Văn hóa và Phát triển

Làm giàu từ nghề trồng cây, hoa kiểng

Triển lãm và hội chợ sinh vật cảnh các tỉnh miền Ðông Nam Bộ (ÐNB) lần thứ nhất vừa diễn ra tại tỉnh Bình Dương đã để lại ấn tượng tốt đẹp với nhiều người. Từ một thú chơi cây cảnh và làm vườn gắn với đời sống nông nghiệp, nhưng có những người đã biết tận dụng khoảng vườn nhỏ hẹp để tạo ra nguồn thu nhập hàng triệu đồng, thậm chí là hàng tỷ đồng mỗi năm từ cây hoa kiểng.

Những cây cảnh quý luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Những cây cảnh quý luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người.

"Mắt xanh" của người buôn cây

Trong triển lãm và hội chợ sinh vật cảnh ở Bình Dương lần này, có một người không phải dân sở tại, cũng không có cây cảnh nào đem đến trưng bày. Nhưng hai ngày chợ đông, cũng ngần ấy thời gian anh có mặt. Anh là Ðặng Trí Thuần ở thị trấn Vĩnh Bình (Gò Công Tây, Tiền Giang). Anh Thuần cho biết, đã từng buôn bán cây cảnh từ nam ra bắc. Mấy năm nay, năm nào anh cũng ăn Tết ở Hà Nội, thị trường cây cảnh Thủ đô luôn ưa thích những cây lạ và độc, sản phẩm chính anh mang ra bán là mai nu, bông trang. Ðược giá nhất là mai nu, nhưng phải là dạng "nhất một - ba tròn" (nhất một tức là hàng độc, ba tròn là dáng - thân - lá). Dáng phải đạt được triết lý nhân sinh, thân phải có núm vú xù xì năm tháng, lá căng bền biểu hiện sức sống của cây.

Kiếm sống phương diện nào cũng phải mang theo trực giác sắc nhọn cùng hiểu biết phương diện đó. Một người am tường về cây, hiểu về chợ, hẳn anh có nhiều kinh nghiệm? Anh Thuần trò chuyện: Sự phát triển cây cảnh ở nhiều nơi đang chạy theo số lượng và cách làm giống nhau. Ví như cây sanh ở Hải Hậu (Nam Ðịnh), nhà nhà đua nhau trồng, giống như thứ hàng sản xuất công nghiệp, đến nay lượng cây đó quá dư thừa và ít được người chơi quan tâm. Ðó là một bài học nhỡn tiền của cách làm theo đám đông, dễ mất thị trường bởi nguồn cung lớn mà nhu cầu thì ít. Anh đến hội chợ này, thứ nhất là để xem cây, gặp gỡ các hội viên cây cảnh và tìm hiểu xem tâm lý người chơi cây cảnh đang theo xu thế nào. Từ đó, cho mình thực tế nắm bắt thị trường buôn cây nào có lời và nguồn cung ở đâu để gom hàng, và một phần ấp ủ của anh là về quê hướng cho những hộ gia đình trồng cây cảnh có thêm hiểu biết để phát triển cây mới. "Buôn Sở, bán Tần" là câu chuyện thuở xưa, với anh Thuần, anh sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn khi nói về cái nghiệp trồng cây cảnh cho những ai nuôi trí thanh nhàn, tài lộc bằng đam mê. Qua một hội chợ triển lãm về cây cảnh, những hội viên cũng cọ xát, có thêm kinh nghiệm, bí kíp làm vườn của nhau. Ðó là sự va chạm tài hoa và cũng là sự nuôi dưỡng thú vui của người trồng, người chơi cây cảnh.

Tìm lại mình trong khu vườn nhỏ

Trồng cây cảnh không như trồng lúa, trái cây thường chạy theo số lượng ruộng vườn đại trà. Mỗi chủ nhân sinh vật cảnh thường chỉ trồng và chơi một loại cây theo cốt cách thẩm mỹ của họ. "Nhân duyên mới khởi tầm", người và cây là hai thế giới tách biệt, nhưng hoàn toàn có sự cộng sinh. Người trồng cây cảnh cũng phải có sự bền bỉ, đắm đuối và cũng phải giữ được thiên lương trong sáng cho mình. Ở họ, có một niềm khoái cảm rất riêng, ngắm vuốt bằng mắt từ một mầm cây vừa bật lên từ gốc mục, và cũng có lúc nén tiếng thở dài khi thấy thây cây bệnh (ốm) mà chưa có cách khắc phục. Từ cây cảnh cũng ảnh hưởng đến tính cách của họ, đó là không mấy ai đã chăm chú vào cây cảnh lại là người "ăn to nói lớn, chém gió phần phật" hoặc thân hình quá béo, quá hãnh tiến hoặc quá ngưỡng mộ về mình. Có lẽ tương tác giữa cây và người tạo nên cốt cách "đồng hiện cộng sinh" trong khu vườn nhỏ, câu lạc bộ nhỏ hoặc một cuộc giao lưu như hội chợ cây cảnh miền Ðông này.

