Lan tỏa giá trị di sản trong học đường

NDO -

Ngày 23-11, lần đầu tiên sự kiện văn hóa - giáo dục “Di sản với học đường” được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng tổ chức TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, thu hút hơn 2.000 học sinh và nhà giáo tham dự.

Chương trình giao lưu với các nhà sử học, đạo diễn, biên kịch và sản xuất phim lịch sử Việt Nam.
Chương trình giao lưu với các nhà sử học, đạo diễn, biên kịch và sản xuất phim lịch sử Việt Nam.

Mộc bản triều Nguyễn là khối tài liệu đặc biệt quý hiếm, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới vào ngày 30-7-2009. Đây cũng chính là Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam. Thời gian qua, khối tài liệu đặc biệt quý hiếm này đã được cơ quan lưu trữ nhà nước giới thiệu đến công chúng bằng nhiều hình thức.

Để tôn vinh và lan tỏa hơn nữa Di sản Tư liệu thế giới theo hình thức “Đưa Di sản vào trường học” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và ngành giáo dục tỉnh Lâm Đồng tổ chức triển lãm lưu động giá trị di sản này tại một số trường học trên địa bàn TP Đà Lạt, với phương thức tiếp cận mới, dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo.

Lan tỏa giá trị di sản trong học đường -0
Không gian triển lãm “Đà Lạt – Lâm Đồng, xưa và nay”.

Tại sự kiện “Di sản với học đường” tổ chức lần đầu này, đã giới thiệu hình thức phát huy giá trị di sản tư liệu qua ứng dụng công nghệ, như trưng bày ảo 360, giúp người xem cảm nhận các hình ảnh, tài liệu lịch sử chân thực và sống động; ra mắt tên miền “mocban.vn”, giúp việc kết nối trực tuyến với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV và cập nhật các tư liệu từ trung tâm dễ dàng; triển lãm tài liệu, hình ảnh “Quốc hiệu nước ta qua Mộc bản triều Nguyễn”, “Đà Lạt - Lâm Đồng, xưa và nay”; trưng bày những mô hình hình ảnh nhân vật trong triển lãm công nghệ và trong những bộ phim lịch sử, tạo sự tương tác gần gũi và có sức lan tỏa tới học sinh.

Tại sự kiện, học sinh còn được giao lưu với các nhà sử học, đạo diễn, biên kịch và sản xuất phim lịch sử Việt Nam, như nhà sử học Dương Trung Quốc, biên kịch và nhà sản xuất bộ phim “Quỳnh hoa nhất dạ”, nhà sản xuất bộ phim “Trưng Vương”, biên kịch dự án “Việt sử kiêu hùng”…

Lan tỏa giá trị di sản trong học đường -0
 Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trao tặng ngành giáo dục Lâm Đồng 30 phim tài liệu về lịch sử Việt Nam qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn.

Mộc bản là những tài liệu khắc ngược chữ Hán, Nôm trên gỗ để in ra thành sách, được dùng phổ biến trong thời kỳ phong kiến ở nước ta. Khối tài liệu đặc biệt quý hiếm này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, đóng tại TP Đà Lạt, với 34.619 tấm, 55.320 mặt khắc tài liệu mộc bản, gồm 152 đầu sách với 1.953 quyển trên nhiều lĩnh vực. Sự kiện văn hóa - giáo dục “Di sản với học đường” đã góp thêm một hình thức lan tỏa các giá trị di sản do cha ông để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Lan tỏa giá trị di sản trong học đường -0
 Không gian trưng bày ngoài trời tài liệu di sản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Tại sự kiện, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV trao tặng ngành giáo dục Lâm Đồng 100 USB, chứa 30 phim tài liệu về lịch sử Việt Nam qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn, góp phần làm phong phú thêm cơ sở học liệu trong các nhà trường và những tiết học sinh động cho giáo viên và học sinh yêu thích lịch sử, văn hóa Việt Nam.