quan, do phía nước bạn liên tục thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhưng từ ngày 16/12/2022, phía nước bạn đã nới lỏng quy định phòng, chống dịch Covid-19. Mỗi ngày cửa khẩu làm thủ tục thông quan từ 200 đến 240 xe hàng, có ngày không còn xe hàng để xuất khẩu.

Để tạo điều kiện cho các xe hàng xuất, nhập khẩu, phục vụ nhu cầu hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán giữa hai nước, những ngày qua, lực lượng hải quan, biên phòng, Cửa khẩu Tân Thanh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo thuận lợi cao nhất để hoạt động thông quan hàng hóa được thông suốt. Để giải quyết hết thủ tục cho khối lượng hàng lớn, hạn chế thiệt hại về hư hỏng hàng hóa, chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, lực lượng hải quan, biên phòng, doanh nghiệp bến bãi đã bố trí cán bộ, công chức tiếp nhận, giải quyết thủ tục với phương châm “Làm hết việc chứ không hết giờ”.

Đồng thời, bố trí luồng ưu tiên cho mặt hàng trái cây tươi được thông quan ngay trong ngày. Ngoài ra, các đơn vị đã tích cực trao đổi với phía Trung Quốc để đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa năng lực thông quan hàng hóa tại khu vực từng bước được nâng lên. Đến nay, mặc dù vẫn trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh và thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa nhưng về cơ bản, khối lượng thông quan trong ngày, đặc biệt là nông sản, đã vượt qua thời kỳ cao điểm khi chưa có dịch.

Anh Phạm Văn Dũng (quê Quảng Nam), chủ xe chở hàng thanh long vui vẻ nói: Năm ngoái vào giờ này, xe hàng phải chờ gần một tháng mới đưa được hàng qua biên giới, có lúc một nửa số hàng bị hỏng, phải chịu lỗ quay xe về. Năm nay, xe được xuất trong ngày, chỉ lo thiếu hàng xuất khẩu thôi.

Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết: Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy thông quan, nên năm 2022 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn có 5/12 cửa khẩu hoạt động thông quan gồm: Cửa khẩu quốc tế Ga đường sắt Đồng Đăng; Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị; Cửa khẩu phụ Tân Thanh; Cửa khẩu phụ Cốc Nam và Cửa khẩu song phương Chi Ma.

Các cửa khẩu này thường xuyên duy trì thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu với hiệu suất thông quan ở mức cao nhất so với các cửa khẩu đường bộ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Hiện tại, lưu lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trung bình đạt hơn 900 lượt xe/ngày; cao điểm lên tới hơn 1.100 lượt xe/ngày, trong đó hơn 50% là hàng nông sản, hoa quả tươi; tăng khoảng 400% so thời điểm ba tháng đầu năm 2022.

Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam, Trung Quốc đã cơ bản được kiểm soát, nước bạn cũng đang có dấu hiệu giảm dần các cấp độ phòng, chống dịch. Ban Quản lý dự báo sang năm 2023, Việt Nam, Trung Quốc sẽ thúc đẩy giao thương để khôi phục kinh tế. Đồng thời các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh và phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống cũng sẽ sớm được khôi phục. Chính vì vậy trong thời gian tới, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng sẽ thuận lợi hơn.

Tạo mọi điều kiện xuất, nhập khẩu hàng hóa

Phó Trưởng Ban Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn Hoàng Khánh Duy cho biết thời gian tới, Ban Quản lý sẽ triển khai một số giải pháp: Tiếp tục tăng cường công tác trao đổi, hội đàm với nước bạn để cùng phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu của hai bên; khôi phục lại hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời đề nghị sớm đưa tuyến đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 vào hoạt động chính thức và trở thành lối thông quan thuộc Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc); thúc đẩy việc nâng cấp và chính thức mở cặp cửa khẩu song phương Bình Nghi (Việt Nam)-Bình Nghi Quan (Trung Quốc); sớm triển khai xây dựng mô hình “Cửa khẩu kiểu mẫu” tại cặp cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam)-Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) và vận hành ‘‘Luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản tại Tân Thanh (Việt Nam)-Pò Chài (Trung Quốc) theo tinh thần Biên bản ghi nhớ đã ký với phía Trung Quốc...

Thực hiện chủ trương đó, ông Nguyễn Hồng Linh, Cục trưởng Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết: Bước sang năm 2023, Cục Hải quan tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi cục hải quan ở cửa khẩu triển khai các giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hoạt động qua các cửa khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, yêu cầu lực lượng hải quan tại cửa khẩu tiếp tục xử lý linh hoạt thủ tục hải quan.

Như đối với những lô hàng thuộc luồng xanh, thời điểm này lực lượng hải quan chỉ kiểm tra qua hồ sơ hải quan chứ không kiểm tra thực tế hàng, từ đó rút ngắn thời gian làm thủ tục đối với một lô hàng xuống còn 2 phút, giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan. Cùng đó, tiếp tục khai thác tối đa lợi ích của phần mềm nền tảng cửa khẩu số để nắm bắt trước lượng hàng lên các cửa khẩu nhằm chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ bảo đảm cho hoạt động thông quan hàng hóa thông suốt. Hiện cơ quan hải quan tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện khai báo thông tin về hàng hóa xuất, nhập qua nền tảng cửa khẩu số.

Từ đó bảo đảm hồ sơ kê khai hải quan được xử lý hoàn thành ngay khi lô hàng của doanh nghiệp có tại khu vực cửa khẩu. Hy vọng bước sang năm 2023, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến.

Để đẩy mạnh hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Thời gian tới, dự báo nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa xuất, nhập khẩu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như tiêu dùng của nhân dân hai nước trong dịp Tết sẽ tăng mạnh; tình hình thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ khởi sắc. Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Lạng Sơn sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn, đặc biệt là nông sản, hàng hóa xuất khẩu.

Qua đó, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần đẩy mạnh phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020-2025.