Với những đóng góp to lớn của mình cho nghệ thuật sân khấu nói chung, nghệ thuật sân khấu của đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng, năm 2000, Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Niềm đam mê nghệ thuật truyền thống
Trụ sở Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh nằm trên một con phố yên bình ở thành phố Trà Vinh. Khi tôi đến, các nghệ sĩ vừa tập xong một vở ca kịch dù kê. Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung, Trưởng đoàn Ánh Bình Minh chia sẻ, sắp tới có nhiều chương trình, hội diễn, các nghệ sĩ, diễn viên phải tập luyện nhiều. Yêu thích ca múa đã ngấm vào người từ nhỏ, cho nên ngay cả trong những buổi tập, các nghệ sĩ người Khmer cũng đắm mình, thả hồn vào các làn điệu một cách say mê.
Theo ông Thạch Sung, Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh được thành lập vào năm 1963, tại căn cứ địa ấp Cây Xanh (xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè). Đến nay, những vở ca kịch dù kê như: “Thạch Sanh-Lý Thông”, “Mối tình Bopha-Rạng xây”, “Bông hồng Trà Vinh”… hay các ca khúc được hát bằng hai thứ tiếng Kinh và Khmer đã góp phần lan tỏa văn hóa Khmer Nam Bộ đến với công chúng, trong cả chiến tranh, bom đạn.
Nghệ sĩ của đoàn thường xuyên biểu diễn tại các lễ hội, Tết truyền thống của đồng bào Khmer như Chôl Chnăm Thmây, Oóc Om Bóc... Đoàn Ánh Bình Minh cũng là nơi nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ở đoàn, từ những nghệ sĩ lớn tuổi, cho đến những người ít cả tuổi nghề lẫn tuổi đời, khi trò chuyện, tình yêu với nghệ thuật truyền thống luôn được họ bộc lộ một cách hào hứng. Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung bảo, người Khmer Nam Bộ thích múa hát và đó là nét văn hóa truyền đời. Như bao em nhỏ Khmer, từ nhỏ, Thạch Sung thường sang nhà một nhạc công già để tập đàn, tập hát.
Chẳng bao lâu, Thạch Sung có thể chơi đàn, gõ trống và ca thuần thục những bản dù kê. Năm 1983, khi 19 tuổi, Thạch Sung đầu quân cho Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh. Theo dòng chảy thời gian, từ một nghệ sĩ trẻ tiềm năng, nghệ sĩ Thạch Sung trở thành người đứng đầu đoàn nghệ thuật mà cả đời ông đã gắn bó.
Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 2007 cùng rất nhiều giải thưởng tại các hội diễn nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp trong cả nước. Nhưng, có lẽ điều lớn lao nhất và vinh dự nhất với ông là cái tên Thạch Sung đã trở nên quen thuộc với đồng bào Khmer Nam Bộ ở các tỉnh vùng miền Tây Nam Bộ và Trà Vinh qua những vai diễn ấn tượng hay những chương trình ca kịch dù kê do ông dàn dựng.
Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh. (Ảnh LÝ LONG) |
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Nghinh, một trong những nghệ sĩ gạo cội của Đoàn Ánh Bình Minh cũng đã đến với nghệ thuật từ tấm bé. Nghệ sĩ Kim Nghinh kể, bố ông là nhạc công chơi đàn cáo. Thuở nhỏ, ông thường xem bố biểu diễn tại các lễ hội, đám cưới của đồng bào Khmer ở địa phương. Tình yêu với nghệ thuật truyền thống cứ thế lớn dần theo năm tháng. Kim Nghinh được bố mẹ cho đi học nhạc. Năm 1981, ông tham gia Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh và được đào tạo bài bản. Sau ba năm học tập, Kim Nghinh trở thành nhạc công chính của đoàn khi mới 18 tuổi.
“Một thời gian vào đoàn, tôi quen và cưới vợ tôi, một nghệ sĩ múa trong đoàn. Thời đó bao cấp, cuộc sống của người nghệ sĩ rất khó khăn trăm bề, nhưng cả hai vợ chồng đều có niềm đam mê và gắn bó với nghệ thuật dân tộc cho đến tận bây giờ. Hồi trẻ, ban ngày đi tập, đi diễn, tối đến hai vợ chồng lại tập luyện với nhau, tôi chơi đàn, vợ múa, cùng nhau hoàn thiện các kỹ thuật. Mọi khó khăn cứ như thế trôi qua trong niềm vui, hạnh phúc”, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Nghinh chia sẻ.
Gìn giữ cho muôn đời
Hằng năm, các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh đi biểu diễn khắp các địa phương có cộng đồng người Khmer sinh sống, kể cả vùng sâu, vùng xa của tỉnh Trà Vinh và nhiều tỉnh bạn như Kiên Giang, Bạc Liêu, Đắk Lắk… Không ít lần, đoàn đã sang cả nước bạn Campuchia biểu diễn.
