Lan tỏa phong trào nông dân làm theo lời Bác

Việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được xác định là một trong những nội dung quan trọng, trở thành việc làm thường xuyên của Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, nhiều mô hình hay có sức lan tỏa trong cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu phố 8, phường Trường Thọ, thành phố Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Minh Phương luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động, phong trào của Hội.

Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, bà luôn tiên phong trong việc tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ kịp thời cho người dân tại địa phương khi giãn cách xã hội.

Khi đó, bà đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà để phát tài liệu tuyên truyền, phát khẩu trang, màng chắn giọt bắn, dung dịch sát khuẩn, nhiều phần quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Bà còn vận động các chủ nhà trọ là hội viên nông dân giảm giá tiền phòng sau dịch Covid-19 để giảm bớt khó khăn cho người ở trọ…

Với tâm nguyện “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, bà Phương đã tham gia 33 lần hiến máu tình nguyện, vận động 50 hội viên nông dân và người dân cùng tham gia hiến máu.

Bà còn tích cực vận động hội viên nông dân, người dân đóng góp ngày công, tiền để nâng cấp, nhựa hóa con hẻm 78, khu phố 8, phường Trường Thọ với diện tích 358m2, kinh phí thực hiện gần 100 triệu đồng; vận động gắn bảy camera an ninh trên các con hẻm trong khu phố, tổng giá trị hơn 50 triệu đồng, đồng thời phát 400 túi đựng rác phân hủy trong các buổi sinh hoạt định kỳ của Chi hội Nông dân khu phố 8.

Bà còn vận động các nhà hảo tâm, các hội viên ủng hộ công trình “Biến điểm đen thành khu sinh hoạt cộng đồng” tại khu phố 7; chăm lo Tết cho hội viên và người dân có hoàn cảnh khó khăn với 300 phần quà.

Bà chủ động thành lập Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái”, hằng tháng vận động các nguồn lực để có kinh phí chăm lo 10 hộ gia đình khó khăn; phối hợp với hội viên nông dân tổ chức “bếp ăn từ thiện”, mỗi ngày phát 200 suất cơm và mì gói miễn phí cho người nghèo, người khó khăn...

Bà Nguyễn Thị Minh Phương chỉ là một trong rất nhiều gương điển hình nông dân tại Thành phố Hồ Chí Minh làm theo lời Bác.

Trong số này, còn có thể kể đến việc làm thầm lặng của bà Trần Thị Thi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ khi xây dựng hai mô hình kinh tế hiệu quả, hai mô hình hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, thành lập hai Tổ hợp tác nuôi tôm gồm 53 thành viên và thành lập Hợp tác xã thu mua muối Lý Nhơn để tạo điều kiện cho nông dân sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.

Hay ông Đoàn Văn Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 5, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh xây dựng mô hình tuyến đường không rác; vận động hội viên, nông dân thực hiện nhiều công trình trọng điểm; trồng 200 cây hoa chuông vàng, 150 cây xà cừ, bằng lăng trên các tuyến đường trong xã...

Qua hai năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các cấp Hội Nông dân thành phố tổ chức 766 hội nghị học tập, quán triệt cho hơn 40 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân.

Hội Nông dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đăng ký thực hiện một mô hình và hội nông dân các phường, xã, thị trấn đăng ký thực hiện hai mô hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều mô hình đã lan tỏa trong xã hội, tạo động lực cho phong trào thi đua yêu nước lan rộng trong các cấp hội nông dân.

Cụ thể, mô hình “Mỗi ngày làm 1 việc tốt, ý nghĩa”; “Không sử dụng nước uống đóng chai” trong các hội nghị; mô hình “Nâng bước em đến trường”; “Bữa sáng không đồng”; “Trao tặng con giống nghĩa tình”; “Cánh đồng xanh sạch đẹp”; “Trao cây giống trao niềm tin; “Chia sẻ yêu thương”…

Ngoài ra, Hội Nông dân thành phố chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả, các gương điển hình; xây dựng và tổ chức lễ ra mắt Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, nông dân về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hội Nông dân thành phố cũng triển khai công trình “Mỗi huyện, quận xây dựng mới một mô hình một hợp tác xã điểm về cung ứng vật tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng” như Hợp tác xã Thương mại-Dịch vụ nông nghiệp Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn); Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Mặt Trời Mọc (huyện Củ Chi); Hợp tác xã Nông nghiệp Tuấn Ngọc (thành phố Thủ Đức)…; đồng thời, thực hiện công trình “Tư vấn, hỗ trợ 10 chi hội làm điểm không còn hội viên nghèo theo tiêu chí của Thành phố Hồ Chí Minh để nhân rộng”.

Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Xuân cho rằng: Những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021-2023 vừa qua là minh chứng rõ nét cho nỗ lực không ngừng của các cấp Hội Nông dân trong quán triệt, phát động và triển khai thực hiện các phong trào thi đua gắn với Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị.

Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc; đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Sổ tay học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người gắn với thực hiện tiêu chí “Người nông dân mới Thành phố Hồ Chí Minh” yêu nước-gương mẫu, năng động-sáng tạo, đoàn kết-nghĩa tình…