Lần đầu tiên Việt Nam sử dụng trực thăng Mi-171 cứu hộ chuyên dụng

Lần đầu tiên Việt Nam sử dụng trực thăng Mi-171 cứu hộ chuyên dụng

Sáng 23-2, tại sân bay Hòa Lạc (tỉnh Hà Tây), Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân lần đầu tiên tổ chức bay báo cáo bốn máy bay cứu nạn Mi-171.

Đây là loại máy bay chuyên dụng được sản xuất tại Nhà máy Ulan-Ude (Nga). Ngoài các tính năng kỹ thuật, chiến thuật như các loại trực thăng khác, Mi-171 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết tham gia bay tuần tiễu, chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn trên biển và đất liền, thông báo gọi tàu thuyền tránh bão, thả hàng, đổ quân.

Mi-171 sử dụng “gàu múc”  mỗi lần tới 4­m3 nước để dập lửa, bay đạt tốc độ tối đa đến 250km/h trong hành trình dài nhất 1050 km (những loại trực thăng trước đây như Mi8, Mi172... chỉ đạt vận tốc trung bình khoảng 160-180km/h).

Một sĩ quan quân đội cho biết, từ sân bay Hoà Lạc, bay Mi-171 chỉ cần chưa tới 10 phút là đến thủ đô Hà Nội. Vì thế, ngoài việc sử dụng như phương tiện cứu hoả, máy bay này còn tham gia việc bảo đảm an ninh cho nhiều Hội nghị trong nước, khu vực và quốc tế quan trọng diễn ra tại thủ đô.

Thứ trưởng, Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc Phòng, ông Phùng Quang Thanh nói rằng, Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục tìm hiểu sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực cứu hộ, cứu nạn, từ đó trang bị các phương tiện hiện đại phục vụ nhu cầu cụ thể trong nước về lĩnh vực này.

* Cũng trong dịp này, Bộ Quốc phòng tổ chức ra mắt CLB hàng không phía bắc, trình diễn mô hình máy bay PO-6 và các loại khác, và biểu diễn nhảy dù (xem một số hình ảnh) .

Theo tư liệu ngành phòng không, cuối những năm 50 thế kỷ 20, Câu lạc bộ (CLB) Hàng không ở Việt Nam đã bước vào hoạt động, với nhiều bộ môn như bay tàu lượn, nhảy dù...

Đến đầu những năm 80, hoạt động của CLB được củng cố với các bộ môn nhảy dù, mô hình hàng không và máy bay thể thao.

Những năm qua, CLB đã tổ chức hàng chục lớp dù và lớp mô hình, thực hành nhảy dù cho hàng nghìn lượt người bảo đảm an toàn, và tổ chức bay hàng nghìn giờ mô hình các loại.

Ngoài ra CLB đã quản lý và hướng dẫn hàng nghìn lượt hội viên tìm hiểu và thực hiện quy chế bay, quy chế quản lý vùng trời, quản lý chặt chẽ hoạt động của các khí cụ bay trên không phận Việt Nam.

Tại các cuộc thi mô hình máy bay tự chế tạo năm 2001-2002, nhiều mô hình đã được chọn làm mục tiêu bay phục vụ huấn luyện quân sự.

“CLB hàng không thực sự là nơi thu hút nhiều người tham gia, là sân chơi bổ ích cho những người yêu thích môn thể thao, muốn chinh phục bầu trời”- Đại tá Nguyễn Phương Diện thuộc Quân chủng Phòng không Không quân cho biết.

Ông Diện nói thêm: “Trong quá trình hoạt động CLB sẽ kịp thời phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho ngành hàng không, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo, sản xuất các phương tiện bay. Qua đó, tuyển chọn những thanh niên thực sự có khả năng đưa đi đào tạo làm phi công”.

Những năm qua, ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều phương tiện bay hoạt động trên không như dù bay, mô hình máy bay, máy bay hạng nhẹ, siêu nhẹ...

Điều đó đặt ra cho công tác quản lý, điều hành bay, hướng dẫn các hoạt động bay chặt chẽ. “Nếu không được hướng dẫn quản lý, sẽ dẫn tới mất an toàn cả trên không và mặt đất. Thậm chí dễ tạo kẻ hở để kẻ địch lợi dụng xâm phạm an ninh chính trị”- theo lời của lãnh đạo Bộ Quốc phòng.

- Từ năm 1980 đến nay, CLB Hàng không đã thực hành nhảy dù cho hơn 2000 lượt người.

- Tám máy bay PO-6 của CLB đã từng tham gia chương trình  trồng rừng theo Dự án 327, bay hàng trăm giờ phun thuốc trừ sâu bọ  gây thiệt hại mùa màng tại nhiều địa phương