Lam Hạ những ngày tháng Bảy

Tháng bảy - tháng nhớ về những anh hùng liệt sĩ, trong nắng hè chói chang rực lửa, hành trình về nguồn lại đưa nhiều người từ khắp mọi miền Tổ quốc đến với Lam Hạ, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) - nơi có mười nữ dân quân đã anh dũng hy sinh, tạc vào lịch sử huyền thoại về mười bông hoa thép bất tử.
0:00 / 0:00
0:00
Các cháu học sinh nghe kể chuyện về tấm gương hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ tại miếu thờ mười nữ dân quân Lam Hạ.
Các cháu học sinh nghe kể chuyện về tấm gương hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ tại miếu thờ mười nữ dân quân Lam Hạ.

Lật lại trang sử hào hùng của dân tộc, trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, trận địa pháo phòng không Lam Hạ là nơi có vị trí đặc biệt, có nhiệm vụ bảo vệ cầu Phủ Lý và tuyến giao thông huyết mạch nối liền hậu phương và tiền tuyến, cho nên là một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ thù.

Để giữ cho mạch giao thông bắc-nam qua đây được thông suốt, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu và nhiều người đã hy sinh anh dũng. Trong đó, phải kể đến tấm gương hy sinh của mười nữ dân quân thuộc đại đội dân quân phòng không cùng xã Lam Hạ (nay là phường Lam Hạ) trong năm 1966-1967.

Ở Lam Hạ khi đó, ngoài bộ đội chủ lực còn có cả dân quân địa phương cùng tham gia phối hợp chiến đấu. Trong những trận chiến khốc liệt bảo vệ vùng trời cầu Phủ Lý năm 1966-1967, mười cô gái Lam Hạ là: Đinh Thị Tâm, Phan Thị Tuyết, Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương, Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh, Đặng Thị Chung đã hy sinh quả cảm khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi, nhưng tên tuổi của họ đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, bất tử trong lòng người dân Lam Hạ và cả nước.

Để tri ân những chiến công của Đại đội dân quân phòng không, nhất là của mười cô gái Lam Hạ năm xưa, từ một địa chỉ hoang tàn trong chiến tranh, trên trận địa pháo năm xưa, nay đã được đầu tư xây dựng trở thành một quần thể di tích lịch sử khang trang với những công trình theo phong cách kiến trúc cổ như: Bia đá, lầu chuông, gác trống, quảng trường, Đền thờ Liệt sĩ tỉnh, Đền thờ mười cô gái Lam Hạ, Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện…

Các công trình của khu di tích đều được bao quanh bởi những vườn cây xanh mướt bốn mùa, trong đó có một số ngôi nhà mô phỏng kiến trúc cổ truyền của dân cư vùng đồng bằng Bắc Bộ cùng những vật dụng quen thuộc của người nông dân trồng lúa nước, khu bán hàng lưu niệm, khu trận địa pháo được bố trí xen kẽ…

Những ngày tháng bảy này, Lam Hạ đón hàng trăm lượt du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc trở về để tri ân, dâng hương tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của mười nữ dân quân Lam Hạ. Trong số đó, có không ít cựu chiến binh tìm đến tri ân, tưởng nhớ, cùng ôn lại kỷ niệm chiến đấu cũ, kỷ niệm về những người đồng đội vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất một thời thấm đẫm lửa và máu. Nơi đây giờ đã trở thành “địa chỉ đỏ” tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt chính trị của các thế hệ đoàn viên, thanh thiếu niên và học sinh nơi đây.

Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam cho biết, phát triển loại hình du lịch về nguồn đã được địa phương chú trọng đưa vào định hướng chiến lược phát triển du lịch tỉnh.

Do đó, những năm gần đây, ban chỉ đạo tích cực đề nghị các cấp, ngành chức năng quan tâm triển khai nhiều biện pháp cụ thể để phát huy tiềm năng của các điểm di tích lịch sử Đền Lam Hạ như: chú trọng xây dựng các tua du lịch về nguồn hấp dẫn; tích cực huy động nguồn lực đầu tư tôn tạo di tích; mời gọi các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch lữ hành đến khảo sát, nghiên cứu thêm điểm du lịch về nguồn, kết nối du lịch về nguồn với các loại hình du lịch khác…

Việc này trước hết góp phần thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời giúp làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch cho địa phương, từ đó tạo điều kiện cho việc liên kết các tua, tuyến du lịch trên địa bàn.

Về thăm Lam Hạ hôm nay, thắp nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, lắng tâm hồn mình lại để cảm nhận tiếng chuông ngân vang giữa bạt ngàn những cánh đồng, những rặng cây mướt xanh tựa như khúc tráng ca về một thế hệ tuổi trẻ trên mảnh đất Lam Hạ đã đi vào lịch sử, những con người được sinh ra và lớn lên trong thời bình càng thấm thía hơn những chiến công vang dội và sự hy sinh mất mát của quân dân ta trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ…