Lan tỏa những mô hình hoạt động vì cộng đồng

NDO -

Các cơ quan, đơn vị tại thành phố Đà Nẵng vẫn đang thường xuyên duy trì các hoạt động từ thiện, nhân đạo nhằm đồng hành, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần vào công tác an sinh xã hội của địa phương.

Sinh viên đi chợ 0 đồng.
Sinh viên đi chợ 0 đồng.

Đi chợ cùng sinh viên

Mỗi sáng chủ nhật hằng tuần, các bạn sinh viên đang thuê trọ, sống trên địa bàn phường Thanh Bình (quận Hải Châu) và lân cận đều có mặt tại phường để đi chợ “0 đồng”.

Từ sáng sớm, các loại thực phẩm như: rau, củ, quả, thịt tươi và trứng đã được cán bộ của phường và tình nguyện viên sắp xếp ngăn nắp trên các gian hàng. Đến 8 giờ, những sinh viên đã có mặt xếp hàng để “đi chợ”.

Là sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, Tô Minh Quang cũng như nhiều bạn trẻ xa nhà khác còn nhiều bỡ ngỡ với môi trường mới. Ở trọ nên Quang cũng cần lo nhiều khoản, được các cô chú thông báo tới chợ nhận thực phẩm 0 đồng, bạn chia sẻ: “Suất thực phẩm này đủ cho em ăn trong nửa tuần, em mới xa nhà được vài tháng nên còn chưa quen nhiều bạn bè, được các cô chú quan tâm chia sẻ em thấy vui hơn, cảm nhận được tình cảm của nhiều người nơi đây”.

Mô hình “Phiên chợ 0 đồng” được Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thanh Bình vận động nhà hảo tâm cùng thực hiện đã gần 2 tháng nay. Mỗi phiên có từ 250 đến 300 suất thực phẩm, mỗi suất trị giá 65.000 đồng được trao đến cho các bạn.

Trước nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19, cùng với việc sinh viên từ các địa phương khác về lại Đà Nẵng để học tập sau thời gian dài gián đoạn, muốn giúp các em và gia đình vơi bớt khó khăn trong chi phí sinh hoạt, mặt trận phường đã trao đổi cùng các nhà hảo tâm và nhận được sự ủng hộ để mở phiên chợ.

Lan toả những mô hình hoạt động vì cộng đồng -0
“Cơm từ thiện” của Hội phụ nữ An Hải Đông mỗi tháng cung cấp 2 lần.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Thanh Bình cho biết: “Chúng tôi chọn sinh viên để hỗ trợ tại phiên chợ hằng tuần này bởi các em xa nhà, lại thuê trọ ở, cùng với việc học hành cũng tốn nhiều chi phí hằng tháng, gia đình cũng không khá giả gì, nên hoạt động của tổ chức với mong muốn những suất thực phẩm này sẽ giúp sinh viên ấm lòng nơi thành phố này, chuyên tâm học tập tốt hơn”.

Suất cơm yêu thương

Ngày rằm, mồng 1 âm lịch hằng tháng, các chị em hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Hải Đông (quận Sơn Trà) lại tổ chức nấu cơm chay để trao tặng cho những người nghèo, lao động tự do, người bán vé số, người khuyết tật...

Mô hình “Cơm từ thiện” của Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Hải Đông thực hiện từ năm 2017 cho đến nay. Gần 11 giờ, những suất cơm chay được chở đến địa điểm phát cơm để sắp xếp sẵn lên bàn chờ mọi người tới nhận. Hội phụ nữ sẽ luân phiên phát cơm tại 8 địa điểm trong địa bàn phường với trung bình 120 suất/lần.

Là người có thâm niên 10 năm tham gia các hoạt động thiện nguyện và cũng đồng hành cùng mô hình này từ những ngày đầu tiên, cô Bùi Thị Hoan (62 tuổi) vui vẻ: “Mỗi lần tới ngày nấu, các chị em đến nhà của một người trong hội để cùng làm. Trong lúc đó thì có thể chia sẻ những câu chuyện cuộc sống với nhau, xong rồi chở đi phân phát, hoàn thành chỉ trong một buổi sáng nên không ảnh hưởng nhiều đến thời gian của các hội viên”.

Lan toả những mô hình hoạt động vì cộng đồng -0
Những suất cơm nhỏ mong muốn góp phần chia sẻ với người khó khăn.

Nghe tổ trưởng dân phố thông báo về thời gian phát cơm của Hội, chị Trần Thị Hoa (42 tuổi) đã tranh thủ xin nghỉ sớm mấy phút để ghé về nhận. Chị Hoa đang làm dịch vụ vệ sinh công cộng, chồng chị không may bị tai biến nằm một chỗ, mình chị là lao động chính nuôi 2 con đang học tiểu học.

Nhận những suất cơm cho cả nhà, chị Hoa tâm sự: “Nhận những xuất cơm này thì thấy rất vui mừng, cũng mong hoạt động này duy trì để có thể giúp đỡ phần nào cho bà con gặp khó khăn trong cuộc sống”.

Thời gian đầu, để có kinh phí duy trì hoạt động, các chị em hội viên đã tự bỏ tiền túi ra để làm. Sau khi triển khai một thời gian, mô hình đã lan tỏa đến nhiều người, nhờ đó, có các nhà hảo tâm cũng tham gia. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường An Hải Đông Trịnh Ngân Hà cho biết: “Những trường hợp người khó khăn, người khuyết tật không thể đến nhận cơm sẽ được các cán bộ chi hội trưởng thay mặt đến nhận sau đó mang đến tận nhà cho họ. Hội sẽ cố gắng tiếp tục duy trì mô hình, những suất cơm tuy nhỏ nhưng phần nào giúp cho những hoàn cảnh khó khăn vơi bớt những mệt mỏi và tiếp sức cho họ trong cuộc sống mưu sinh phía trước”.