Chân dung họa sĩ Vũ Bích Thủy.
Chân dung họa sĩ Vũ Bích Thủy.

Họa sĩ Vũ Bích Thủy:

Làm nghệ thuật không thỏa hiệp với chính mình

NDO - Sau triển lãm cá nhân đầu tiên năm 2019, họa sĩ Vũ Bích Thủy trở lại với công chúng yêu hội họa bằng một triển lãm ấn tượng, với chất liệu acrylic trên toan. “Vị nhiệt đới” mang đến một hương vị mới trong hành trình đi tìm kiếm chính mình của chị.

Vũ Bích Thủy lần đầu xuất hiện trong làng hội họa vào năm 2019, sau một thời gian chị trở về từ nước Đức.

Triển lãm “Bên ngoài cửa sổ” của chị chứa đựng vô vàn cảm xúc bung tỏa trên toan sau bao dồn nén đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng. Và phải đến 4 năm sau, chị lại trình làng triển lãm lần thứ hai.

Lần này, tâm thế sáng tác của chị đã khác. Chị có nhiều thời gian hơn, suy ngẫm về ý nghĩa của hội họa với cá nhân đã đượm sâu, chị càng thấy con đường nghệ thuật thật dài và nhiều thử thách. Trên đó, chỉ với sắc màu và đường nét, họa sĩ có thể hoặc tự do phóng khoáng hoặc bế tắc hời hợt với chính mình.

Trong các tác phẩm, Vũ Bích Thủy vẫn chậm rãi với từng bước màu tha thiết hoài nhớ, từng vệt cọ êm bông của ký ức và cảm xúc về cuộc sống...

"Có thể, hội họa của tôi là thứ gì đó luôn ở "bên lề" dòng chảy thời cuộc, thứ mà phần con người xã hội của số đông công chúng sẽ không quan tâm nhưng biết đâu, đến một lúc nào đó, hội họa của tôi lại chạm được tới phần con người cá nhân nơi nội tâm yên bình của một số người...", Vũ Bích Thủy bày tỏ.

Chị nói, sau mỗi triển lãm kết thúc, chị dừng lại và lắng nghe chính mình, đặt ra những câu hỏi cho bản thân, sẽ tiếp tục hành trình như thế nào để không lặp lại mình mà vẫn là chính mình.

“Vị nhiệt đới” muốn mang đến một hương vị, một cách nhìn khác hơn so với trước nhưng vẫn là chị trong một quá trình chuyển tiếp. Lần này sẽ là những hòa sắc, có trầm, có lạnh nhưng thiên về sắc ấm và nóng nhiều hơn. Sắc màu của chị bung tỏa, đậm nét, với sự khoáng đạt và tự do trong cảm xúc và nội lực. Có thể nói, chị đã có một cuộc dạo chơi với sắc màu rất ấn tượng.

 Làm nghệ thuật không thỏa hiệp với chính mình ảnh 1
Một trong những tác phẩm của họa sĩ Vũ Bích Thủy.

Vũ Bích Thủy yêu thiên nhiên, cỏ cây. Những bức tranh của chị đều lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Với chị, thiên nhiên đa dạng, nhiều bất ngờ và mang đến cho chị nhiều xúc cảm. Tranh của chị hướng tới những điều tích cực trong cuộc sống. Nó có khoảng tĩnh trong mỗi bức tranh, đó là cái tĩnh mà chị luôn muốn cân bằng trong đời sống nhiều náo động.

“Tôi muốn nói đến điều tốt đẹp vì niềm vui trong cuộc sống thật ít ỏi và bé nhỏ. Đức Phật bảo hạnh phúc của đời người nhỏ như cái đầu kim. Nó thật sự quý giá. Vì thế, những thăng trầm mình trải qua, những phiền muộn trong cuộc đời tôi không muốn nhắc đến và không làm ảnh hưởng đến tranh của mình”, Vũ Bích Thủy tâm sự.