Các tiết mục, vở diễn như: “Chuyện tình nàng Thi Đa Pâu”, “Câu chuyện Sô-binh-kô-mar”, “Điệu khúc Ba-sắc”… đã tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng những người yêu thích nghệ thuật Khmer truyền thống. Theo Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung, trước đây, mỗi năm Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh có khoảng hơn 100 suất diễn.
Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ít suất diễn hơn, vì thế thu nhập của nghệ sĩ, nhân viên của đoàn có phần giảm sút. “Hiện nay, đoàn có 45 người với 36 diễn viên. Từ khi thành lập đến nay, Ánh Bình Minh có chín Nghệ sĩ Ưu tú được công nhận, nhưng năm người đã nghỉ hưu. Nhìn chung, thu nhập của các thành viên chỉ ở mức đủ sống.
Tuy nhiên, ngọn lửa đam mê với văn hóa dân tộc tiếp tục được lan truyền qua các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên. Bởi vậy, kể cả những lúc khó khăn nhất, chẳng ai nghĩ đến chuyện bỏ nghề, rời đoàn”, Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung cho biết.
Xô Ma Ly, 25 tuổi là nghệ sĩ trẻ nhất, nhưng cũng đã có bảy năm ở trong Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh. Xô Ma Ly chia sẻ, đi theo con đường nghệ thuật truyền thống Khmer là cách cô theo đuổi đam mê từ tấm bé. Tuổi 18, cô vào đoàn với nhiều bỡ ngỡ. May mắn khi các nghệ sĩ thế hệ đi trước chỉ bảo nhiệt tình, lại xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, cho nên chẳng mất quá nhiều thời gian, Xô Ma Ly trở thành đào chính của các vở dù kê.
Đợt dịch Covid-19 hoành hành, cô ở nhà tự tập luyện trong phòng hoặc xem lại clip các vở mình trình diễn cho vơi phần nào nỗi nhớ nghề, nhớ sân khấu. Với Xô Ma Ly, nghệ thuật truyền thống là con đường theo đuổi cả đời. Vì thế cô luôn ý thức học hỏi kinh nghiệm, chăm chỉ luyện tập để vừa nâng cao trình độ bản thân, vừa truyền lửa cho những người sẽ lựa chọn các vở dù kê, các bài ca, điệu múa của đồng bào Khmer làm sự nghiệp.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Kim Nghinh, điều may mắn nhất của nghệ thuật sân khấu dân gian Khmer Nam Bộ là không phải đối mặt với nỗi lo mai một. Hiện nay, giới trẻ Khmer rất quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Để trở thành nghệ sĩ cần rất nhiều thời gian đào tạo và yêu cầu người học phải có năng khiếu về ca, múa, cảm thụ âm nhạc, văn học và khả năng về diễn xuất mới có thể chinh phục công chúng.
Đặc biệt, với kịch hát dù kê là thể loại người Khmer Nam Bộ rất say mê, cho nên khán giả sẽ rất am hiểu và thậm chí là khắt khe với nghệ sĩ. Phải qua nhiều thời gian, người nghệ sĩ mới có đủ sự tinh tế để chuyển tải hết những ý nghĩa nhân văn của các tích truyện. Khó khăn là vậy, nhưng khi các lớp đào tạo diễn xuất, đàn, hát được mở tại các chùa, trường học, có rất nhiều học viên, đủ thành phần, lứa tuổi tham gia.
Nghệ sĩ Ưu tú Kim Nghinh bảo: “Hiện nay, đoàn chúng tôi rất dồi dào nhân lực, trong đó có nhiều bạn trẻ tài năng. Chưa kể, nhiều nghệ sĩ có tuổi, có người về hưu đã lâu nhưng vẫn tham gia biểu diễn và đào tạo thế hệ kế cận”.
Với Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung, chỉ một vài năm nữa ông đến tuổi về hưu, nhưng không vì thế mà ông ngưng nghỉ. Niềm vui của ông là khi được thấy các sân khấu đầy ắp khán giả và các buổi biểu diễn được đông đảo công chúng đón nhận. Ông tham gia giảng dạy đều đặn tại các lớp đào tạo do sở, ngành, địa phương hoặc các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tổ chức.
Theo Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Sung, thế hệ của ông dần dần cũng sẽ lùi vào sau sân khấu để nhường chỗ cho thế hệ trẻ. Vì thế, thế hệ trẻ phải đủ tài năng, nhiệt huyết, đam mê để kế thừa nhiệm vụ của cha anh, phát huy nghệ thuật sân khấu đồng bào Khmer một cách xứng đáng. Hiện nay, Đoàn nghệ thuật Ánh Bình Minh coi việc đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế thừa là nhiệm vụ hàng đầu. Có như vậy nghệ thuật biểu diễn sân khấu của người Khmer mới được gìn giữ cho muôn đời.