Lan tỏa tình yêu nghề từ những nhà giáo tâm huyết

Trong bối cảnh ngành giáo dục đang chịu nhiều áp lực từ yêu cầu đổi mới cùng những khó khăn do đời sống kinh tế-xã hội chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, những tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo đã truyền cảm hứng tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Các thầy giáo, cô giáo Trường THPT Mỹ Ðình (quận Nam Từ Liêm) kê dọn giá sách.
Các thầy giáo, cô giáo Trường THPT Mỹ Ðình (quận Nam Từ Liêm) kê dọn giá sách.

Thực trạng 29.000 giáo viên xin nghỉ việc trên cả nước đang khiến không ít giáo viên băn khoăn với công việc đầy áp lực, liên tục yêu cầu đổi mới của ngành. "Xuất phát từ tình yêu nghề, sự năng động, sức sáng tạo các thầy, cô tham gia giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" năm 2022 đã tác động không nhỏ tới cộng đồng giáo viên Hà Nội nói riêng, giáo viên cả nước nói chung" - Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh.

Nhà giáo Nguyễn Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Ðông La (huyện Hoài Ðức) được phân công từ một trường đứng đầu huyện Hoài Ðức về công tác tại một trường đứng cuối huyện. Năm 2014 nhận công tác tại Trường trung học cơ sở Ðông La, cô và đội ngũ giáo viên nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Trường còn không có cổng, không có tường rào, hiệu trưởng cùng giáo viên phải bê từng viên gạch vào lát sân trường. Với nỗ lực không ngừng, đến nay, Trường trung học cơ sở Ðông La đã được công nhận trường chuẩn quốc gia, không những thế còn trở thành điểm sáng về giáo dục online với nhiều thành tích được ghi nhận không chỉ ở huyện Hoài Ðức, mà còn trên cả nước.

"Cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, nhà trường đã mời các chuyên gia về trường để đưa môn Toán của học sinh trong trường đang từ tốp cuối tiến lên vị trí thứ 5 và môn Ngữ văn lên thứ nhì toàn huyện. Chín năm rất gian khổ và với sự đồng hành của thầy, cô trong trường, Trường trung học cơ sở Ðông La đã khẳng định được thương hiệu của mình, được ghi nhận khi xây dựng mô hình trường học online. Trường đã chia sẻ kinh nghiệm trên diễn đàn cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam với hơn 2.000 giáo viên cả nước" - cô Dung chia sẻ.

Khó có thể hình dung những khó khăn phải đối mặt khi đang quản lý một trường danh tiếng tại quận ở khu vực trung tâm Hà Nội, cô giáo Nguyễn Thu Hà đã tiếp nhận ngôi trường đang được hoàn thiện đúng vào thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát và diễn biến phức tạp. Trường trung học phổ thông Mỹ Ðình (quận Nam Từ Liêm) được thành lập theo Quyết định số 2295/QÐ-UBND ngày 25/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội và đi vào hoạt động từ năm học 2021-2022. Khó khăn đã thử thách thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đầu tiên của nhà trường. "Sáu tháng đầu đi vào giảng dạy trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cán bộ quản lý và giáo viên nhà trường chưa được nhận lương, nhưng giáo viên vẫn dạy học online buổi sáng, buổi chiều lại đến trường hoàn thiện cơ sở vật chất từ cuốc đất, trồng cây, đến lau dọn vệ sinh, kê dọn bàn, ghế các lớp học…" - cô Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Ðể tạo động lực cho giáo viên làm việc trong sáu tháng không có lương, cô giáo Nguyễn Thu Hà phải vạch ra con đường rõ ràng để giáo viên biết họ cần làm gì với mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để đồng hành với trường. Bên cạnh đó là việc nói phải đi đôi với làm, cùng làm từ những việc nhỏ thì mới thuyết phục được giáo viên. Cô Nguyễn Thu Hà chia sẻ: "Ðể ứng dụng công nghệ thông tin, trường chú trọng khai thác thế mạnh của công nghệ, lập ra nhóm công nghệ thông tin phân tích thế mạnh của các phần mềm để chọn công cụ mang tính phổ biến, dễ sử dụng và ổn định nhất. Nhóm đã gửi thư cho Google và được Google hồi đáp, cấp sở hữu tên miền riêng, chủ động tìm kiếm cơ hội sở hữu tên miền riêng @ thptmydinh.edu.vn để có thể thiết lập hệ thống email nội bộ, tạo hệ sinh thái chung, từ đó tổ chức thành các lớp học trực tuyến có tính an toàn, bảo mật và ổn định cao, khai thác triệt để các ứng dụng trực tuyến vào dạy học, kiểm tra đánh giá". Bằng trí tuệ, nhiệt tâm, sự sáng tạo, 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên và gần 400 học sinh Trường trung học phổ thông Mỹ Ðình khóa 1 đã vững vàng với những bước tiến vững chắc.

Ðánh giá về những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo Thủ đô, ông Nguyễn Ngọc Ân cho rằng việc bắt đầu đặt nền móng với nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc, nhất là khi ở giữa Thủ đô, các thầy, cô có rất nhiều lựa chọn tốt hơn. Ðiều này rất đáng trân trọng, sự nỗ lực của những nhà giáo tâm huyết là nguồn năng lượng lớn với những giáo viên còn đang ngần ngại, băn khoăn trước áp lực trong sự nghiệp trồng người.