Làng mật mía trứ danh xứ Nghệ đỏ lửa từ sáng đến tối

NDO - Chỉ còn ít tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các lò sản xuất mật mía thơm ngon nức tiếng ở làng Găng (xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) đang tất bật với công việc ép mía, nấu mật phục vụ nhu cầu tăng cao của thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Mật được nấu bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên tâm và kiên nhẫn.
Mật được nấu bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuyên tâm và kiên nhẫn.

Từ lâu đã nức tiếng gần xa

Nghề làm mật mía ở làng Găng, xã Nghĩa Hưng có truyền thống từ lâu đời. Khoảng giữa tháng 10 âm lịch, khi cây mía đã tích đủ lượng đường cần thiết, người dân xã Nghĩa Hưng bắt đầu thu hoạch để bán cho các cơ sở sản xuất mật.

Ông Trần Văn Hùng, một trong những hộ sản xuất mật nhiều nhất của Làng Găng cho biết, bắt đầu từ cuối tháng 10 là thời điểm gia đình làm mật nào cũng đỏ lửa, nấu mật mía từ sáng đến tối. Để sản xuất ra mật mía, phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ thu hoạch nguyên liệu ngoài ruộng về, tuốt vỏ, ép nước mía, nấu cô đặc và chắt lọc mật... Trung bình mỗi ngày, gia đình ông nấu được 4 đến 5 thùng phi mật.

Ông Võ Đình Lượng, Giám đốc Hợp tác xã làng nghề chế biến mật mía Làng Găng thông tin, thời điểm hiện tại, mỗi phi mật 200 lít có giá dao động từ 4 đến 4,2 triệu đồng. Đang vào vụ chính ép mía để phục vụ cho khách hàng dịp Tết, nhờ thời tiết thuận lợi nên công việc khá suôn sẻ. Cứ 2 đến 3 ngày, khi đủ nguyên liệu, chúng tôi sẽ sản xuất một lần. Các gia đình nhóm lò từ khi tờ mờ sáng cho đến tận khuya mới nghỉ”.

“Vụ này dự kiến gia đình tôi sản xuất 60 phi mật. Nếu trừ chi phí sản xuất, nguyên liệu, công lao động, thu lãi hơn 60 triệu đồng”, ông Lượng chia sẻ.

Làng mật mía trứ danh xứ Nghệ đỏ lửa từ sáng đến tối ảnh 1

Công đoạn ép mía giờ đã được thực hiện bằng máy móc.

Tại nhà chị Trần Thị Na, các lao động đang tất bật với công việc ép mía, vớt bọt, người đóng can… Chị Na cho hay, nếu ngày thường chỉ ép 7 đến 8 tấn mía, thì vụ Tết công suất sẽ được tăng lên 12 đến 15 tấn/ngày.

Nghề làm mật mía ở làng Găng, xã Nghĩa Hưng có từ năm 1960 và được công nhận là làng nghề vào năm 2013.

Với kinh nghiệm và bí quyết nấu mật được trao truyền qua bao thế hệ, mật mía làng Găng từ lâu đã nức tiếng gần xa bởi sự thơm ngon, sánh mịn và chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, sản phẩm mật của làng nghề sản xuất đến đâu, đều được tiêu thụ đến đó.

Giữ gìn thương hiệu "Mật mía làng Găng"

Để “biến” nước mía thành mật, đòi hỏi tính kiên trì và chịu khó, phải thật sự chuyên tâm thì mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon, sánh mịn.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Hợp tác xã làng nghề chế biến mật mía Làng Găng

Thay vì sử dụng các chảo gang đơn lẻ như trước đây để nấu mật, người dân làng Găng đã chế tạo hệ thống bếp lò có thể đặt 5 chảo nấu cùng lúc.

Việc duy trì lửa để bảo đảm nhiệt độ trên lò hết sức quan trọng. Mỗi mẻ mật sẽ được nấu trong khoảng 90 phút. Trong thời gian nấu, phải liên tục bổ sung chất đốt và duy trì nhiệt độ phù hợp.

Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó Giám đốc Hợp tác xã làng nghề chế biến mật mía Làng Găng chia sẻ, muốn mật ngon phải đảo liên tục và đều tay trong suốt thời gian nấu. Khi mật sôi thì vớt váng mật, nếu không chú ý mật sẽ bị cháy có màu đen và không thơm ngon.

Khi nước mía bắt đầu sền sệt, chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật. Tuy nhiên, để mật ngon, khi đổ vào trong phi, mật cần được lọc qua một lớp vải màn nữa. Lúc mật nguội sẽ có một lớp bọt đường nổi lên trên sản phẩm, khi đó mật mới hoàn thành. Đây là kinh nghiệm của người trong nghề.

Làng mật mía trứ danh xứ Nghệ đỏ lửa từ sáng đến tối ảnh 2

Từ lâu, mật mía làng Găng đã nức tiếng xa gần bởi sự thơm ngon, sánh mịn.

Theo ông Vinh, để “biến” nước mía thành mật, đòi hỏi tính kiên trì và chịu khó, phải thật sự chuyên tâm thì mới có thể cho ra những mẻ mật thơm ngon, sánh mịn.

Ông Trần Văn Đông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Hưng cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 500ha mía. Phần lớn, mía người dân bán cho các cơ sở chế biến mật. Nghề nấu mật tạo việc làm cho hơn 200 lao động ở làng Găng, với mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, góp phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của địa phương.

Trước đây, công việc sản xuất mật dùng phương tiện thô sơ, tốn nhiều công sức và mất nhiều thời gian. Đến nay, có nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại nên rút ngắn được thời gian, năng suất tăng lên. Tất nhiên, chất lượng sản phẩm làm ra không bị thay đổi, vẫn giữ được sự tinh túy và thơm ngon đặc trưng của mật mía làng Găng.

"Hiện nay, 2 sản phẩm chủ đạo của làng nghề là mật mía và đường phèn đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Chính quyền địa phương luôn nhắc nhở các gia đình chú trọng chất lượng, giữ gìn thương hiệu vốn có của mật mía làng Găng", lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Nghĩa Hưng cho biết thêm.