Bộ sách gồm hai cuốn: “Chào tiếng Việt - Ra khơi” (cấp độ 1) và “Chào tiếng Việt - Khám phá” (cấp độ 2) được các chuyên gia nghiên cứu giáo dục trong nước và quốc tế đánh giá là tác phẩm kết hợp được các thành tựu của giáo học pháp hiện đại trong việc giảng dạy tiếng Việt - với tư cách là ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ và cả với tư cách là một ngoại ngữ - bằng các phương pháp sư phạm mới.
Những phương pháp này do chính tác giả tìm tòi và thiết kế trong quá trình thực nghiệm cá nhân khi dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam sống ở nước ngoài tách biệt khỏi môi trường ngôn ngữ Việt.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng đối với câu chuyện lan tỏa tình yêu tiếng Việt, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho biết: Việc giữ gìn tiếng Việt cho các thế hệ người Việt sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài đã được quan tâm nhiều năm nay và cho đến bây giờ vẫn là câu chuyện thời sự với những khó khăn thực tế của cộng đồng.
Ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ hay mỗi địa phương, bên cạnh những thành tựu riêng với nhiều phương án tổ chức dạy và học khác nhau, lại tồn tại những vấn đề chung.
Qua thực tế trải nghiệm và thực nghiệm nhiều năm giảng dạy, tổ chức trại hè tiếng Việt ở Liên bang Nga và các nước châu Âu, bản thân người biên soạn đã tiếp cận, phân tích, chia sẻ và phân loại được những khó khăn của việc dạy và học tiếng Việt cho đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam sinh ra trong cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài, và bộ sách ra đời trong niềm trăn trở đó.
Tác giả Nguyễn Thụy Anh bảo vệ Tiến sĩ giáo dục tại Trường đại học Sư phạm Moscow (MPGU) năm 2001. Chị có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam ở Liên bang Nga, Ba Lan, Pháp, Đức..., đồng thời thiết kế quy trình, nội dung, phương pháp và là nhà đồng tổ chức Trại hè “Vui cùng tiếng Việt - Warszawa” từ năm 2012 đến năm 2015; lớp học “Tiếng Việt đi khắp năm châu” thuộc trại tiếng Việt “Trường học phù thủy Stuttgart” các năm 2017, 2018 và 2019.
Là một nhà nghiên cứu, nhà thơ, dịch giả (tiếng Nga), chị còn sáng lập và giữ vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con (Hà Nội) - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục với định hướng hỗ trợ phương pháp tiếp cận trẻ em, xây dựng văn hóa đọc trong gia đình và nhà trường, tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp cho trẻ em.
Điểm nhấn ở phiên bản truyền hình của bộ sách “Chào tiếng Việt” trên kênh sóng đối ngoại VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam) là hướng đến đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài tại thời điểm mới học và làm quen với tiếng Việt, năng lực không đồng đều, đang trong quá trình xây dựng khái niệm và cảm xúc về tiếng mẹ đẻ, văn hóa dân tộc, hình thành động lực như một nhu cầu học tập tự thân.
Ở phiên bản truyền hình, ngoài phần giảng dạy do chính Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh đảm nhận, còn có tương tác với trẻ em, các tiết mục hoạt cảnh, văn nghệ, đố vui, trò chơi... nhằm tăng tính hấp dẫn, mới mẻ với người học. Bên cạnh đó, mỗi số phát sóng đều có mục “Đất nước học” với những câu chuyện nhỏ, vừa đủ gợi tò mò, vừa tạo động lực để thanh thiếu niên Việt kiều đến gần hơn với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Những năm gần đây, việc xây dựng các phiên bản sách nói, chương trình truyền hình, phim ngắn... từ những cuốn sách phiên bản in đang được quan tâm và bắt đầu triển khai thử nghiệm. Phương pháp này góp phần tạo nên diện mạo, cách tương tác mới nhằm tăng tính hiệu quả trong quá trình tiếp nhận. Tuy nhiên, để những cuốn sách có thêm phiên bản mới luôn đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía.
Bộ sách “Chào tiếng Việt” đang “ra khơi” là một gợi ý không chỉ cho các tác giả mà các đơn vị xuất bản, truyền thông... cũng cần thêm những đổi mới, sáng kiến, sự phối hợp cần thiết để các tác phẩm có giá trị được lan tỏa trong những không gian rộng hơn, phục vụ bạn đọc trong nước và người Việt ở nước ngoài một cách hữu ích, sinh động hơn.