Khi vẽ tranh chị không nhớ đến những nỗi buồn mà chỉ tưởng tượng đến những cái đẹp của từng cành cây, ngọn cỏ, giống như chị sinh ra thuộc về thiên nhiên và thiên nhiên mang lại cho chị rất nhiều năng lượng an lành.

Trở về từ nước Đức, sau 14 năm, học mỹ thuật ở một nơi xa lạ, liệu chị có bị Tây hóa trong xu thế toàn cầu. Thủy cười, con người không thể bứng khỏi gốc rễ của mình, dù xa nhưng chị vẫn yêu và gắn bó với nơi chốn mình sinh ra. Những ký ức về một thời nghèo khó, và ký ức, dẫu buồn cũng vẫn luôn đẹp. Ngày xưa, cuộc sống nghèo, khó khăn, mất điện nhưng vui, đầm ấm, hàng xóm tíu tít hỏi thăm nhau. Giờ đời sống khá giả hơn, nhưng con người cũng xa nhau hơn. Tất cả gợi cho chị nỗi nhớ và trở thành câu chuyện trong tranh của chị.

“Vị nhiệt đới” muốn mang đến một hương vị, một cách nhìn khác hơn so với trước nhưng vẫn là chị trong một quá trình chuyển tiếp. Lần này sẽ là những hòa sắc, có trầm, có lạnh nhưng thiên về sắc ấm và nóng nhiều hơn. Sắc màu của chị bung tỏa, đậm nét, với sự khoáng đạt và tự do trong cảm xúc và nội lực. Có thể nói, chị đã có một cuộc dạo chơi với sắc màu rất ấn tượng.

Vũ Bích Thủy không quan niệm mình là người Việt phải vẽ kiểu này cho ra Việt Nam. Với chị, trong nghệ thuật, những ranh giới đang được xóa nhòa. Chị muốn mượn tranh trừu tượng (ngôn ngữ của phương Tây) để kể câu chuyện của mình. Và nghệ thuật, đến một đẳng cấp nào đó sẽ xóa nhòa ranh giới quốc gia để chạm đến cảm xúc người nghe, phá bỏ mọi giới hạn về không gian, địa lý.

“Tôi không quan niệm một bức tranh hay một bản nhạc là tây hay ta, mà nó mang đến cho anh cảm nhận như thế nào, cảm xúc gì, điều đó quan trọng hơn”, Vũ Bích Thủy nói.

 Làm nghệ thuật không thỏa hiệp với chính mình ảnh 2
Một trong những tác phẩm của họa sĩ Vũ Bích Thủy.

Tôi hỏi chị sao không vẽ những thứ thời thượng và dễ bán hơn. Nhưng với Thủy, trừu tượng giúp chị được bay bổng trong thế giới của mình vì nó có sự phóng khoáng, tự do và ở đó, chị có thể áp đặt được chủ quan của mình.

Là một người khá ẩn mình ngoài đời, có vẻ kiệm lời và đơn giản, nhưng trong hội họa chị là người cầu toàn và khó tính. Rất nhiều bức tranh chị vẽ xong rồi xóa và úp vào tường. Chị thành thật, đôi khi phải đấu tranh để đừng sợ hỏng, đừng tiếc màu và toan. Có khi họa sĩ tiếc những cái mình đã vẽ nên xóa chỗ này, làm lại chỗ kia. Đôi khi họ không dám chối bỏ. Bởi càng vẽ càng khó, trên con đường đi tìm cái mới.

“Làm nghệ thuật rất khắc nghiệt, đó là một cuộc đấu tranh ở bên trong, với chính mình, không thỏa hiệp với cái xấu, cái cũ, phải đúng nghĩa là chắt chiu từng nét vẽ”, Vũ Bích Thủy bày tỏ.

Nhiều người dễ giải, mượn danh trừu tượng để làm sang cho mình, nhưng khán giả sẽ nhận ra vì làm nghệ thuật không chỉ 1 tuần, 1 tháng hay vài năm, đó là một chặng đường dài. Với thời gian, người mua sẽ tự sàng lọc và công chúng sẽ là bộ lọc tốt nhất.

