Làm gì trong "cơn sốt" gỗ sưa?

Cây sưa trên đường phố Hà Nội.
Cây sưa trên đường phố Hà Nội.

"Sưa" là loài cây gì?

Với phần lớn người dân Hà Nội, đến tận bấy giờ "Sưa" vẫn là một cái tên khá mới mẻ. Theo các nhà khoa học, cây sưa còn có tên địa phương là "Trắc thối", "Huỳnh đàn", "Huê mộc vàng"; tên khoa học Dalbrgia tonkinensis Prain, là loài quý hiếm thuộc nhóm IA quy định tại Nghị định của Chính phủ về quản lý thực vật, động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Ðây là loại gỗ được Nhà nước nghiêm cấm khai thác, sử dụng cho mục đích thương mại.

Cây sưa ra hoa vào khoảng tháng ba, tháng tư, lá kép hình lông chim có từ 9 đến 15 lá chét hình bầu dục, chót nhọn có 9 - 10 cặp gân nhỏ, cuống ngắn ba mm. Quả chín thu hoạch tháng 11 tháng 12, mỗi quả thường có một đến hai hạt. Cây sưa đã được các hộ gia đình trồng ở vườn nhà từ lâu đời, rải rác có ở các vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

GS.TSKH Phạm Bình Quyền- Trung tâm Tài nguyên và Môi trường (ÐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Sưa không phải là loài cây khó nhân giống, nhưng đây là loài cây vòng đời sinh trưởng của cây rất cao: 60 năm mới cho cây trưởng thành. Một năm cây chỉ có thể sinh trưởng dưới 0,5 cm đường kính.

Gỗ sưa là loài gỗ trắc quý, vân đẹp, sau khi khô không nứt, biến dạng, không bị mối mọt nên rất được ưa chuộng trên thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Ðáng lưu ý, cây gỗ sưa chính là cây gỗ Hoàng Hoa Lý (Hoanghuali). Trong công trình nghiên cứu về thảo mộc thời nhà Ðường (618 - 907) ghi: "Gỗ Hoàng Hoa Lý tìm thấy ở An Nam và đảo Hải Nam. Khi làm gường, tủ Hoàng Hoa Lý khá giống Tử Ðàn nhưng cứng và quyến rũ hơn". Vào thời nhà Minh, gỗ Hoàng Hoa Lý được sử dụng chính trong việc thiết kế những đồ gỗ cung đình, nội thất các gia đình quyền quý.

Cây sưa còn có đặc điểm thơm mùi tinh dầu, vì thế người ta thường dùng gỗ sưa để tạc tượng mỹ nghệ hoặc tượng chùa. Các thợ mộc cho biết, gỗ sưa thơm hơn gỗ pơ mu ở chỗ sau một thời gian xẻ ra đóng đồ, pơ mu dần dần sẽ bị mất mùi thơm nhưng gỗ sưa vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng của mình.

Ðại đa số người dân đều không biết giá trị của cây sưa nhưng với những người làm nghề mộc thì đây là loại gỗ có giá trị rất cao, được ví  là "cây vàng, cây bạc". Anh Nguyễn B., một chủ xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Ðồng Kỵ, Bắc Ninh tiết lộ, gỗ sưa chủ yếu bán sang Trung Quốc. Giá gỗ sưa bán tại Trung Quốc thường gần 100 USD/kg. Dân Việt Nam ít người dám sắm đồ đạc làm bằng gỗ sưa vì gỗ sưa rất đắt. Mỗi sản phẩm gia dụng như giường, tủ, bàn, nếu tính ra phải cả trăm triệu đồng. KS Vũ Văn Dũng, Viện Ðiều tra Quy hoạch rừng (Bộ NN-PTNT), một chuyên gia lâu năm về thực vật, cũng "định giá" gỗ sưa trị giá khoảng 1 tỷ đồng/m3.

Nhanh chóng bảo vệ loài cây quý

Theo số liệu của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, chỉ trong hai tháng 6 và tháng 7- 2007, trên thành phố đã có 20 cây sưa bị chặt trộm tại các địa điểm khác nhau. Gần đây nhất là các vụ chặt trộm cây ở Trung Tự, trong khuôn viên Công viên Thống Nhất, trước cửa UBND thành phố, khu di tích Gò Ðống Ða, đường Xuân Thủy. Sáng 4-8, cây sưa khoảng 20 - 25 năm tuổi, cao trên 10 m, trồng trên đường Hùng Vương đã bị kẻ xấu chặt trộm. Ðêm ngày 8-8, tại công viên gò Ðống Ða, cây sưa trên trăm tuổi, đường kính 50 cm bị chặt trộm. Ngày 9-8, một cây sưa trong Công viên Thống Nhất cũng bị chặt trộm. Rạng sáng 20 - 8, một cây gỗ sưa đỏ trên đường Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) có tuổi đời khoảng 10 năm, chiều dài 1,8 m, đường kính 25 cm tiếp tục bị chặt hạ... Ngay cả bốn cây sưa ở ven hồ Hoàn Kiếm, nằm trước cửa UBND thành phố Hà Nội cũng đã bị kẻ gian lợi dụng trời mưa gió "viếng thăm", nhưng do bị phát hiện nên chưa bị chặt hạ. Hiện bốn gốc cây này vẫn còn vết cưa để lại và công ty cây xanh đang phải cử người bảo vệ cây ngày đêm, đồng thời chăm sóc cho cây khỏi chết.

