Theo người đại diện của Liên minh các công đoàn Tây Ban Nha Luis Cortes, nông dân và những người chăn nuôi ở nước này đã tổ chức biểu tình từ ngày 1/2 để yêu cầu các chính sách bảo đảm giá cả công bằng, có thể bù đắp chi phí... Tuần trước, Chính phủ Tây Ban Nha đã công bố loạt biện pháp để xoa dịu tình hình nhưng ông Cortes cho biết các biện pháp chưa đủ quyết liệt để giải quyết vấn đề.
Làn sóng biểu tình của nông dân đã lan rộng trong EU, theo đó nông dân các nước ở Pháp, Đức, Italy và Hy Lạp cũng đã tiến hành các cuộc tuần hành dẫn tới tình trạng tắc nghẽn nhiều tuyến đường. Người biểu tình Pháp dừng mọi hoạt động sản xuất để tham gia chặn các tuyến phố, đặt ra thời hạn để chính phủ có biện pháp giải quyết các yêu cầu. Tại Hy Lạp, hàng nghìn nông dân yêu cầu hỗ trợ tài chính để chấm dứt biểu tình kéo dài 4 tuần nhưng chính phủ thông báo không còn nguồn quỹ để đáp ứng yêu cầu này.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ba Lan Michal Kolodziekczak cho biết, Vacsava đang kêu gọi áp hạn ngạch với nông sản Ukraine xuất sang EU. Nông dân Ba Lan bắt đầu biểu tình trên toàn quốc từ ngày 9/2. Các yêu cầu chính của người biểu tình là đơn giản hóa chính sách xanh của Ủy ban châu Âu (EC), hạn chế dòng nông sản Ukraine tràn vào và tạo thêm lợi nhuận cho nông nghiệp. Cuộc biểu tình sẽ kéo dài trong 30 ngày và nông dân có ý định chặn tất cả các cửa khẩu biên giới giữa Ba Lan và Ukraine cùng một số trung tâm vận tải.
Những vấn đề gây bức xúc cho nông dân các nước EU là thu nhập thấp, các quy định môi trường ngặt nghèo và cạnh tranh khó khăn với hàng hóa nhập khẩu ngoại khối. Người nông dân cho rằng Chính sách Nông nghiệp chung của Ủy ban châu Âu (EC) và "Thỏa thuận xanh" sắp công bố là nguyên nhân gây ra các vấn đề nêu trên.