Lan tỏa giá trị Chiến dịch tình nguyện hè

Từ phong trào xóa mù chữ của Trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh năm 1994, nay đã phát triển, lan tỏa thành một phong trào tình nguyện rộng khắp của tuổi trẻ, sinh viên thành phố. Chiến dịch tình nguyện hè đã để lại tình cảm tốt đẹp, in sâu trong lòng người dân thành phố và nhiều địa phương trên cả nước.
Tuổi trẻ thành phố tham gia hoạt động dọn vệ sinh môi trường. (Ảnh CTV)
Tuổi trẻ thành phố tham gia hoạt động dọn vệ sinh môi trường. (Ảnh CTV)

Qua 30 mùa hè ý nghĩa, sôi nổi, có gần năm triệu đoàn viên, thanh niên xung kích thực hiện các chương trình, chiến dịch tình nguyện với ngọn lửa nhiệt huyết, trách nhiệm để góp sức trẻ và trí tuệ cùng nhau làm nên những điều có ý nghĩa cho xã hội.

30 năm khí thế sức trẻ

Sinh viên tham gia chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè” (năm 1994) chủ yếu là thực hiện công tác xóa mù chữ cho người dân các huyện ngoại thành. Hai năm sau (1996), khi chiến dịch kết thúc, hơn 10 nghìn người biết đọc, biết viết.

Quan trọng hơn, thành phố có một lớp sinh viên hiếu học, biết trăn trở với những khó khăn của đất nước, của thành phố trên con đường phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

Theo Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong 30 năm qua đã có gần năm triệu lượt thanh niên xung kích thực hiện các chương trình, chiến dịch tình nguyện để góp sức xây dựng thành phố, thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa, thiết thực.

Đến năm 1997, Thành đoàn, Hội Sinh viên thành phố đã quyết định đổi tên chiến dịch thành Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” dành cho sinh viên cùng với nhiều kế hoạch, chương trình hoạt động hơn.

Từ Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” dành cho sinh viên, lần lượt ra đời các chương trình, chiến dịch tình nguyện tiếp theo của tuổi trẻ thành phố là:

Chương trình “Hỗ trợ thí sinh đi thi đại học, cao đẳng” (1997), sau đó được đổi tên thành “Tiếp sức mùa thi” (2001); Chiến dịch tình nguyện “Hoa phượng đỏ” (1999) dành cho học sinh, giáo viên trẻ; Chiến dịch tình nguyện “Kỳ nghỉ hồng” (2002) dành cho thanh niên công nhân; Chiến dịch tình nguyện “Hành quân xanh” (2007) dành cho thanh niên lực lượng vũ trang và chương trình “Gia sư áo xanh” (2012) nhằm hỗ trợ ôn tập kiến thức cho các em học sinh.

Riêng trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 (2020-2021), các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của thanh niên thành phố tập trung vào công tác phòng chống dịch Covid-19 với sự tham gia của hàng chục nghìn tình nguyện viên, các y bác sĩ trẻ tại các bệnh viện kiên cường bám tuyến đầu để chống dịch.

Bí thư Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thanh Phương cho biết: Qua 30 năm hình thành và phát triển, các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè của tuổi trẻ thành phố đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những phong trào nổi bật, ghi đậm dấu ấn của Thành phố Hồ Chí Minh. Phong trào này sau khi ra đời đã được nhiều tỉnh, thành phố học tập, nhân rộng, mang lại hiệu quả xã hội to lớn.

Phát huy giá trị từ các chiến dịch

Trong 30 năm qua, tuổi trẻ thành phố đã thực hiện 31 nghìn công trình thanh niên; xây, sửa chữa 7.720 nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà tình bạn; bê-tông hóa, nâng cấp, sửa chữa 870 km đường nông thôn; xây dựng, sửa chữa 500 cầu nông thôn; lắp đặt hệ thống chiếu sáng 270 tuyến đường nông thôn, tuyến hẻm với tổng chiều dài 200 km; tổ chức 1.230 lần cải thiện môi trường tuyến kênh, rạch (2006-2023), trồng 650 nghìn cây xanh; tặng quà, chăm lo 540 nghìn người dân có hoàn cảnh khó khăn; khám, tư vấn sức khỏe 1,2 triệu lượt người dân trong và ngoài thành phố; tham gia hiến 160 nghìn đơn vị máu; tổ chức 10 nghìn lần tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn thủ tục hành chính cho 540 nghìn người dân; tổ chức 19 nghìn hoạt động khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho 70 nghìn người dân;…

Theo Bí thư Thành đoàn Phan Thị Thanh Phương, kết quả các chiến dịch không chỉ được thể hiện qua các con số mà trải qua các chiến dịch, thành phố lại tăng lên về số lượng những người trẻ cống hiến, trưởng thành.

Đơn cử như, 30 năm triển khai các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè có 222 nghìn thanh niên, sinh viên trở thành hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam; có 96 nghìn thanh niên tiên tiến kết nạp vào Đoàn; có sáu nghìn đoàn viên ưu tú, chiến sĩ tình nguyện kết nạp vào Đảng; nhiều bạn sau khi tham gia hoạt động thì trở thành thủ lĩnh của phong trào, từ người tham gia trở thành người tổ chức hoạt động tình nguyện để góp phần củng cố sự chặt chẽ và lớn mạnh của tổ chức Đoàn-Hội.

Các hoạt động tình nguyện cũng được triển khai đến 23 tỉnh, thành phố và mặt trận quốc tế (Lào, Campuchia). Trung ương Đoàn đã nhân rộng các chương trình, chiến dịch tình nguyện hè theo từng nhóm đối tượng ra cả nước, để nhiều năm qua, tất cả chương trình, chiến dịch tình nguyện hè đều trở thành điểm hẹn chung của thanh niên cả nước vào mỗi dịp hè về.

Là năm đầu tiên tham gia Chiến dịch “Mùa hè xanh”, bạn Trần Anh Văn, sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Em nghĩ đây sẽ là một trải nghiệm rất đáng nhớ với bản thân khi không chỉ được cống hiến sức nhỏ cho xã hội; qua đó, em còn được trau dồi nhiều kỹ năng khác để giúp mình tự tin và nhiều động lực hơn trong quá trình học tập”.

Trò chuyện cùng tuổi trẻ thành phố nhân kỷ niệm 30 năm Chiến dịch tình nguyện “Mùa hè xanh” mới đây, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải cho rằng: Phong trào tình nguyện là môi trường thực tiễn đã trui rèn, hun đúc nhiều thế hệ thanh niên thành phố, giúp tổ chức Đoàn-Hội rút ra nhiều bài học quý.

Qua mỗi mùa hè ý nghĩa, tuổi trẻ thành phố lại thêm một lần gia tăng năng lực thực tiễn, kỹ năng thực hành xã hội để tiếp tục cống hiến và làm việc tốt hơn. Thành đoàn cần đúc kết những bài học để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào tình nguyện trong giai đoạn mới để đồng hành, cống hiến cho thành phố.