Lan tỏa mô hình xanh đến cộng đồng

Hướng tới một môi trường xanh-sạch-đẹp, thời gian qua, người dân thành phố đã cùng chung tay với chính quyền các cấp ở thành phố, địa phương thực hiện nhiều mô hình xanh hóa các “điểm đen” về môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Một điểm đen về môi trường tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh đã được cải tạo thành một khuôn viên cây xanh và sân thể dục.
Một điểm đen về môi trường tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh đã được cải tạo thành một khuôn viên cây xanh và sân thể dục.

Trước đây, nhiều điểm đen môi trường sau khi được xử lý lại tiếp tục bị lấn chiếm, ô nhiễm. Giờ đây với việc vào cuộc đồng bộ, ý thức trách nhiệm từ người dân, nhiều mô hình đã được xanh hóa bền vững, biến thành điểm nhấn cho từng khu phố, ấp trên địa bàn.

Từ “điểm đen” thành “điểm xanh”

Vườn rau xanh mát, màu mỡ hiện tại của nhân dân khu phố 1, phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức trước đây là khu đất bỏ hoang, nhiều người thậm chí còn mang rác đến đổ ở đây gây nên hình ảnh rất phản cảm, gây nhiều bức xúc đối với người dân. Với quyết tâm xanh hóa điểm đen này, Mặt trận Tổ quốc và Hội Liên hiệp Phụ nữ, các đoàn thể phường và người dân đã chung tay cải tạo khu đất trở thành một vườn rau sạch, khu công viên tập thể dục, vui chơi khang trang, sạch đẹp.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Cát Lái, Lê Thị Nguyệt cho biết: Từ khi vườn rau được chăm sóc, người dân chung quanh có thêm nguồn rau sạch để cung cấp cho Bếp ăn nghĩa tình của Mặt trận phường Cát Lái, tặng cho người nghèo, người khó khăn cải thiện bữa ăn hằng ngày. Ngoài ra, Mặt trận phường và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường và Đảng bộ phường vận động nhân dân đóng góp kinh phí để cải tạo thành khuôn viên gắn các dụng cụ thể thao phục vụ người dân trên địa bàn vui chơi, tập luyện thể thao.

Còn tại huyện Bình Chánh, một số điểm trên địa bàn ấp 5, xã Đa Phước thời gian qua cũng phát sinh bãi rác gây ô nhiễm môi trường. Cấp ủy địa phương đã nhiều lần ra quân nhắc nhở nhưng tình trạng này không được giải quyết dứt điểm.

Theo Mặt trận Tổ quốc huyện Bình Chánh, nhận thấy đây là vấn đề cấp bách nên đơn vị đã phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội cùng người dân tổ chức tổng vệ sinh, thu gom rác thải. Để tạo điểm xanh cho khu vực, các đơn vị đã trồng hoa, tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường. Một bãi rác tự phát đã được thay thế bằng một vườn hoa đẹp khiến người dân rất hài lòng.

Bà Nguyễn Minh Thảo, ngụ ấp 5, xã Đa Phước phấn khởi cho biết: Từ khi có vườn hoa này, nhân dân trong ấp đã không phải ngao ngán trước những đống rác tự phát; nhiều người còn thay nhau chăm sóc, tưới cây để duy trì mảng xanh. Từ mô hình này, Mặt trận huyện đã lên kế hoạch tiếp tục tổ chức phát động, nhân rộng các mô hình xanh trên toàn địa bàn, phấn đấu 100% khu phố trên địa bàn đạt khu phố xanh-sạch.

Hướng đến chất lượng sống xanh

Đến nay, trên địa bàn thành phố đang duy trì hơn 1.900 điểm, công trình sạch-xanh-thân thiện môi trường. Hoạt động này được Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố phối hợp triển khai nhằm huy động các nguồn lực xã hội, cộng đồng dân cư cùng tham gia chuyển hóa khu vực ô nhiễm môi trường thành khu sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi thiếu nhi, vườn rau, vườn hoa; chung tay trang trí tạo mảng xanh, giữ gìn không gian xanh, sạch, đẹp tại các khu dân cư, khu vực công cộng trên địa bàn thành phố.

Đây cũng là một trong các hoạt động trọng tâm trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn 2022-2025; riêng với Mặt trận thành phố, hoạt động này còn hướng đến chỉ tiêu xây dựng 1.000 khu dân cư sạch, đẹp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2019-2024.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Minh Tuấn, hoạt động này càng đạt hiệu quả hơn thông qua việc Mặt trận thành phố triển khai hội thi xây dựng công trình sạch-xanh-thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư để từ đó lan tỏa lối sống xanh ra cộng đồng. Công tác bảo vệ môi trường luôn là nội dung quan trọng được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quan tâm.

Thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn thành phố đã có nhiều sáng kiến, hoạt động trong công tác bảo vệ môi trường ở khu dân cư thông qua việc cải tạo các bãi rác ô nhiễm, trồng cây tạo mảng xanh, được tổ chức đến các ấp, khu phố… Điều đáng mừng, thành phố luôn lấy nhân dân làm trung tâm triển khai để chính nhân dân là người tham gia thực hiện và là đối tượng thụ hưởng.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, để giữ gìn môi trường thành phố xanh, sạch, Mặt trận thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên và sâu rộng trong các cấp, ngành, các địa phương nhằm nâng cao nhận thức và vận động sự tham gia của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp để thực hiện cải tạo, bảo vệ môi trường.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Thị Thanh Mỹ, cho biết: Thời gian qua, công tác kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm. Cùng chung tay thực hiện công tác này, đơn vị đã triển khai thực hiện hoạt động phối hợp với nhiều đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường bằng những hành động cụ thể như vệ sinh khu phố, không xả rác bừa bãi…

Những kết quả đạt được thời gian qua chính là động lực để thành phố tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình hướng tới xây dựng thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường. Một điểm đáng chú ý là trong Luật Môi trường là việc phát huy vai trò của cộng đồng dân cư trong các hoạt động bảo vệ môi trường, bổ sung cộng đồng dân cư vào phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng nhằm khẳng định vị trí, vai trò của người dân trong công tác bảo vệ môi trường.