Làm rõ nguyên nhân cá chết ở thượng nguồn sông Sài Gòn

NDO -

Ngày 7-4, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và huyện Dầu Tiếng tiếp tục làm rõ nguyên nhân việc cá chết bất thường tại các lồng bè nuôi trên sông Sài Gòn, đoạn chảy qua huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Cá chết nổi trắng bè nuôi sau cơn mưa.
Cá chết nổi trắng bè nuôi sau cơn mưa.

Theo phản ánh của các hộ dân, khoảng chiều 3-4, sau một cơn mưa lớn, các lồng bè cá lăng, diêu hồng, cá chép... của các hộ dân nuôi trên sông Sài Gòn ở khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng và ấp Bến Tranh, xã Thanh An (huyện Dầu Tiếng) xảy ra hiện tượng cá chết đột ngột chưa rõ nguyên nhân.

Tiếp đó, từ ngày 4-4 đến nay, các loại cá nuôi lồng bè trên sông Sài Gòn đoạn qua địa bàn khu phố 1, khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng và ấp Bến Tranh, xã Thanh An tiếp tục diễn ra tình trạng cá chết.

Theo ghi nhận ban đầu, có sáu hộ nuôi cá có số lượng cá chết ước hàng chục tấn với thiệt hại nhiều tỷ đồng; trong đó hộ ông Lương Văn Tính có số lượng cá chết khoảng 13 tấn, hộ ông Huỳnh Long Kiểng có số lượng cá chết khoảng trên 35 tấn…

Ông Lương Văn Tính, một hộ nuôi cá lồng bè ngụ khu phố 6, thị trấn Dầu Tiếng cho biết, sự việc cá chết bắt đầu từ tối ngày 3-4. Ban đầu cá lăng có biểu hiện lạ, ngoi lên mặt nước và chỉ trong thời gian ngắn chết nổi trắng bè. Sau cá lăng, đến cá chép, cá trắm…cũng chết hết.

Trao đổi thông tin với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử vào chiều 7-4, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương) Trần Thanh Quang cho biết, sau khi có thông tin cá chết, Sở TN và MT phối hợp Sở NN và PTNT tỉnh và huyện Dầu Tiếng tiến hành kiểm tra, khảo sát, lấy mẫu nước và mẫu cá chết để phân tích; đồng thời khảo sát các nguồn xả thải để xác định nguyên nhân.

Qua khảo sát, ngành chức năng xác định không có nguồn xả thải bất thường nào gây đột biến làm cá chết. Có thể bước đầu, qua một trận mưa lớn đầu mùa, một số chất hữu cơ nằm trong các vườn cây, sông suối trôi ra làm nước sông xáo trộn giảm oxy bề mặt dẫn tới hiện tượng cá chết. Tuy nhiên, phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu nước và kết quả xét nghiệm mẫu cá chết mới kết luận được nguyên chính gây ra hiện tượng cá chết nêu trên.