Trước đó, Công an thành phố Thanh Hóa nhận được tin báo trong quá trình giao dịch giải ngân cho FE Credit, giao dịch viên của Bưu điện thành phố Thanh Hóa phát hiện hai khách hàng đã sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) giả để giao dịch, rút thành công hơn 78 triệu đồng theo khoản vay FE Credit.
Công an thành phố Thanh Hóa chỉ đạo Đội điều tra tổng hợp phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ lập chuyên án điều tra truy xét. Hơn một tháng tập trung điều tra, thực thi đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Công an thành phố Thanh Hóa đã xác định rõ tội phạm, thu thập các chứng cứ, tiến hành bắt giữ các đối tượng: Lê Quốc Huy, sinh năm 1994 ở thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; Nguyễn Huy Anh Tuấn, sinh năm 1987 ở phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai; Trần Như Ngọc, sinh năm 1992 ở phường Tuy Lộc, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái; Ngụy Văn Thạch, sinh năm 1992 ở thị trấn Tân Dân, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang; Trần Văn Hưng, sinh năm 1983 ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Đại Nghĩa, sinh năm 1992 ở xã Lưu Phương và Trần Tuấn Anh, sinh năm 1994 ở xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đã có hành vi làm giả CMND để lừa đảo chiếm đoạt tiền của FE Credit trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Thanh Hóa thu giữ 37 CMND giả ghi tên, địa chỉ của công dân các tỉnh thành khác nhau nhưng dán ảnh các đối tượng trên CMND; 27 thẻ sim điện thoại chưa sử dụng, một bộ máy tính, một máy in màu, một máy ép plastic, một bộ máy dập quốc huy và Công an hiệu …
Các đối tượng khai, vì hiểu biết tin học nên rủ nhau đánh cắp thông tin: Họ và tên, địa chỉ, số CMND, số điện thoại của các khách hàng đã từng vay tiền của FE Credit. Tiếp đó, các đối tượng làm giả CMND theo các thông tin đã đánh cắp, dán ảnh của mình vào, đi đến các điểm cung cấp sim thẻ điện thoại của các nhà mạng như: Viettel, Vinaphone báo mất sim, đề nghị được cấp lại sim số.
Qua đó, nhóm tội phạm đã đánh cắp được số điện thoại từ các nhà mạng, rồi dùng CMND giả, số điện thoại đánh cắp được làm hợp đồng vay tiền của FE Credit với hình thức “tín chấp” trên mạng xã hội, vay từ 20 triệu đồng đến 70 triệu đồng.
Khi nhân viên của FE Credit gọi vào số điện thoại mà các đối tượng đã đánh cắp để kiểm tra và xác nhận thông tin thì được các đối tượng cung cấp thông tin trong CMND giả và yêu cầu ngân hàng giải ngân các khoản vay qua bưu điện. FE Credit đồng ý cho vay tiền, cung cấp cho đối tượng một mật mã OTP để rút khoản tiền vay này tại một bưu điện bất kỳ theo ủy nhiệm chi của FE Credit đã ký hợp đồng với Bưu điện Việt Nam.
Được FE Credit cung cấp mã rút tiền, các đối tượng đến các bưu cục trên địa bàn cả nước trình CMND (giả), cung cấp mã OTP thì được bưu điện chi chả toàn bộ số tiền vay mà các đối tượng đã yêu cầu vay trước đó với FE Credit. Nhận được tiền, các đối tượng tiến hành hủy CMND giả và sim điện thoại đã dùng để giao dịch vay tiền.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định được từ ngày 23-2-2021 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, nhóm tội phạm trên đã lừa đảo, chiếm đoạt gần 500 triệu đồng của FE Credit. Ngoài ra, bảy đối tượng trên còn thừa nhận đã cùng một số đối tượng khác cũng gây ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của FE Credit với số tiền lên tới hàng tỷ đồng tại các tỉnh biên giới phía bắc.
Công an thành phố Thanh Hóa hiện tạm giam Lê Quốc Huy, Trần Như Ngọc, Nguyễn Huy Anh Tuấn, Nguyễn Đại Nghĩa phục vụ công tác điều tra; áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khởi nơi cư trú đối với Ngụy Văn Thạch, Trần Tuấn Anh và Trần Văn Hưng; đồng thời khuyến cáo ngân hàng và Bưu điện cần tiến hành kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các khoản vay trên mạng xã hội, tránh bị tội phạm lợi dụng sơ hở, chiếm đoạt tài sản.