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng kế hoạch Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, bọn trộm đã khoanh vài đường sát gốc cây thăm dò thì bị phát hiện và tăng cường canh gác. Thậm chí, ngay tại vườn ươm giống của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội kẻ trộm cũng đã nhiều lần đến nhổ trộm những cây sưa còn non.

Kẻ xấu thường đi tìm những cây sưa ở địa điểm khuất nẻo, chọn thời điểm vắng vẻ ra tay chặt hạ. Với những cây sưa ở nơi đông người qua lại, chúng cho người khoanh vị trí chặt trước, cưa sát gốc từ 20 đến 30 cm rồi trát đất ngụy trang. Khi cây héo chết dần dần, sẽ cho người đến đốn cây. Các đối tượng táo tợn đến mức đội mũ bảo hiểm đóng giả công nhân Công ty Công viên cây xanh, trang bị cưa máy cầm tay, dây thừng khi chặt hạ cây. Mục đích nhằm giảm sự chú ý của người dân quanh khu vực. Nhiều cây sưa trăm tuổi dù nằm trong khu di tích vẫn không thoát khỏi tay kẻ xấu.

Một cán bộ của Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Kẻ gian tỏ ra rất chuyên nghiệp. 3/4 gốc cây và phần trên thân cây đã được cưa đứt từ trước, sau đó chỉ cần một động tác đơn giản là cây sưa đỏ đổ gục và được chở đi.

Trước tình trạng này, Công an TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giao thông công chính, Chi cục Kiểm lâm... của thành phố đã có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, triển khai các biện pháp phòng ngừa. Toàn bộ danh sách, vị trí các cây gỗ sưa và cây gỗ nhóm 1A đã được xác lập để thông báo cho UBND, công an các phường, xã, từ đó nhanh chóng tổ chức các biện pháp bảo vệ. Công an Hà Nội đang kiến nghị cơ quan chức năng có hình thức sơn gốc, treo biển cây sưa để nhân dân và các lực lượng nhận biết, thuận lợi cho việc bảo vệ. Ðối với những cây sưa trồng ở khu vực khuất nẻo, đơn vị quản lý cần nghiên cứu làm rào bảo vệ nhằm phòng ngừa hoạt động cưa, cắt trộm. Công an TP Hà Nội đã có công văn gửi các phòng nghiệp vụ, Công an các quận, huyện về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gỗ sưa; chỉ đạo công an các phường, thị trấn làm tốt công tác phát động phong trào quần chúng, phối hợp với các đơn vị quản lý cây xanh trên địa bàn chủ động phát hiện và kiểm tra, bắt giữ các đối tượng có hành vi cưa cắt, lấy trộm gỗ sưa.

Trên cơ sở công tác điều tra các vụ án buôn bán, trộm cắp gỗ sưa, tới đây, các đơn vị CATP sẽ phối hợp với VKS, TAND sớm hoàn chỉnh hồ sơ, đưa ra truy tố xét xử điểm một số vụ nhằm răn đe trấn áp đối tượng và tạo dư luận trong xã hội. Công viên Cây xanh Hà Nội cũng đã triển khai thống kê số cây và phối hợp với lực lượng công an để bảo vệ cây sưa trên địa bàn thành phố. Ðó là đối với những cây có đường kính thân lớn. Còn những cây có đường kính nhỏ có thể đánh chuyển đi được thì ngay trong tháng tám này sẽ tổ chức đánh chuyển về trồng tại vườn ươm để bảo vệ.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 1.250 cây sưa, chủ yếu được trồng tại khu vực nội thành. Trong đó, cây sưa cổ thụ chủ yếu được trồng trong các công viên vườn hoa, khoảng 850 cây nằm trên các tuyến phố. Số còn lại nằm rải rác tại các công viên, ngõ phố và nhà dân. Dù cây sưa được xếp vào nhóm gỗ quý thuộc nhóm IA và bị cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, nhưng sức hấp dẫn của đồng tiền vẫn lôi kéo không ít kẻ tìm mọi cách để đốn loại cây trị giá bạc tỷ này. Hiện nay thành phố hiện chỉ mới chi kinh phí cho việc cắt tỉa cành, đánh số, thay thế cây mới chứ chưa lên phương án bảo vệ cụ thể cũng như kinh phí cho công việc này. Nếu Hà Nội không sớm nhanh chóng có những biện pháp quản lý thật quyết liệt và hữu hiệu, thì rất có thể trong tương lai gần loài cây gỗ quý này sẽ vắng bóng trên đường phố Hà Nội.