Sản phụ là chị VTTN (35 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) được phát hiện bướu máu bánh nhau lúc thai 17 tuần. Đến tuần thai thứ 26, bánh nhau gây biến chứng nặng nề như phù thai, tràn dịch màng bụng, thiếu máu, suy tim thai nặng. Kích thước bướu máu bánh nhau lúc này là 5,9x7,5cm, nếu không can thiệp sẽ có nguy cơ mất thai.
Ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ mổ lấy thai cho sản phụ. |
Ngay lập tức Bệnh viện Từ Dũ phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 do bác sĩ Đỗ Nguyên Tín, Trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch (Bệnh viện Nhi đồng 1) trực tiếp thực hiện can thiệp tắc mạch máu nuôi u ngay trong thai kỳ, bào thai nặng khoảng 700gr. Sau đó, sản phụ được truyền máu bào thai. Bác sĩ điều trị hỗ trợ và trúng đích, thai nhi hồi phục dần, thai kỳ kéo dài đến tuần thứ 37 được chỉ định mổ lấy thai.
Nếu không can thiệp thì khối bướu máu sẽ gây nhiều biến chứng. Theo đó, 30% sẽ gây chuyển dạ sinh non và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 50%. Bệnh viện cũng không thể đưa em bé ra ở thời điểm 26 tuần.
Bác sĩ CK2 Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ
Theo bác sĩ Thư Hương, trước giờ, với những ca như trên thì chỉ điều trị hỗ trợ, tức là em bé có thiếu máu thì truyền máu, phù tim thì sử dụng thuốc trợ tim chứ chưa điều trị gốc là tắc mạch máu nuôi bướu bánh nhau và nguyên nhân gây thiếu máu cho em bé, tức chưa từng có tiền lệ điều trị trúng đích.
Bác sĩ CK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, người trực tiếp mổ lấy thai cho sản phụ này, chia sẻ đây là trường hợp can thiệp nội mạch gây tắc mạch chọn lọc điều trị bướu máu bánh nhau thành công tại Việt Nam, can thiệp lúc thai 26,5 tuần. Vì là lần đầu tiên can thiệp, tất cả mọi người thấp thỏm vì nguy cơ chảy máu, nhau bong non, thai nhi tử vong…
Dự phòng được các tình huống nguy cơ băng huyết, ê-kíp bác sĩ đã kiểm soát được chảy máu trong vòng 2 phút sau mổ, em bé chào đời phát triển tốt, cân nặng 2,9kg.
Bác sĩ CK 2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ với báo chí. |
Đặt mạch máu ở người lớn rất dễ, không gây tổn thương nhưng đặt mạch máu trong bào thai khó hơn nhiều, phải đặt xuyên vào tử cung, qua bánh nhau, nguy cơ của người mẹ rất cao. Sau khi can thiệp tắc mạch máu khối bướu, gần 3 tháng chúng tôi thấp thỏm không biết bào thai có tiến triển được hay không.
Bác sĩ CK 2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ
Bác sĩ Hải chia sẻ, bệnh viện cảm nhận được sự lo âu của gia đình sản phụ trong 11 tuần qua. May mắn, can thiệp tắc mạch thành công và hôm nay em bé đã chào đời khỏe mạnh
Bướu máu bánh nhau là khối bướu mạch máu không thuộc nguyên bào nuôi của bánh nhau với tỷ lệ gặp chỉ khoảng 1%. Tỷ lệ mắc bệnh lý bướu máu bánh nhau lớn (hơn 4,5cm) là hiếm gặp, khoảng 1/3.500-1/9.000/ca.
Nếu bướu máu bánh nhau nhỏ thì có thể không có triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, khi khối bướu máu bánh nhau lớn (từ 4-5cm) có thể gây các biến chứng có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn nhau thai. Biến chứng của bướu máu bánh nhau lớn bao gồm: phù thai (14%-28% các trường hợp), thiếu máu thai, sinh non, suy tim thai, thai chậm tăng trưởng, thai lưu.