Không ít trường hợp không may mắn, thật sự khó khăn đã nhận được hỗ trợ đúng lúc, giúp cải thiện chất lượng sống. Nhiều lớp học, nhà tình thương được dựng lên. Nhiều trẻ em được trả lại nụ cười và người bệnh giữ lại được mạng sống… Bé Thiện Nhân bị bỏ rơi và được mẹ nuôi Mai Anh nhận về chăm dưỡng, cộng đồng xã hội tiếp sức để phẫu thuật giúp em có thể sinh hoạt, vui chơi bình thường như các bạn cùng tuổi là một câu chuyện cảm động tuyệt vời về tình người. Sức lay động từ trường hợp cụ thể này giờ đã phát triển thành Chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" với sự trợ giúp của rất nhiều nhà hảo tâm để giúp đỡ những trẻ em bị khuyết tật cơ thể có hoàn cảnh khó khăn được phẫu thuật để có cuộc sống bình thường. Hoạt động của chương trình này đã tạo ra một hình mẫu hiệu quả trong hoạt động từ thiện...
Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, làm từ thiện không dễ, thậm chí nếu làm không đúng cách còn có thể kéo theo những hệ lụy không mong muốn. Chuyện về cậu bé Hào Anh (14 tuổi) bị chủ đầm tôm bạo hành dã man và nhận được gần 800 triệu đồng hỗ trợ từ các nhà hảo tâm là một điển hình. Với số tiền từ thiện lớn, nhưng thiếu được hướng dẫn quản lý, sử dụng đúng cách, chỉ sau bốn năm, Hào Anh đã tiêu hết số tiền này. Thậm chí, sau đó vì quen tiêu "xài", thiếu sinh kế ổn định và sự quan tâm, giáo dục cần thiết, cậu còn bị bắt do vi phạm pháp luật. Đáng nói là trường hợp sử dụng tiền từ thiện không đúng cách của Hào Anh không phải là duy nhất… Hoạt động từ thiện đang có những mặt trái cần được lưu tâm. Sở dĩ như vậy là do cách thức làm từ thiện nhiều khi đơn giản chỉ “cho con cá”, mà không chú trọng “tạo cần câu”, tạo điều kiện sinh kế lâu dài cho người nhận. Bên cạnh đó, có một số đối tượng sau khi nhận được hỗ trợ, nhất là tiền mặt, đã phát sinh tâm lý ỷ lại, có trường hợp còn chọn cách… chờ tiền từ thiện tiếp từ cộng đồng, thay vì nỗ lực tự vươn lên, vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Thậm chí, có không ít trường hợp tiền từ thiện bị thất thoát, sử dụng sai mục đích, không đúng đối tượng… Ngoài ra, một số hoạt động từ thiện còn bị lạm dụng hoặc biến tướng như một nhu cầu “đánh bóng” bản thân, quảng bá thương hiệu, để “lấy lòng” công chúng của cá nhân hay tổ chức nào đó, mà ít chú ý đến nhu cầu thiết thực, cụ thể của đối tượng cần hỗ trợ… Làm từ thiện là việc làm cần được khuyến khích. Tuy nhiên từ thiện cũng cần được thực hiện đúng cách, có tổ chức và hiệu quả trong cộng đồng; đặc biệt, cần xác định đúng đối tượng, đúng thời điểm và hình thức trợ giúp phù hợp (có thể bằng tiền, bằng dạy nghề, tạo việc làm, hoặc hỗ trợ tâm lý…). Những quỹ từ thiện hoặc đợt vận động từ thiện có quy mô lớn, cần có sự quản lý chặt chẽ, minh bạch, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, hướng đến đúng đối tượng, tránh thất thoát và lạm dụng dễ gây ra những hệ lụy không mong muốn, làm giảm hoặc mất ý nghĩa của hoạt động từ thiện… Từ thiện là một việc hoàn toàn tự nguyện, tùy tâm, không có tính vụ lợi, nhưng không phải là không có bất kỳ nguyên tắc nào. Hãy cho đúng cách và có lý trí, để không biến những người cần sự trợ giúp thành gánh nặng của chính họ và của xã hội…