Làm sao để tránh bẫy thu nhập trung bình?

Tại hội thảo khoa học "Tránh bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hôm qua (15-4) tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế đồng thuận cho rằng, hiện tại, tuy Việt Nam chưa rơi vào bẫy thu nhập trung bình (TNTB) nhưng nguy cơ mắc bẫy của Việt Nam là khá cao. Ðể Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, tránh bẫy TNTB và tiếp tục phát triển trở thành quốc gia có thu nhập cao, đòi hỏi sự quyết tâm cải cách của Nhà nước, trong đó, cải cách kinh tế phải đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nền kinh tế mắc bẫy thu nhập trung bình. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp FDI (
Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân thúc đẩy nền kinh tế mắc bẫy thu nhập trung bình. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại một doanh nghiệp FDI (

Ðối mặt nguy cơ rơi vào bẫy TNTB

Với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.068 USD/người, mức tăng trưởng kinh tế ổn định, từ năm 2010, nền kinh tế Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, chính thức bước vào nhóm các nước đang phát triển có mức TNTB. Vị thế mới này đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam, trong đó nổi lên là thách thức tụt hậu và rơi vào bẫy TNTB.

Theo Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2010, đã có tới 35 trong số 52 nền kinh tế có mức TNTB đã rơi vào bẫy TNTB, nhưng chỉ có 13 nền kinh tế vượt qua bẫy để trở thành nước có thu nhập cao. "Ðây là thực tế có tính chất cảnh báo cao đối với các quốc gia khác trong điều hành kinh tế", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Ðình Huệ nhấn mạnh tại Hội thảo.

Liệu Việt Nam đã rơi vào bẫy TNTB hay chưa và đâu là nguyên nhân lý giải cho các giả thiết này là những vấn đề nổi cộm được các nhà khoa học và chuyên gia kinh tế đầu ngành tranh luận tại hội thảo. Theo Giáo sư K.Ô-nô (Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản), Việt Nam hiện đang bắt đầu rơi vào bẫy TNTB khi tăng trưởng GDP của Việt Nam đang chậm lại, năng suất lao động kém, và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam có tính hình thức cao. Ngoài ra, có tới 65% hàng hóa chế tạo xuất khẩu của Việt Nam là hàng hóa do khu vực FDI sản xuất, còn hàng hóa của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là mặt hàng gia công như dệt may, da giày, nông sản, thiếu các sản phẩm có giá trị gia tăng. Từ đó, có thể thấy một phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không phải do bản thân các DN Việt Nam làm ra mà là do các nguồn lực bên ngoài sản xuất.

Tuy nhiên, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) lại cho rằng, với cách nhìn nhận Việt Nam vẫn đang là nước có TNTB thấp, lại có cả một khoảng thời gian dài tới hai, ba thập kỷ nữa thực hiện những cải cách để có thể thoát bẫy TNTB thì vẫn có thể tránh bẫy nếu thu nhập bình quân đầu người duy trì tăng với tỷ lệ khoảng 6,1%/năm theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, và trở thành nước có TNTB cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong gần ba mươi năm qua, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, với dấu hiệu phục hồi, có tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm mạnh, nhất là về lực lượng lao động tương đối trẻ (là một lợi thế cạnh tranh), nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và ở vị trí trung tâm một khu vực phát triển năng động. Vì vậy, Việt Nam có khả năng, tiềm năng để đạt được mức tăng trưởng cao hơn dự báo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang đối mặt là làm thế nào chuyển từ tăng trưởng dựa vào tài nguyên, vào nguồn lao động giá rẻ và vốn đầu tư nước ngoài sang tăng trưởng dựa vào năng suất cao và sự đổi mới từ các DN trong nước. Việc Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng tiềm năng, cao hơn tăng trưởng dự báo còn phụ thuộc nhiều vào quá trình cải cách DN nhà nước, cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng và đầu tư công. Cũng chính các đặc điểm này đã giúp Việt Nam có thể tạm thời chưa mắc bẫy TNTB. Mặc dù vậy, vẫn cần phải có sự đối phó hữu hiệu với nguy cơ tăng trưởng chậm và kém bền vững của nền kinh tế.

Cần nhiều giải pháp để vượt qua bẫy TNTB

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam hiện đang đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy TNTB và Việt Nam buộc phải vượt qua nguy cơ này bằng việc áp dụng hiệu quả hệ thống các giải pháp một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Trong đó, giải pháp quan trọng, có ý nghĩa quyết định là đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nghề sản xuất công nghiệp.

TS Lưu Bích Hồ phân tích, giải pháp quan trọng đầu tiên là phải đổi mới tư duy về phát triển và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế đã được xác định hiện nay là đúng, nhưng cần hoàn chỉnh và cụ thể hóa trong thực tiễn. Cụ thể, cần phải thực hiện vấn đề cốt lõi là xử lý đúng mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Theo đó, nguyên tắc cơ bản là thị trường quyết định phân bổ nguồn lực, và Nhà nước cần phát huy vai trò cần và đủ của mình trong quản lý kinh tế.

Bên cạnh đó, ngoài việc cần khai thác các thế mạnh hiện có của nền kinh tế Việt Nam (trong đó có lợi thế về cơ cấu dân số vàng) thì cần tập trung xây dựng nền kinh tế tri thức. Chỉ có phát triển kinh tế tri thức mới có thể chuyển đổi triệt để mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu và đây là con đường nhanh nhất, có hiệu quả nhất để thực hiện thành công CNH, HÐH và vượt qua bẫy TNTB. Trong đó, phải thật sự coi phát triển khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực chủ yếu để phát kinh tế - xã hội, và đây cũng chính là nội dung chủ yếu của quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước hiện nay.

Thêm vào đó, cần tiếp tục triển khai hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng phù hợp. Trong khi thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cần chú trọng giải quyết các vấn đề "hậu WTO", khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tham gia TPP và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương; nâng cao năng lực cạnh tranh cả ở ba cấp quốc gia, ngành và DN; chấn chỉnh, hoàn thiện việc thu hút FDI theo đúng mục tiêu chiến lược....

"Việc chủ động, tích cực đẩy mạnh các cuộc đàm phán ký kết các hiệp định song phương và đa phương là cần thiết và cần được coi là định hướng chiến lược cơ bản trong hội nhập. Ðồng thời, tích cực khai thác có hiệu quả nguồn lực bên ngoài bao gồm nguồn vốn đầu tư, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý để tạo ra những thay đổi cơ bản trạng thái vận hành nền kinh tế trên cơ sở các mô hình thành công trong công nghiệp hóa. Cần có sự thay đổi về tầm nhìn và cách tiếp cận trong phát triển, lấy động lực và thị trường toàn cầu làm căn cứ chủ yếu trong hoạch định chính sách và chiến lược phát triển. Ðây là quá trình tiếp nhận không có giới hạn các nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn vốn, công nghệ, thị trường và tri thức để loại bỏ những lực cản, níu kéo khả năng rơi vào vùng xoáy nhận thức và thực tế bẫy TNTB".

PGS, TS NGUYỄN THƯỜNG LẠNG

(Ðại học Kinh tế quốc dân)

Có thể bạn quan tâm