Lan tỏa nét đẹp văn hóa từ Hội chữ Xuân

Đầu xuân Giáp Thìn 2024, không gian hồ Văn thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám trở thành không gian của hội chữ với chủ đề “Hiếu học”. Mỗi chữ được viết ra đều bao hàm những ý nghĩa sâu sắc, thể hiện những ước vọng tốt đẹp đầu năm. Bởi thế, qua Hội chữ, không chỉ nét đẹp xin chữ được khôi phục mà những thông điệp văn hóa thông qua ý nghĩa mỗi chữ viết cũng được lan tỏa.
0:00 / 0:00
0:00
Giới thiệu bức thư pháp với hai chữ “Hiếu học” của thư pháp gia Nam Long tại Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024.
Giới thiệu bức thư pháp với hai chữ “Hiếu học” của thư pháp gia Nam Long tại Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024.

Những ngày đầu xuân mới, không gian hồ Văn thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) rực rỡ “mầu Tết” khi trở thành không gian tổ chức Hội chữ Xuân Giáp Thìn. Khác với mọi năm, những gian hàng dành cho các “ông đồ” viết chữ được bố trí tại đường dạo vòng quanh hồ Văn. Lối vào và lối ra của khu vực đường dạo là những chiếc cổng gỗ, lợp ngói vảy cá, gợi đến hình ảnh thân thuộc của những làng quê Việt. Các gian hàng và những không gian chức năng khác cũng được thiết kế lợp mái lá hay lợp ngói ta, được trang trí đầy chất mỹ thuật, đậm chất truyền thống, khiến du khách đến Hội chữ được đắm mình trong không gian văn hóa. Để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch nhân dịp năm mới, các gian hàng bao gồm cả những người viết thư pháp Hán-Nôm cũng như thư pháp Việt. Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: “Với chủ đề “Hiếu học”, Hội chữ Xuân năm nay nhằm tôn vinh đạo học, đề cao tinh thần ham học hỏi của người Việt Nam, giới thiệu nét đẹp trong nghệ thuật thư pháp đến với người dân Thủ đô và du khách. Để bảo đảm chất lượng của Hội chữ, chúng tôi đã có quá trình chuẩn bị kỹ càng. Tất cả những người tham gia viết chữ đều trải qua quá trình tuyển chọn với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về Hán-Nôm, cũng như chuyên gia thư pháp Việt”.

Tham gia Hội chữ Xuân năm nay có nhiều nhà thư pháp đến từ các tỉnh, thành phố. Vượt một quãng đường dài từ Thành phố Hồ Chí Minh để đến Hội chữ Xuân, nhà thư pháp Lưu Thanh Hải chia sẻ: “Là người con của đất phương nam, tôi thật sự xúc động khi tham dự Hội chữ Xuân ở nơi khởi nguồn của đạo học nước ta Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Hội chữ là hoạt động văn hóa ý nghĩa và thiết thực nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa, tư tưởng về đạo học, khuyến học, khuyến tài. Tôi là người viết thư pháp chữ quốc ngữ và rất mong muốn cùng các đồng nghiệp có những đóng góp, sáng tạo để phát triển bộ môn thư pháp nói chung và thư pháp chữ quốc ngữ với tầm nhìn mới, cách làm mới để mang đến nhiều giá trị mới cho văn hóa cộng đồng”.

Cũng tại Hội chữ Xuân, triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học” trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh hồ Văn. Trung tâm không gian trưng bày được thiết kế tạo nên một “con đường chữ” với chín hàng cột đôi như là biểu tượng cho con đường học vấn, hay chính là đạo học với trụ cột là những hiền tài của đất nước. Chữ viết trên 18 trụ cột đó đều ghi chép, viết lại các nội dung kinh điển của nho giáo, khoa cử ngày xưa. Triển lãm dùng ánh sáng kết hợp với chữ để sắp đặt, làm cho chữ viết tràn ngập không gian, tạo nên những ấn tượng nghệ thuật thị giác. Trong khuôn khổ Hội chữ Xuân năm nay, còn có nhiều hoạt động được tổ chức để phục vụ khách du Xuân như: Tái hiện không gian giáo dục thi cử truyền thống (không gian sĩ tử đi thi, làng sĩ tử với bối cảnh không gian làng trong phố...); không gian văn hóa đọc; giới thiệu làng nghề, sản phẩm thủ công truyền thống Hà Nội, sản phẩm lưu niệm, nét văn hóa ẩm thực ngày Xuân; tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật, ca múa nhạc dân tộc: quan họ, ca trù, chèo, múa rối nước, múa lân sư rồng... Trong không khí phấn khởi đón mừng xuân mới, chị Nguyễn Thu Trang (phố Láng Hạ, quận Đống Đa) cho biết: “Tôi rất vui khi ngày nay tục xin chữ được khôi phục. Khi treo chữ lên, tôi thường giải thích cho các con tôi ý nghĩa của chữ mình xin để các cháu hiểu”.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, năm nay là năm thứ 10 liên tiếp Hội chữ Xuân được tổ chức một cách bài bản, quy củ, góp phần bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc và phục vụ nhân dân đón Tết, du Xuân vui tươi, lành mạnh. Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 còn tạo ra một sân chơi để các “ông đồ” có điều kiện trổ tài, sáng tác và nhân dân đi xin chữ có thể yên tâm mang về gia đình những bức thư pháp, thư họa viết đúng, viết đẹp cùng với nhiều ước nguyện tốt lành. Các chữ được viết đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi thế, Hội chữ vừa lan tỏa nét đẹp xin chữ, vừa lan tỏa những giá trị tốt đẹp thể hiện qua những con chữ được viết ■