Vũ Bích Thủy gần như đứng bên lề của thị trường mỹ thuật. Chị chỉ nhăm nhăm vẽ điều mình muốn chia sẻ. Bởi chị quan niệm: “Vẽ thì cứ vẽ thôi, thị trường do người mua, họ thích và mua, còn tôi không quan tâm đến thị trường lắm, bởi thực tế, thị trường hay chi phối họa sĩ chứ ít khi họa sĩ chi phối được thị trường. Họa sĩ nếu vẽ chỉ nhăm nhăm để bán rất khó. Điều đó sẽ làm cho mình mệt mỏi, vì phải luôn cân chỉnh để vừa mắt, mất đi sự tự do và bị áp đặt”.

Làm nghệ thuật rất khắc nghiệt, đó là một cuộc đấu tranh ở bên trong, với chính mình, không thỏa hiệp với cái xấu, cái cũ, phải đúng nghĩa là chắt chiu từng nét vẽ.

(Họa sĩ Vũ Bích Thủy)

Tranh của chị không thuộc hàng đắt khách nếu không nói là kén người mua. Nhưng chị không quá bận tâm về điều đó. Với chị, được vẽ, được sống với đam mê của mình là hạnh phúc. Chị làm nhiều công việc liên quan đến nghệ thuật để mưu sinh. Mà thực ra, đời sống chị rất đơn giản, không nhiều nhu cầu. Nếu có mưu cầu nhiều thì chị cần thời gian, bởi là một nữ họa sĩ có rất nhiều hạn chế, vì họ phải đóng nhiều vai trong cuộc sống. Làm mẹ, làm vợ, làm nghệ thuật, đôi khi còn làm vai của một công chức... Thời gian bị xé lẻ bởi những trách nhiệm và bổn phận. Vì thế, Thủy không chờ cảm xúc đến mới vẽ. Chị vẽ bất cứ lúc nào, có những bức vẽ rất chán nhưng chị vẫn làm, bền bĩ để tìm kiếm một con đường.

“Đó là một cuộc độc hành với chính mình, riêng mình và nó rất đau khổ nhưng cũng rất thú vị. Đó là một góc nhỏ riêng, cô độc và bất khả xâm phạm. Tôi nương náu và tìm niềm an ủi trong nghệ thuật. Đó là người bạn đồng hành cùng tôi suốt cuộc đời, nuôi dưỡng tinh thần của mình, già rồi vẫn làm được việc gì đó, có ích cho bản thân mình”, họa sĩ Vũ Bích Thủy chia sẻ.

Và chị, vẫn miệt mài trong thế giới mà chị kiến tạo, hạnh phúc, đau khổ với những tác phẩm của mình, không phải để tìm kiếm hay cầu mong sự nổi tiếng. Vẽ, với chị là một hành trình cô độc và hạnh phúc.

Vũ Bích Thủy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Chị tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Nghệ thuật Berlin (Universitat der Kunste Berlin - UdK), CHLB Đức năm 1996. UdK là ngôi trường đại học nghệ thuật lớn nhất châu Âu với lịch sử hình thành từ năm 1869.

Trong thời gian theo học ở Berlin, chị tham gia một số triển lãm tổ chức bởi Quỹ Nghệ thuật Seagull (The Seagull Foundation for the Arts), Không gian dành cho phụ nữ quốc tế (The International Women Space), Trại sáng tác nghệ thuật ở Neubrandenburg... Sau khi về Việt Nam, chị tham gia một số triển lãm nhóm, ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, được mời bày tranh trong một số sự kiện nghệ thuật Việt Nam và châu Á ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản.

Phải đến năm 2019, (từ 18 đến 25/1/2019, tại Hà Nội), chị mới đủ điều kiện giới thiệu triển lãm hội họa cá nhân đầu tiên.

back to top