Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Lãng phí từ các công trình thể thao hàng nghìn tỷ đồng

Trong khi nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, những nguồn lực tài chính hàng nghìn tỷ đồng vẫn được huy động để đầu tư xây dựng các khu liên hợp, cung thể thao, nhà thi đấu từ cấp trung ương đến cơ sở, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của thể thao và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều công trình, do quy hoạch và thiết kế không được tính toán kỹ, đã dẫn đến thiếu hiệu quả trong sử dụng gây thất thoát và lãng phí nguồn lực.

Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hà Nam được đầu tư xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng nằm trơ trọi giữa cánh đồng với rất ít hoạt động trong ba năm qua. Ảnh: LÊ HIẾU
Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hà Nam được đầu tư xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng nằm trơ trọi giữa cánh đồng với rất ít hoạt động trong ba năm qua. Ảnh: LÊ HIẾU

Xót xa sau những... hoành tráng

Từ năm 2003 đến năm 2016, Việt Nam đã tổ chức năm kỳ đại hội thể thao lớn: Đại hội thể thao Đông - Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) năm 2003, Đại hội thể thao trong nhà châu Á lần thứ ba (AIG3) năm 2009; Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ năm (ABG5) năm 2016; hai Đại hội thể dục - thể thao toàn quốc lần thứ sáu tại Đà Nẵng năm 2010 và lần thứ bảy tại Nam Định năm 2014.

Trong bốn năm tới, sẽ tiếp tục diễn ra Đại hội thể dục - thể thao toàn quốc lần thứ tám tại Hà Nội năm 2018 và SEA Games 31 năm 2021. Những sự kiện nêu trên đã phần nào thể hiện sự phát triển mạnh mẽ, cũng như vị thế của thể thao nước nhà trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế. Điều đáng nói là mỗi kỳ đại hội như vậy luôn đi cùng những đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng tập luyện, thi đấu. Đó là chưa tính đến kinh phí tổ chức và việc phải huy động nhiều nguồn lực tổng hợp khác. Tuy nhiên, khi đại hội qua đi, việc sử dụng hiệu quả các công trình thể thao đã đầu tư xây dựng là vấn đề nan giải đối với các nhà quản lý.

Một trong những công trình thể thao lớn, xây dựng hoành tráng đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải cho thuê địa điểm, cơ sở vật chất, nhằm tìm nguồn thu để duy trì hoạt động là Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Quần thể các công trình hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có sân vận động quốc gia 40.000 chỗ ngồi, một thời từng là niềm tự hào của cả nước để chuẩn bị cho SEA Games 22 năm 2003 và Đại hội thể thao trong nhà châu Á năm 2009, nay đang từng ngày xuống cấp khi nguồn tiền bảo dưỡng, duy tu khá hạn hẹp.

Áp lực tự chủ đã buộc Ban Quản lý Khu liên hợp phải tìm cách kinh doanh, tăng nguồn thu, nhưng điều này cũng kéo theo sau không ít hệ lụy. Sau những bất cập trong quản lý sử dụng và kinh doanh trên cơ sở hạ tầng khu liên hợp thể thao mà báo chí đã nhiều lần lên tiếng, năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị chỉ đạo Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình chấn chỉnh lại việc quản lý cơ sở hạ tầng, bảo đảm sử dụng diện tích đất đang được giao quản lý đúng quy hoạch, không được cho thuê, cho mượn trái quy định.

Trở lại năm 2009, không hiểu sao khi đó, ngành thể thao Việt Nam lại nhiệt tình nhận về Đại hội thể thao trong nhà châu Á được tổ chức lần cuối để rồi sau đó bị ghép vào Đại hội võ thuật châu Á, bởi chẳng có nước nào đăng cai tiếp. Chúng ta đã đầu tư kinh phí lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng thi đấu của Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình vừa khánh thành sáu năm trước và xây thêm Cung điền kinh trong nhà, với tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng, chưa kể trang bị thảm đường chạy cao cấp nhập từ I-ta-li-a nhiều tỷ đồng, nhưng sau đại hội, thảm đường chạy và nhiều thiết bị khác đành phải xếp xó trong nhà kho của Cung điền kinh, chưa một lần sử dụng lại.

