Giá xăng dầu trên thế giới tăng cao vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn, giá gạo xuất khẩu biến động mạnh sau lệnh cấm xuất khẩu của một số quốc gia cùng với giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng 7.
Lạm phát duy trì xu hướng giảm dần
Những số liệu của Tổng cục Thống kê về thị trường giá cả cho thấy CPI tháng 8 đã bắt đầu nhích lên so với những tháng trước. Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến nay, lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát ở mức phù hợp và duy trì xu hướng giảm dần. Cụ thể: So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1 tăng cao nhất với mức tăng 4,89%, sau đó giảm dần, đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tăng 2,06%. Sang tháng 8 mức tăng bật lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay. CPI bình quân ba tháng đầu năm tăng 4,18%; bình quân sáu tháng đầu năm tăng 3,29%; bình quân tám tháng tăng 3,1%.
Phân tích các yếu tố làm tăng CPI trong tám tháng năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết các nhóm hàng hóa có tác động làm CPI chung tăng nhiều nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng. Giá các mặt hàng trong nhóm này đã tăng 6,65% so với cùng kỳ do giá xi-măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, cùng với đó là giá thuê nhà ở tăng cao đã tác động làm CPI chung tăng 1,25 điểm phần trăm.
Giá các mặt hàng thực phẩm tăng 3,04%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,65 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,28% do một số địa phương đã tăng học phí trở lại từ tháng 9/2022, tác động làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm… Ở chiều ngược lại, việc giảm giá dầu hỏa, giá gas trong nước theo giá thế giới và chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm đã tác động làm CPI giảm 0,02 điểm phần trăm.
Tốc độ tăng CPI bình quân các tháng có xu hướng giảm dần là dấu hiệu tích cực cho thấy CPI bình quân năm 2023 có thể được kiểm soát ở mức khoảng 4,5% như mục tiêu đề ra. Như vậy, diễn biến lạm phát năm 2023 vẫn trong kịch bản dự báo được các tổ chức nghiên cứu đưa ra từ đầu năm.
Viện Kinh tế-Tài chính (Bộ Tài chính) dự báo lạm phát so với cùng kỳ sẽ đạt đỉnh vào tháng 1 và sau đó giảm dần về mức 3% vào cuối năm, còn lạm phát trung bình cả năm sẽ xoay quanh mức 3,5%. Trong ba kịch bản tăng trưởng năm 2023, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo lạm phát có thể được kiềm chế ở mức 3,43%, 3,87%, 4,39% tương ứng với các mức tăng trưởng kinh tế 5,34%, 5,72% và 6,46%.
Tuy nhiên Tổng cục Thống kê lưu ý, lạm phát cơ bản tám tháng năm 2023 đã tăng 4,57%, cao hơn lạm phát chung (3,1%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2019-2022. Đây là một thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, do đó cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt vừa bảo đảm kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dư địa để ưu tiên cho tăng trưởng
Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dự báo lạm phát của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ dừng ở mức khoảng 3,5-4%, tạo dư địa để yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho biết cơ sở để đưa ra nhận định nói trên là cung tiền đưa ra nền kinh tế hiện vẫn còn rất thấp; vòng quay tiền chậm, ngay cả những tháng cuối năm có nhanh hơn cũng không đáng lo ngại.
Hơn nữa, mặt bằng giá cả thế giới và trong nước về cơ bản tương đối ổn định. “Rất nhiều người quan tâm liệu chúng ta có nới lỏng chính sách tiền tệ sớm quá hay không, điều này có thể ảnh hưởng đến lạm phát và gây ra những bất ổn. Dựa trên các số liệu về cung tiền, vòng quay tiền và mặt bằng giá cả, chúng tôi thấy rằng hoàn toàn có thể yên tâm về lạm phát”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.
Lạm phát thấp duy trì nửa đầu năm là một trong những yếu tố thuận lợi trong công tác điều hành của Chính phủ. Trên nền tảng cấu trúc cốt lõi là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã có sự chuyển hướng chính sách quan trọng khi xác định tập trung ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo định hướng này, Việt Nam đã có bước nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất từ khá sớm để bơm vốn vào nền kinh tế. Đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa Nghị định 81/2021/NĐ-CP theo hướng chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí và không tăng học phí năm học 2023-2024...
Để kiểm soát lạm phát cả năm đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu; kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.
Đối với mặt hàng xăng dầu, cần bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế.