Quy định này được nhiều nơi nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, để có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ nhiều hoạt động trong nhà trường, các phụ huynh vẫn phải “móc túi” đóng rất nhiều khoản khác. Có khi mức thu là vài trăm nghìn đồng; nhiều hơn là một, hai triệu đồng, hoặc cao hơn. Dù thực hiện trên tinh thần tự nguyện nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn tâm tư, không hài lòng, thậm chí là bức xúc vì kinh phí góp vào quỹ được ban đại diện cha mẹ học sinh chi vào những mục đích không cần thiết, không mang lại hiệu quả học tập cho con em mình; kể cả những khoản chi thuộc về trách nhiệm của nhà trường, không phải của phụ huynh.
Nhìn chung, phần lớn các ban đại diện phụ huynh trường, ban đại diện phụ huynh lớp đã dùng các khoản đóng góp của phụ huynh để chung tay cùng nhà trường mua sắm cơ sở vật chất thiết yếu, đầu tư phương tiện học tập để góp phần nâng cao điều kiện và chất lượng học tập cho học sinh. Theo lý giải của nhiều ban giám hiệu nhà trường, đối với khoản tiền phát sinh trong lớp là do giáo viên và phụ huynh cùng trao đổi. Trong năm, có những hoạt động học tập như cần in ấn tài liệu, các giờ học ngoại khóa, tổ chức văn nghệ... thì hai bên cùng trao đổi, đưa ra mức phí cho các hoạt động học tập của lớp học. Đây không phải là chủ trương của trường mà là hoạt động dạy học của lớp. Đối với khoản tiền đóng cho quỹ ban đại diện phụ huynh trường, thông thường dùng cho các hoạt động khuyến học, khuyến tài, khen thưởng, các hoạt động trong năm của chính học sinh..., cho nên việc thu chi phải công khai, phải thật cần thiết và hợp lý.
Quy định của ngành giáo dục về các khoản thu trong năm học đã rõ; quy định về công tác thu chi của cơ quan chức năng thành phố, trong đó khoản nào do nhà trường thu, khoản nào do ban đại diện cha mẹ học sinh huy động trên tinh thần tự nguyện đóng góp từ phụ huynh, cũng hết sức cụ thể. Song, tình trạng lạm thu nhiều năm qua vẫn là nỗi trăn trở của nhiều bậc phụ huynh xuất phát từ việc các ban đại diện cha mẹ học sinh có phần “lạm quyền”, nhập nhằng giữa trách nhiệm đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường và nghĩa vụ đóng góp của phụ huynh; sự phối hợp không đồng bộ giữa ban giám hiệu nhà trường và các ban đại diện cha mẹ học sinh trường, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp trong công tác thu chi, dẫn đến tình trạng đóng quá nhiều khoản phí. Tình trạng các ban đại diện cha mẹ học sinh không công khai thu chi tài chính dẫn đến mất niềm tin từ phụ huynh vẫn còn khá phổ biến...
Để câu chuyện lạm thu quỹ đầu năm học không còn là nỗi bức xúc của phụ huynh học sinh, ban giám hiệu các trường cần phải công khai, minh bạch, gửi thông tin trực tiếp đến phụ huynh các khoản thu theo quy định ngay từ đầu năm học. Phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện cần phối hợp ban giám hiệu nhà trường vào cuộc mạnh mẽ để tổ chức thanh tra, kiểm tra các quy định thu chi đầu năm học. Về phía phụ huynh, không nên cả nể, cần phải quyết liệt nói không với các khoản thu không hợp lệ; kịp thời phản ánh với ban giám hiệu nhà trường những khoản thu bất thường, ngoài quy định. Có như vậy mới góp phần đẩy lùi nạn lạm thu, một việc không nên có trong hoạt động giáo dục.