Bệnh nhân H. bị chấn thương cổ chân phải do tai nạn xe máy cách đây sáu năm. Hậu quả của vụ tai nạn này khiến xương sên (xương chính ở cổ chân) của chị bị gãy làm nhiều mảnh. Chị đã được phẫu thuật đóng đinh tuy nhiên ổ gãy không liền dẫn đến tình trạng xương cổ chân chị thoái hóa, biến dạng. Từ đó đến nay, cuộc sống của chị gắn liền với các loại thuốc giảm đau.
Chị đã thăm khám tại hầu hết các bệnh viện lớn nhưng đều được các bác sĩ chỉ định hướng điều trị duy nhất giúp chị hết đau đớn là phải mổ hàn cứng khớp cổ chân. Việc này đồng nghĩa rằng cổ chân của chị sẽ vĩnh viên không thể vận động được nữa.
Tới khám tại Trung tâm Phẫu thuật khớp và Y học thể thao, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, các bác sĩ nhận thấy rằng đây là một trường hợp di chứng chấn thương vô cùng phức tạp. Bài toán cần giải quyết là làm sao vừa loại bỏ đau đớn vừa giúp cho bệnh nhân đi lại được như trước đây.
Theo BSCKII Vũ Tú Nam, Trưởng đơn vị Phẫu thuật khớp gối, cổ bàn chân và Y học thể thao cho biết, xương sên có nguồn máu nuôi dưỡng hạn chế nên xương rất khó liền khi bị tổn thương. Nếu người bệnh bị gãy xương sên, có nguy cơ cao xương sẽ bị hoại tử và mất chức năng chống đỡ. Điều này làm hạn chế khả năng lao động và suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống.
Trước đây, phương pháp điều trị khi bị hoại tử xương sên là lấy bỏ xương sên và hàn các khớp còn lại của cổ chân thành một khối duy nhất với mục đích giảm đau. Cái giá phải trả của phương pháp này là bệnh nhân sẽ mất đi hoàn toàn khả năng vận động cổ chân, không thể đi lại linh hoạt được nữa.
Đối với trường hợp của chị H., GS, TS Trần Trung Dũng, phụ trách chuyên môn Trung tâm phẫu thuật khớp và Y học thể thao cho biết: “Giải pháp chúng tôi đưa ra là sẽ lấy bỏ phần xương hỏng và thay thế hoàn toàn cho chị H. xương sên mới bằng vật liệu nhân tạo tương thích sinh học, đồng thời vẫn giữ nguyên được các cấu trúc vận động khác của cổ chân.
Xương sên nhân tạo này được chế tạo bằng công nghệ in 3D trên vật liệu hợp kim titan với mặt khớp bằng nhựa Polyethylen; xương được thiết kế riêng theo chỉ số giải phẫu của chị H nên giống hệt như xương lành. Ngoài ra, trong mổ chúng tôi sử dụng hệ thống định vị robot Artis Pheno để có thể đặt xương sên ở vị trí tối ưu”.
Không như những ca phẫu thuật thay thế khớp háng, khớp gối thường quy khác, việc thay thế xương sên nhân tạo khó khăn hơn rất nhiều do hình dạng xương sên rất phức tạp và phải bảo đảm được xương sên nhân tạo mới được đặt ở vị trí phù hợp hoàn toàn với các xương khác ở cổ chân. Chỉ một chút sai lệch nhỏ về vị trí đặt, có thể khiến mặt khớp bị lệch và bệnh nhân sẽ không thể đi lại được.
Để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe này, nhóm chuyên gia đã phải dày công nghiên cứu, in thử nghiệm và điều chỉnh thông số nhiều lần mới có thể hoàn thiện được bản thiết kế xương sên nhân tạo hoàn hảo nhất cho ca phẫu thuật.
Chỉ sau ca mổ phức tạp kéo dài gần ba giờ, lần đầu tiên chị H. đã có thể cử động cổ chân mà không còn cảm thấy vướng víu hay đau đớn. Chị tập đi ngay sau khi mổ 24 giờ và dự kiến có thể xuất viện trong ba ngày tới.
Thành công của ca thay xương sên nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam là một bước tiến mới trong lĩnh vực điều trị cơ xương khớp, mở ra hy vọng cho những người bệnh thoái hoá, đau khớp cổ chân mạn tính có thể được chữa khỏi hoàn toàn, thoát khỏi cảnh đau đớn.