Ông Ba Tường, một hội viên Hội sinh vật cảnh xã Tương Bình Hiệp (Bình Dương) là một người như vậy. Trước đây, ông quá thiết tha với nghề sơn mài của làng, thế rồi trong xu thế thị trường, nhiều người chạy theo đồng tiền quá, sản phẩm sơn mài ngày một rớt xuống thứ phẩm, cho nên "rửa tay" gác nghề. Ông tìm thú vui trong chốn vườn lan, cây điệp. Giờ đây, ông Ba Tường tự hào vì trồng chơi cây cảnh mà vẫn có ăn. Cây cho ông một an ủi khác, lánh đục về trong. Chị Thanh Kim Mai rời TP Hồ Chí Minh phồn hoa về Bình Dương khởi nghiệp trồng cây cảnh, chăm hoa, kinh doanh du lịch. Ðến cái quán cà-phê, chị cũng lấy tên "Cà-phê Sinh vật cảnh". Với một người yêu cây thì "nhìn cây nào cũng có thể thành cây cảnh" - nghệ nhân sinh vật cảnh Huỳnh Chuẩn cho biết. Một cây cà tím mọc lên từ miệng con cá gốm, sắp đặt bên bức tường cũng thành điểm nhấn cho căn nhà. Cây me, cây vú sữa mọc tự nhiên trong vườn, nhưng biết cách bẻ dáng, đôn cành cũng thành hàng độc. Trong vườn của nghệ nhân Huỳnh Chuẩn là bộ sưu tập nhiều loài cây, như vạn niên tùng, mai chiếu thủy, bon sai... Không có cây nào được phép giống nhau, cùng loại nhưng dáng phải mang phong cách riêng để sản phẩm đó phù hợp với con mắt "đánh cây" của người mua thì mới được giá.

Nghề nào cũng có cái khó, nghề trồng cây cảnh lại còn cộng thêm một sự chiêm nghiệm từ bản thân rút ra triết lý nhân sinh qua các loài cây. Từ đó, cùng với đòi hỏi của thị trường, người trồng hoa, cây cảnh mới có đủ ngôn ngữ để thuyết trình cho cây của mình chứ không thể "ấm ớ" được. Nghề trồng cây cảnh cũng đòi hỏi chăm chút nghệ thuật và sức lao động, không tính tiền mỗi ngày, mỗi giờ. Ðó là sự gắn kết giữa một ý niệm gửi gắm vào cây với lý tưởng nhân sinh hòa hợp. Nhìn thì thấy nghề cây cảnh làm như chơi, khó là phải dày công, đam mê bất tận, nguồn cảm hứng bật lên những tạo tác không ngừng. Và nghề nào cũng có tổ của nghề đó. Tổ nghề sẽ không phụ khi người trồng cây khởi phát không tính đếm, không phân bì với nghề nọ, nghề kia.

Gửi hồn vào cây

Hội sinh vật cảnh TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã bước sang tuổi 16, cái tuổi tính năm thì còn trẻ nhưng hội viên phần lớn là các cụ hưu trí. Tại buổi tổng kết, nghệ nhân Luân Minh Hùng và Trần Văn Vân đã trao tặng Hội hai tác phẩm đoạt giải cao là bon-sai và cây khô nghệ thuật. Cây cảnh không chỉ cung phụng cái tôi của người chơi mà còn mang đến ý nghĩa xã hội, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Thủ Dầu Một Lê Văn Ðức cho biết: "Sinh vật cảnh cũng góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đường phố xanh, sạch, đẹp, văn minh". Một điều thấy được không riêng gì hoa kiểng, mà quan sát những nhà nào có vườn cây xum xuê, chủ nhân cũng có cuộc sống thanh nhàn. Nói như vậy để biết, người hướng đến cây là hướng đến sự trú ngụ lâu dài, bám rễ bền chặt. Và mấy năm nay ở Bình Dương, ngoài sức bật về kinh tế, đây đang là một trung tâm của sinh vật cảnh chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh. Phong trào phát triển không riêng gì thành phố, thị xã mà ngay ở thị trấn Tân Uyên đã có tới 70 hội viên. Hội thi sinh vật cảnh miền Ðông Nam Bộ lần thứ nhất, năm 2014 nằm trong chuỗi hoạt động Ban Chấp hành T.Ư Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.

Khi tôi nêu ý kiến, muốn phát triển được vườn cây cảnh thì phải có kinh tế ổn định, và có cuộc sống an nhàn thì nhiều hội viên đã có ý kiến phản bác. Vì rằng xuất phát điểm của họ không cao, chỉ tận dụng thời gian sau giờ làm ruộng, làm rẫy, làm công việc liên quan đến giờ giấc hành chính hoặc kinh doanh. Thời gian còn lại mới dành cho công việc mình yêu thích. Ðến với sinh vật cảnh, không để tâm, không đam mê học hỏi, luyện tập suy nghĩ của mình thì khó thành công. Trồng cây mang đến "sự cát tường" cho gia đình, xóm phố. Cây đã mang lại lá xanh, hoa đẹp và cũng từ đó hình thành nên một phần cốt cách làm người, tạo nên triết lý sống thảnh thơi. Ðến với cái đẹp, đẹp sẽ nâng tầm cuộc sống.

Nằm trong chương trình Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Hội sinh vật cảnh Việt Nam được tổ chức tại Bình Dương, Hội thi sinh vật cảnh đã thu hút gần 600 tác phẩm của hơn 200 nghệ nhân trên địa bàn bảy huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và nghệ nhân đến từ Hội sinh vật cảnh các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Ðồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước tham gia. Ngoài ra, còn có hơn một nghìn tác phẩm đã được trưng bày, triển lãm như: bon-sai, tiểu cảnh, kiểng cổ, cây khô nghệ thuật, đá cảnh, còn có các nhóm hoa phong lan...