Nhiều người đã gọi việc đăng ký tổ chức đại hội thể thao để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các địa phương là một “hội chứng”. Đầu tiên là, TP Đà Nẵng đăng cai Đại hội thể dục - thể thao toàn quốc lần thứ sáu năm 2010, đã chi 1.000 tỷ đồng để xây dựng Cung thể thao Tiên Sơn đẹp nhất Đông - Nam Á ở thời điểm đó. Sau đại hội, cung thể thao 7.000 chỗ ngồi này chủ yếu là nơi tổ chức các sự kiện ca nhạc, tạp kỹ, giải trí nhằm có nguồn thu để bảo dưỡng và trả lương cán bộ, nhân viên.

Kỳ Đại hội thể dục - thể thao lần thứ bảy năm 2014 tại Nam Định và một số tỉnh lân cận cũng vượt mức chi gần 2.000 tỷ đồng cho các công trình, trong đó có xây mới một nhà thi đấu hơn 4.000 chỗ ngồi và một bể bơi có mái che với mức chi phí hơn 1.000 tỷ đồng. Tỉnh Thái Bình cũng đầu tư từ ngân sách hơn 600 tỷ đồng xây nhà thi đấu có sức chứa hơn 4.000 người phục vụ môn bóng chuyền của đại hội, mặc dù đã có một nhà thi đấu cũ sức chứa 1.600 người. Cho đến nay, các nhà thi đấu mới vẫn vất vưởng “sống” với một vài hoạt động thể thao nhỏ trong năm.

Hoành tráng nhất là Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hà Nam, có sức chứa 7.500 chỗ ngồi trên khu đất rộng 120 ha, hiện tại là nhà thi đấu lớn và hiện đại nhất không chỉ ở nước ta mà còn của cả khu vực Đông - Nam Á, có chi phí xây dựng khoảng 1.000 tỷ đồng và cũng chỉ phục vụ duy nhất môn tê-cuôn-đô của đại hội trong dịp này. Ba năm đã trôi qua kể từ khi khai trương, song rất ít các giải đấu thể thao tầm cỡ được tổ chức, bởi nhà thi đấu thiết kế không hợp lý, lại quy hoạch cách xa trung tâm thành phố và khu dân cư.

Gần đây nhất, để đón trước Đại hội thể dục - thể thao toàn quốc lần thứ tám năm 2018, tỉnh An Giang từng lên kế hoạch xin đăng cai tổ chức và dự định chi 3.425 tỷ đồng, trong đó ngân sách của địa phương là khoảng 1.710 tỷ đồng, để xây sân vận động, nhà thi đấu đa năng, trường đua xe đạp lòng chảo... Cũng may là, đề án của tỉnh An Giang không thể đi vào hiện thực và danh sách những công trình nghìn tỷ lãng phí đã không bị nối dài. Thành phố Cần Thơ cũng mong muốn được tổ chức đại hội, mặc dù trước đó đã chi nặng tay cho loạt hệ thống các nhà thi đấu đa năng ở các trường học để phục vụ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012, mà cho đến nay vẫn là một “di chứng” không thể khắc phục...

Còn khá nhiều những nhà thi đấu được xây dựng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước thiếu một tầm nhìn lâu dài, đang phải vật lộn để duy trì hoạt động, trong khi tiêu tốn một khoản kinh phí bảo dưỡng không hề nhỏ và dần biến thành những chỗ gửi xe, những quán bia và các dịch vụ chẳng liên quan gì đến thể thao. Chưa dừng lại ở đó, các dự án kiểu này đã lan xuống cả cấp cơ sở quận, huyện ở những thành phố lớn. Vài năm trước, một số huyện ngoại thành của Hà Nội đã “chơi sang” khi khai trương những nhà thi đấu, sân vận động sức chứa hàng nghìn người cùng mức đầu tư lên tới cả chục triệu USD. Xây lớn như vậy, song các công trình này gần như “đắp chiếu”, bởi công năng sử dụng thấp, thiếu cơ chế vận hành và quản lý chuyên nghiệp. Thực tế này cho thấy phần nào sự thiếu trách nhiệm, công tác quy hoạch yếu kém và cả những lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm và cá nhân trong đó.

