Lan tỏa ánh sáng trong lớp học đặc biệt

NDO -

Có một lớp học tình nguyện diễn ra buổi tối tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Tại đó, thầy, cô giáo là các bạn sinh viên và học trò là những em không may bị khiếm thính đang sinh hoạt tại Trung tâm.

Lớp học diễn ra mỗi tối thứ 2, 3 và thứ 5
Lớp học diễn ra mỗi tối thứ 2, 3 và thứ 5

Đã bảy năm nay, đều đặn ba buổi mỗi tuần, các bạn trẻ tại đội công tác xã hội (CTXH) Trường đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) lại đến Trung tâm để giúp đỡ cho các em nhỏ học tập. Lớp học sẽ diễn ra từ 19 giờ, các ngày thứ 2, 3 và thứ 5 cho các em từ lớp một đến lớp 12. Học sinh trong lớp thường là những bạn học nội trú, phần lớn là trẻ khiếm thính. 

Khi đến lớp học, chúng tôi thấy được không khí vui tươi và gắn kết giữa người dạy và người học. Các em học sinh rất chăm chỉ học bài, còn những bạn sinh viên cũng kiên nhẫn chỉ dạy. Trước những bài học cần hỗ trợ, các sinh viên sẽ đọc kỹ nội dung bài học trên sách giao khoa bình thường để giảng lại. Các em sẽ sử dụng bảng chữ nổi để ghi chép bài và làm bài tập.

A2_7-1611799209389.jpg
Mỗi em sẽ được một đến hai bạn sinh viên hỗ trợ.

Bạn Trần Vĩnh Trụ (sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thực phẩm) đã tham gia dạy các em nhỏ gần 2,5 năm. Mỗi buổi học Trụ cùng một bạn khác sẽ cùng hướng dẫn một em khác nhau. Vĩnh Trụ chia sẻ: “Việc giảng dạy cho các em không giống như dạy trên lớp học như mình nghĩ ban đầu, mà việc đầu tiên là trò chuyện để các bé xóa đi khoảng cách vì nhiều em rất nhút nhát. Sau đó mình sẽ hỏi các em cần giúp đỡ những gì, phần lớn các bé sẽ nhờ giảng bài hoặc hỗ trợ làm bài tập mỗi ngày”.

Mỗi buổi sẽ có từ 12 đến 15 em đến học, ôn tập bài vở, và mỗi em sẽ có một đến hai sinh viên hỗ trợ. Những em cần ôn tập chung bài thì sẽ được ghép thành nhóm để học chung, tạo tinh thần chia sẻ với nhau.

Tại lớp học, em Trần Thành Nhân (20 tuổi), đang học lớp 12, Nhân là một cô bé rất lạc quan và hay cười. Em rất ít khi vắng mặt tại các buổi học, và thường rất nghiêm túc, luôn tranh thủ hỏi bài các anh, chị. Thành Nhân tâm sự: “Một số bài học trên lớp em không kịp theo thì tối sẽ được các anh giảng lại. Năm nay là năm cuối nên em càng phải cố gắng hơn để học tập cho những kỳ thi của mình, trước mắt là để em có thể tốt nghiệp. Nhờ có sự động viên và chính tấm gương của các anh, chị sinh viên làm động lực hơn cho em học”.

A3_5-1611799208903.jpg
Học sinh đa số là trẻ khiếm thị.

Ở lớp, các bạn sinh viên cũng dần nhớ hết mỗi em và hiểu được hoàn cảnh của từng người. Nhất là chứng kiến được sự tiến bộ của các em là động lực hơn của mỗi bạn trẻ. Vì vậy, mỗi buổi tới Trung tâm không phải là một buổi học, mà là một lần để chia sẻ và đồng cảm, giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp. Nhờ tạo không khí cởi mở giữa hai bên mà nhiều em cũng đã thoải mái hơn, luôn hỏi những điều mình muốn biết, kể cả những câu chuyện ngoài bài tập.

“Thời gian đầu em còn bỡ ngỡ khi tham gia dạy, nhất là việc xoá đi khoảng cách giữa hai bên. Nhưng dần dần em lại học được điều tự bản thân mình chia sẻ thì chính các em cũng sẽ mở lòng ra với mình. Lúc đầu em nghĩ rằng mình đến để giúp đỡ, nhưng thật sự em học được nhiều điều hơn từ chính ở lớp này”, Lê Công Vinh, sinh viên ngành Điện tự động hóa bộc bạch.

Trong những tiết học, những bạn trẻ cũng mong muốn tạo cảm hứng, chia sẻ những câu chuyện đẹp về cuộc sống bên ngoài, về những tấm gương và tạo động lực cho những ước mơ của các em, để tự bản thân các em nỗ lực hơn trong học tập.

Như lời chia sẻ của cô bé Trần Thành Nhân: “Em có nhiều ước mơ lắm, hồi nhỏ em ước làm từ ca sĩ đến giáo viên giống mẹ em, nhưng lớn dần thì mong muốn được làm giáo viên càng được khẳng định hơn. Bởi, em có thể mang tri thức đến cho các bạn nhỏ không may bị khuyết tật như mình, vì em biết rằng, học tập đây là nguồn ánh sáng giúp chúng em đến được những nơi tốt đẹp nhất”.