Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, thông tin, Hội đồng sáng kiến Quân khu 7 vừa tổ chức thẩm định, chấm điểm và lựa chọn 70 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từ 108 hồ sơ đăng ký của các cơ quan, địa phương, đơn vị trong trong Lực lượng vũ trang Quân khu 7.
Các sáng kiến phong phú, đa dạng, toàn diện trên các lĩnh vực, tập trung vào phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.
Địa bàn phường 26, quận Bình Thạnh, có Bến xe Miền Đông cho nên thường xảy ra các vụ việc gây mất trật tự an ninh, tệ nạn xã hội mang không ít khó khăn đến cán bộ, chiến sĩ lực lượng nòng cốt. Ban Chỉ huy quân sự phường đã ứng dụng cải tiến “Áo giáp chống đâm” cho các chiến sĩ dân quân tự vệ.
Sản phẩm mới giúp chiến sĩ dân quân tự vệ tiện dụng và dễ dàng cơ động khi tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các cơ quan chức năng khác hoặc tuần tra độc lập nhờ có tính an toàn cao và có thể mang theo đầy đủ công cụ hỗ trợ phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ.
Đồng chí Nguyễn Nam Hùng, hiện đang công tác tại Ban Chỉ huy quân sự phường 26, quận Bình Thạnh, tác giả của sáng kiến áo giáp chống đâm, cho biết: Từ những điểm hạn chế của giải pháp áo chống đâm đang sử dụng trước đây, Ban Chỉ huy quân sự phường 26 đã sáng kiến ra sản phẩm áo giáp chống đâm mới.
Áo giáp chống đâm dân quân tự vệ mới được thiết kế có các túi đựng trang bị dụng cụ như: gậy giao thông, gậy tôn pha, còi, bộ đàm, sổ ghi nhận công tác, bút, đèn pin, bảng tên dân quân, điện thoại thông minh có thể ghi hình khi thực hiện nhiệm vụ mật, phù hợp khi thực hiện công tác được phân công. Sản phẩm có giá thành rẻ, chất liệu dễ mua, dễ làm có thể tự sửa chữa…
Đến nay, sáng kiến áo giáp chống đâm đã thử nghiệm thành công tại Ban Chỉ huy quân sự phường 26 từ tháng 3/2023 và sản xuất ổn định từ tháng 6/2023. Mô hình đã được nhân rộng ra thêm 50 áo giáp tại đơn vị và đã cho kết quả rất khả quan góp phần nâng cao công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Ngoài ra, một số đơn vị giáp ranh cũng đã thử nghiệm và sử dụng tốt bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ khi thực hiện nhiệm vụ. Giải pháp áo giáp chống đâm dân quân tự vệ giúp cho cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng và bảo đảm an toàn khi thực hiện nhiệm vụ, từ đó tình hình tội phạm phạm pháp trên địa bàn sẽ giảm. Tình hình an ninh trên địa bàn cũng được bảo đảm an toàn và ổn định.
Sáng kiến áo giáp chống đâm rất tiện dụng và dễ dàng cơ động khi tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các cơ quan chức năng khác, hoặc tuần tra độc lập do có tính an toàn cao và có thể mang theo đầy đủ công cụ hỗ trợ phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Từ đó hình ảnh của lực lượng dân quân tự vệ thêm nổi bật và nhận được tín nhiệm cao hơn trong nhân dân.
Tăng gia sản xuất đã trở thành “hơi thở” của toàn quân, từ cấp tiểu đoàn đến cấp quân khu đều có các vườn rau xanh, chuồng trại nuôi gia súc. Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 có sáng kiến “Sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học EM, IMO góp phần nâng cao chất lượng tăng gia sản xuất tại đơn vị”.
Đồng chí Đặng Quang Sang, tác giả sáng kiến cho biết: Khi đơn vị chưa có mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác hậu cần, khối lượng rác hữu cơ tại bếp ăn cấp tiểu đoàn hằng năm tương đối lớn, khoảng hơn 30 tấn/năm. Nguồn rác hữu cơ này chưa được xử lý và tận dụng trong công tác tăng gia sản xuất.
Trong khi đó, chi phí đầu tư phân bón hóa học và thuốc trừ sâu cho tăng gia sản xuất ngày càng tăng cao, lại tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Khu vực chuồng trại và nước ao nuôi cá của đơn vị chưa được khử khuẩn và vệ sinh bằng chế phẩm sinh học để mang lại hiệu quả cao và chi phí thấp.
Theo đồng chí Đặng Quang Sang, sáng kiến nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong công tác tăng gia sản xuất tại đơn vị. Việc áp dụng quy trình tự sản xuất và nhân bản vô hạn chế phẩm sinh học EM1, IMO4 từ những nguyên liệu có sẵn để ứng dụng trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi.
Sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học EM, IMO góp phần nâng cao chất lượng tăng gia sản xuất tại đơn vị đã được áp dụng trong tiểu đoàn, giúp đơn vị tự sản xuất các loại phân bón vi sinh đa chủng, đa chức năng; sản xuất thuốc trừ sâu sinh học; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu chăn nuôi tập trung của đơn vị. Giải pháp này khắc phục tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường…
Thiếu tướng Đặng Văn Hùng cho biết: Để phong trào sáng kiến trong toàn quân khu được phát triển một cách toàn diện, những năm qua, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã quan tâm tạo điều kiện về môi trường nghiên cứu, khuyến khích, động viên, chăm lo hỗ trợ kinh phí, thời gian, đóng góp, hoàn thiện ý tưởng và sản phẩm.