Trên ruộng ớt trĩu quả, bà Nguyễn Thị Khanh (thôn Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) phấn khởi cho biết: Trước kia, gia đình trồng các loại rau màu, nhưng giá cả không ổn định, năm được năm mất. Nay nhờ có doanh nghiệp đầu tư giống, hỗ trợ vật tư kỹ thuật, lo bao tiêu đầu ra… cho nên vụ đông năm 2016 gia đình quyết định chuyển sang trồng thử nghiệm một sào ớt chỉ thiên. Hiện tại, cây ớt đang cho thu hoạch, hạch toán ra hơn hẳn các loại cây màu khác. Vì thế vụ xuân này gia đình chuyển đổi thêm ba sào đất trồng màu sang trồng ớt, dự kiến năng suất còn cao hơn vụ đông.
Phấn khởi, vui vẻ là tâm trạng chung của những hộ nông dân tham gia dự án trồng thí điểm cây ớt chỉ thiên do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc và Công ty xuất nhập khẩu nông sản Vĩnh Cửu (Hải Dương) phối hợp thực hiện. Vụ đông 2016, khi hợp tác xã triển khai thử nghiệm mô hình trồng ớt chỉ thiên tại Ngăm Mạc, các hộ dân tham gia mô hình được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, phù hợp thị trường... 24 hộ nông dân hăng hái tham gia trồng trên diện tích ba ha đều tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Sau gần ba tháng trồng, chăm sóc, cây ớt bắt đầu cho thu hoạch với năng suất trung bình ước đạt gần 1,5 tấn/sào. Doanh nghiệp thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi sào ớt trừ chi phí còn lãi 7,5 đến 8 triệu đồng/sào, gấp năm lần so với trồng lúa.
Ớt cho thu hoạch nhiều lứa, mỗi lứa cách nhau khoảng 15 đến 17 ngày. Nếu chăm sóc tốt, cây ớt có thể kéo dài thời gian thu hoạch trong bốn tháng. Đây chính là động lực để họ tiếp tục mở rộng mô hình trồng ở những vụ tiếp theo.
Ước tính cả vụ ớt đông, nông dân thôn Ngăm Mạc đạt khoảng 121 tấn, doanh thu ước đạt 847 triệu đồng. Trưởng thôn Ngăm Mạc, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc Nguyễn Đắc Thành khẳng định: “Sau một thời gian trồng và thu hoạch cho thấy hiệu quả kinh tế từ cây ớt vượt xa so với những cây trồng khác. Chính vì vậy, trong vụ xuân 2017, địa phương chuyển đổi tiếp 10 ha đất trồng màu khác sang trồng ớt. Trong đó, ba ha là ớt chỉ thiên và trồng thử nghiệm bảy ha ớt chỉ địa, đây là giống cho quả to và năng suất cao hơn so với ớt chỉ thiên. Dự kiến vài tuần nữa cho thu hoạch với năng suất ước đạt 1,5 đến 1,7 tấn/sào. Từ thành công của mô hình thí điểm, trong những vụ tới địa phương sẽ mở rộng diện tích trồng ớt để nâng cao hiệu quả canh tác, đem lại thu nhập cho bà con...”.
Với những ưu điểm và lợi thế của cây ớt mang lại đã mở ra một hướng đi mới cho nông dân thôn Ngăm Mạc trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao hiệu quả trên diện tích đất canh tác.