Đây là lần đầu Việt Nam tổ chức một giải thưởng mang tầm quốc gia nhằm tôn vinh, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm công nghệ số để giải bài toán Việt Nam; tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc có giá trị thực tế góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, kiến tạo quốc gia số; hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ Make in Viet Nam tới đông đảo doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Phát biểu tại buổi họp báo phát động Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020, Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “nếu không có Make in Viet Nam, nước ta khó có thể trở thành một nước phát triển. Nếu không Make in Viet Nam, chúng ta sẽ không thể đi ra nước ngoài, không thể có những đóng góp cho sự phát triển của nhân loại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, điểm thuận lợi của Make in Viet Nam là chúng ta đã có đủ thời gian làm gia công cho nước ngoài, thậm chí có cả những công ty đã từng thiết kế thuê module hay các sản phẩm trọn vẹn.
Điều cần nhất của Make in Viet Nam là có vấn đề để giải quyết. Vấn đề có thể do Chính phủ, doanh nghiệp hoặc xã hội đặt ra. Bởi vậy, đưa ra vấn đề của mình, bài toán của mình chính là cách tốt nhất để thúc đẩy Make in Viet Nam.
“Nếu nhìn vào thực trạng công nghệ cao của Việt Nam chưa xuất hiện nhiều mà đánh giá không cạnh tranh được với nước ngoài thì sẽ mãi mãi không phát triển được. Ngược lại, cần xem việc chưa có nhiều sản phẩm công nghệ nội địa là cơ hội để phát triển sản phẩm của mình”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thị trường 100 triệu dân là thế mạnh cạnh tranh quan trọng nhất của doanh nghiệp Việt Nam, bởi không ai hiểu người Việt Nam, hiểu nhu cầu Việt Nam hơn người Việt Nam.
Các doanh nghiệp công nghệ số cần tự chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế. Quan trọng nhất là tập trung nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm, giải pháp đáp ứng được nhu cầu của thị trường 100 triệu dân này.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nói thêm, năm nay là một năm đặc biệt khi cả nước vừa phải phòng chống Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Do đó, các sản phẩm công nghệ số phục vụ phòng chống Covid-19 hiệu quả, các nền tảng số hỗ trợ học tập, làm việc, sinh hoạt trên môi trường số sẽ được quan tâm xem xét.
Đối tượng tham dự Giải thưởng là các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam, có các sản phẩm công nghệ số được thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam, đã được đưa vào ứng dụng thực tế để giải các bài toán Việt Nam.
Hạng mục Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Vietnam 2020”:
- Giải thưởng Nền tảng số xuất sắc
- Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc
- Giải thưởng Giải pháp số xuất sắc
- Giải thưởng Thu hẹp khoảng cách số (Thành thị - Nông thôn, Người yếu thế, Hạn chế mặt trái của công nghệ số)
- Giải thưởng Sản phẩm số tiềm năngThời gian nộp hồ sơ: Từ ngày 20-8 – 20-10-2020 thông qua hình thức online tại địa chỉ https://makeinvietnam.mic.gov.vn/
Công khai quá trình chấm giải
Hội đồng Giám khảo của Giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2020 bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số, các nhà khoa học, đại diễn các quỹ đầu tư và các nhà báo ICT có uy tín, có nhiều kinh nghiệm, do Tiến sĩ Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông làm Chủ tịch Hội đồng.
Đặc biệt, khác với các giải thưởng khác, các sản phẩm tham dự Giải thưởng lần này được đánh giá công khai, minh bạch bằng hình thức livestream (phát trực tiếp) quá trình trình bày của các cá nhân, doanh nghiệp tham gia dự giải cũng như quá trình đánh giá của hội đồng chấm giải.
Các giải thưởng được trao dựa trên hai tiêu chí: Thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam; Giải các bài toán Việt Nam.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ Thông tin, Thư ký Ban tổ chức, cho biết, sản phẩm tham dự Giải thưởng không phân biệt yếu tố doanh nghiệp FDI, không phân biệt lĩnh vực chuyên ngành như y tế, nông nghiệp,… miễn là sản phẩm đáp ứng được hai tiêu chí nói trên.
Ông Nghĩa cho hay, với những sản phẩm công nghệ số trong lĩnh vực chuyên ngành, ban tổ chức sẽ mời các chuyên gia ngành để đánh giá hiệu quả mà sản phẩm mang lại trong lĩnh vực chuyên môn đó.
Các sản phẩm, giải pháp công nghệ số đoạt giải sẽ được nhận Cúp, Giấy chứng nhận đạt Giải thưởng; được phép quảng bá, tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ và thành tích của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng, được đạt diện cho ngành CNTT-TT tham gia các cuộc thi và Giải thưởng chuyên ngành cấp quốc gia và quốc tế khác.
Phần thưởng lớn nhất của Giải thưởng này chính là Bộ TTTT sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong hỗ trợ, quảng bá, kết nối thị trường, xây dựng khung pháp lý thuận lợi. Kết nối các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để các sản phẩm công nghệ số có thị trường rộng lớn hơn và đi xa hơn.