Cảnh báo từ bài học cũ

Sẽ không có gì để nói nếu những công trình khu liên hợp thể thao, nhà thi đấu, sân vận động nghìn tỷ phát huy được hiệu quả và công năng, góp phần vào sự phát triển của thể thao đỉnh cao nước nhà và phong trào tập luyện, nâng cao sức khỏe của nhân dân. Sự thất thoát, lãng phí lớn các nguồn lực và ngân sách chính là cảnh báo cho những công trình thể thao lớn đã và đang được xem xét phê duyệt để triển khai.

Mới đây, trong đề án đăng cai tổ chức SEA Games 31 năm 2021 dự kiến trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, UBND thành phố Hồ Chí Minh có đề cập xây dựng dự án Khu Liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc và trong thực tế, dự án này đang có những bước đi ban đầu chuẩn bị đầu tư.

Để hoàn thành giải phóng mặt bằng và đi vào xây dựng, siêu dự án rộng 466 ha này sẽ cần mức tổng vốn đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng, triển khai các công trình thể thao đạt chuẩn Ô-lim-pích, trong đó có một sân vận động thi đấu bóng đá với sức chứa 50.000 người, lớn nhất nước. Cùng với đó, thành phố sẽ xin Chính phủ dành một cơ chế đặc biệt tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào những dự án mà quỹ tài chính của thành phố không thể đáp ứng nổi như: xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo, Nhà thi đấu Thái Sơn Nam, học viện bóng đá...

Điều đáng quan ngại là, hiện công trình này có lặp lại bài học trong công tác bảo đảm giám sát công trình và phương án quản lý, sử dụng hiệu quả hoạt động của các công trình tương tự ở Việt Nam và nhiều nước khác từng gặp phải. Trong khi đó, thành phố đang cần những nguồn vốn lớn đầu tư vào các công trình cấp thiết, liên quan đến dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội.

Các tính toán cho thấy, nếu tổ chức SEA Games 31 tại TP Hồ Chí Minh, sẽ cần xây mới 70 đến 80% số công trình thi đấu, khá tốn kém. Trong tình hình kinh tế hiện tại, phương án tốt nhất là nên tận dụng những cơ sở hạ tầng đã có, kết hợp xây mới với sự giảm thiểu, tiết kiệm nhất về kinh phí. Cũng có thể tính đến phương án chọn Hà Nội và các tỉnh, thành phố chung quanh để tổ chức đại hội, bởi các địa phương này đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế, đồng thời lại sẵn có cơ sở hạ tầng...

Theo nhiều chuyên gia, phương án tận dụng cơ sở hạ tầng đã có là khả thi hơn cả và cũng là kinh nghiệm tổ chức các đại hội thể thao của các cường quốc kinh tế như Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu khi vận dụng phương châm tiết kiệm tối đa, tận dụng các cơ sở tập luyện thi đấu sẵn có và những công trình lắp ghép đáp ứng cho hoạt động thi đấu, kết thúc đại hội thì tháo dỡ, trả lại mặt bằng. Ngành thể dục - thể thao cần rà soát kỹ lưỡng các công trình phục vụ đại hội sau khi đã lựa chọn địa phương tổ chức để lên kế hoạch tu sửa, nâng cấp và điều quan trọng là phải có một cơ chế giám sát chặt chẽ, tránh thất thoát, đội giá như từng xảy ra ở nhiều công trình, nhất là trong việc chi mua trang, thiết bị cho các cơ sở tập luyện, thi đấu với lý do đáp ứng tiêu chuẩn đại hội.

Đã đến lúc nên nhanh chóng có quy hoạch đồng bộ và cụ thể trong xây dựng các thiết chế thể thao trên toàn quốc, từ cấp cơ sở tới cấp tỉnh, thành phố, vùng và quy hoạch theo ngành dọc văn hóa, thể thao, du lịch. Những quy hoạch này cần dựa trên các cuộc khảo sát, nghiên cứu khoa học dự báo nhu cầu thực tế của cộng đồng, cùng sự phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai. Dựa vào thực tế nghiên cứu, đề ra các quy hoạch phù hợp các giai đoạn phát triển và trong tương lai, có sự điều chỉnh, cân đối được quy mô các công trình. Quy hoạch và giám sát thực hiện chặt chẽ sẽ giúp tăng cường quản lý, xây dựng không tràn lan, đồng thời loại bỏ tình trạng đua nhau xây nhà thi đấu, sân vận động tốn kém và không hiệu quả như hiện nay.