Giải thưởng Hành động vì cộng đồng 2024: Xây dựng “Cộng đồng kiến tạo” bền vững
Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 được tổ chức nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp tích cực và bền vững của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp vì lợi ích của cộng đồng.
Chia sẻ tại thảm đỏ Nhà hát Hồ Gươm trước thềm Lễ trao Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức giải cho biết, dù mới bước sang năm thứ 2 nhưng giải năm nay đã được công nhận trong hệ thống giải thưởng quốc gia.
“Tuy là lần thứ hai, chúng tôi vẫn duy trì cách thức tổ chức hiện đại, nghệ thuật, với trọng tâm của chương trình là tôn vinh những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã có sự đóng góp cho cộng đồng bền bỉ suốt nhiều năm qua, giúp cho chương trình tôn vinh này được nâng tầm”, đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức giải trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm lễ trao giải. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Đây là năm thứ 2 lễ trao giải được tổ chức, với sự tham gia của hơn 150 dự án. Trong đó, Ban tổ chức đã chọn ra được 31 dự án để vinh danh trong tối hôm nay. Theo đồng chí Lê Quốc Minh, chất lượng các dự án ngày càng cao và đồng đều, khiến việc lựa chọn những dự án xuất sắc trở nên khó khăn.
“Có những dự án kéo dài đến cả 15 năm rất bền bỉ. Có những cá nhân phải nói rằng tuy bản thân họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, thậm chí là những người khuyết tật, nhưng họ lại đóng góp rất bền bỉ và đã hỗ trợ được rất nhiều người. Những dự án hỗ trợ sinh viên, học sinh, những dự án "Con nuôi đồn biên phòng" đều là những dự án mà mang lại rất nhiều cảm xúc cho chúng tôi”, Trưởng Ban tổ chức giải chia sẻ.
Theo đồng chí Lê Quốc Minh, chủ đề của lễ trao giải năm nay là "Cộng đồng kiến tạo", nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các hoạt động vì lợi ích chung. Điều này giúp các dự án phát triển bền vững và tạo ra hiệu quả lớn hơn.
“Tôi cho rằng sự đóng góp cho cộng đồng này là vô cùng đặc biệt và điều quan trọng hơn nữa là tinh thần này đã lan tỏa rất mạnh mẽ trong xã hội, không còn những hình ảnh đơn lẻ mà có rất nhiều tổ chức, nhiều cá nhân cùng tham gia đóng góp. Đó là lý do chúng tôi chọn chủ đề năm nay là ‘Cộng đồng kiến tạo’. Phải có cộng đồng tham gia, nhiều người tham gia thì những việc làm tốt cho xã hội mới được lan tỏa rộng rãi, mang lại hiệu quả nhiều hơn và bền vững hơn”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.
Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature). (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Cùng chia sẻ về yếu tố bền vững trong dự án tham gia giải thưởng năm nay, ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cho biết, dự án phục hồi rừng trên địa bàn Tây Bắc mà PanNature đang thực hiện cũng hướng tới việc tạo ra một cơ chế hoạt động bền vững.
Theo ông Nguyên, dự án của PanNature phối hợp thực hiện cùng Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và doanh nghiệp fintech Momo, cùng kết hợp với chính quyền và cộng đồng địa phương để thực hiện các hoạt động phục hồi rừng ở Tây Bắc.
“Chúng tôi không chỉ thực hiện các hoạt động trồng cây một vài lần mà hướng đến phục hồi rừng bền vững thông qua sự đồng hành lâu dài, bền vững của doanh nghiệp, cùng với sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc phục hồi, bảo vệ và duy trì các thành quả trên thực tế”, Giám đốc PanNature chia sẻ về tính bền vững của dự án.
Đại diện cộng đồng dân tộc Ba Na đến từ Kon Tum chia sẻ về dự án bảo tồn ngôn ngữ dân tộc Ba Na Tây Nguyên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Thông tin về dự án bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc Ba Na Tây Nguyên do Đại học VinUni thực hiện, đại diện cộng đồng dân tộc Ba Na đến từ Kon Tum cho biết, dự án được thực hiện với sự tham gia và hợp tác chặt chẽ của cộng đồng Ba Na.
“Cộng đồng Ba Na đã tích cực đón nhận và hợp tác với các giảng viên, sinh viên của Đại học ViUni, sẵn sàng chia sẻ, truyền dạy về ngôn ngữ, phong tục tập quán cho các bạn tham gia dự án. Sự tương tác và trao đổi văn hóa giữa cộng đồng Ba Na và các đối tác dự án diễn ra tích cực”, ông chia sẻ.
Cũng theo đại diện này, việc giải thưởng được trao trong buổi Gala có ý nghĩa quan trọng đối với dự án bảo tồn, qua đó đem lại những tác động tích cực, giúp dự án được công nhận và có thêm nguồn lực để phát triển, tất cả vì mục tiêu phục vụ cộng đồng.