Lần đầu tiên châu Âu có nghị viện nữ chiếm đa số

NDO -

Kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội Iceland công bố ngày 26/9 cho thấy, lần đầu tiên trong lịch sử châu Âu, có một nghị viện mà các nữ nghị sĩ chiếm đa số.

Nữ Thủ tướng Katrin Jakobsdottir của Iceland tại một cuộc họp báo ở Oslo, Na Uy, ngày 3/2/2020. (Ảnh: Reuters)
Nữ Thủ tướng Katrin Jakobsdottir của Iceland tại một cuộc họp báo ở Oslo, Na Uy, ngày 3/2/2020. (Ảnh: Reuters)

Theo đó, trong tổng số 63 ghế Quốc hội Iceland, các nghị sĩ nữ chiếm 33 ghế, nhiều hơn so với 24 ghế dành cho nữ trong kỳ bầu cử trước đó.

Với dân số khoảng 371 nghìn người, Iceland được xếp vào nhóm quốc gia bình đẳng giới nhất trên thế giới trong năm thứ 12 liên tiếp, theo một báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố hồi tháng 3.

"Dưới góc độ lịch sử và quốc tế, tin tức quan trọng nhất vào lúc này đối với chúng tôi đó là lần đầu tiên phái nữ chiếm đa số trong Quốc hội Iceland, một sự kiện lần đầu xảy ra ở châu Âu. Đây là một tin tốt", Tổng thống Gudni Johannesson phát biểu trên đài truyền hình nhà nước RUV.

Theo thống kê của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), ngoài Iceland chỉ có năm quốc gia khác mà phụ nữ chiếm đa số so với nam giới trong quốc hội, bao gồm Rwanda, Cuba, Nicaragua, Mexico và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.

Ở châu Âu, trước Iceland, chưa có quốc gia nào có số nữ nghị sĩ chiếm hơn 50%. Hai quốc gia có tỷ lệ gần nhất với mức này là Thụy Điển và Phần Lan, với lần lượt 47% và 46%.

Cuộc bầu cử diễn ra ngày 25/9 cũng chứng kiến liên minh cánh tả cầm quyền tại Iceland củng cố thế đa số.

Các cuộc thăm dò dư luận trước đó dự báo liên minh cầm quyền sẽ khó giành thế đa số, nhưng sự gia tăng ủng hộ cho đảng Tiến bộ theo đường lối trung hữu (giành được nhiều hơn năm ghế so với cuộc bầu cử năm 2017) đã giúp liên minh cầm quyền có tổng 37 ghế trong quốc hội.

Chính phủ liên minh cầm quyền hiện nay ở Iceland, bao gồm Phong trào Xanh-tả của nữ Thủ tướng Katrin Jakobsdottir, đảng Độc lập theo đường lối bảo thủ và đảng Tiến bộ cho biết trước cuộc bầu cử rằng họ sẽ tiếp tục đàm phán hợp tác với các bên nếu giành thế đa số.

Tổng thống Johannesson cho biết, ông sẽ không giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới cho bất kỳ bên nào, mà sẽ chờ các cuộc đàm phán liên minh giữa ba bên.

Đảng Độc lập một lần nữa trở thành phe lớn nhất trong quốc hội với 16 ghế, không thay đổi so với cuộc bầu cử trước. Lãnh đạo đảng này, cựu Thủ tướng Bjarni Benediktsson cho biết, ông lạc quan rằng ba đảng có thể thành lập một liên minh cầm quyền và ông sẽ không yêu cầu để được lãnh đạo một chính phủ mới.

Phong trào Phong trào Xanh-tả giành được tám ghế, giảm so với 11 ghế trong cuộc bầu cử năm 2017, mặc dù hai nghị sĩ đã rời đảng ngay sau cuộc bầu cử vừa qua.