Bộ phim phác họa hình ảnh một vùng nông thôn Việt Nam điển hình trên con đường phát triển vào những năm đầu thế kỷ 20, với những vấn đề nhức nhối đã và đang được xã hội quan tâm. Trong đó, có những vấn đề đã được giải quyết , những khúc mắc giải quyết chưa đến nơi đến chốn, và rất nhiều trăn trở còn bỏ ngỏ câu trả lời…
Vẫn lấy bối cảnh làng Bâm Dương, nhưng là 10 năm về sau, với cơn khát làm giàu của lớp trẻ khi nền sản xuất nông nghiệp chưa đem lại hiệu quả cao về kinh tế, lực lượng lao động dư thừa. Ất, con trai ông Tòng (chủ tịch xã độc tài, tiêu cực thời bao cấp) trở về làng sau hơn chục năm lưu lạc, tìm cách tạo mối quan hệ với một số cán bộ huyện để thuận đường làm ăn. Với những mưu mô của mình, Ất nhanh chóng trở thành trung gian giữa các nhà đầu tư với chính quyền huyện, xã.
Hai xã Tân Tiến, Bâm Dương được các nhà đầu tư chọn để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, làng xóm trở nên hỗn loạn về việc đền bù, giải tỏa. Cán bộ xã và người dân chia thành hai phe, một bên ủng hộ dự án, một bên bảo vệ đất đai và việc sản xuất hàng hóa tại chỗ từ đất đai, thu hút và tạo việc làm cho lao động nông thôn. Cuộc chiến tưởng chừng như không có hồi kết.
Sự xuất hiện của Ất sau 10 năm vắng bóng như một bóng ma, nhưng không phải một bóng ma ám ảnh từ quá khứ, mà là bóng ma của những nguy cơ sắp xảy đến với ngôi làng xưa nay vẫn yên bình này.
Poster phim.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: “10 năm sau, làng Ma lại đứng trước một cuộc sống khác. Quan điểm của tôi thể hiện trong phim là nếu chúng ta giữ được đất đai, tài sản quý của nông dân cũng như của đất nước, giữ được đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, thì có thể bào đảm an ninh lương thực và bảo đảm cho nhiều vấn đề phát triển khác nữa. Bộ phim nói về cuộc đấu tranh để cân đối giữa phát triển nông nghiệp với phát triển nông thôn, làm thế nào khai thác được sản phẩm nông nghiệp từ đất, giữ được đất mà vẫn giúp cho nông dân có được công ăn việc làm ổn định và cuộc sống sung túc hơn”.
Câu hỏi mà qua bộ phim vẫn còn bỏ ngỏ là, hiện đại hóa nông thôn nên đi theo con đường nào? “Làng ma – 10 năm sau” không giải đáp đầy đủ những câu hỏi đó nhưng nó đưa ra những hiện thực ngổn ngang trên con đường đó của nông thôn, cả mặt tích cực lẫn mặt phản diện, với xu hướng đang được hoàn thiện. Bộ phim dùng những bi kịch gia đình, người dân vào phần kết phim nhằm đưa đến những người trong cuộc và khán giả những khả năng khác nhau trước vấn đề nóng hổi trong mục tiêu phát triển tam nông của đất nước.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói, đề tài nông thôn vẫn vô cùng nóng hổi và hấp dẫn đối với ông, bởi đây vẫn là một mặt trận, một khu vực cần khai thác rất nhiều. Nhiều vấn đề lớn của xã hội đang ở nông thôn chứ không phải thành phố. Có thể khai thác được nhiều khía cạnh xoay quanh cuộc sống của người nông dân, từ chuyện phát triển làng xã, những mặt trái của sự phát triển, khía cạnh đạo đức đằng sau khát khao làm giàu của người nông dân, chuyện đất đai…
Phần 2 của “Ma làng” có khởi đầu không mấy suôn sẻ khi đổ vỡ thỏa thuận với nhà đầu tư ban đầu, mà theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là do không hiểu nhau về cách làm. May thay, cuối cùng các nhà làm phim cũng tìm được một đơn vị sản xuất tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong sáng tác, và hoàn thành nốt công việc.
Về bối cảnh, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, đoàn làm phim không gặp khó khăn nhiều khi lựa chọn đúng ngôi làng thực hiện phim “Ma làng 1”. Người dân ở đây từng biết đến bộ phim, cho nên khi chúng tôi đến đó quay phần tiếp theo thì cả chính quyền và dân đều vui vẻ hỗ trợ. Làng vẫn giữ nguyên dáng vẻ cũ, bây giờ khang trang hơn với đường bê tông và nhiều nhà xây, thì đúng với yêu cầu của phim, cho nên hết sức thuận lợi. Dân lại được huấn luyện làm diễn viên quần chúng từ phim trước cho nên bây giờ thành thạo hơn”, đạo diễn “Ma làng” nói.
Dài 33 tập, phần tiếp theo của “Ma làng” sẽ tái ngộ khán giả truyền hình vào lúc 20 giờ 30 trên kênh VTV1 vào các tối thứ 5, thứ 6 hằng tuần, bắt đầu từ ngày 6-12. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, sau “Làng ma 10 năm sau”, ông sẽ vẫn tiếp tục các ý tưởng về đề tài nông thôn Việt Nam.