Làm gì mới cho phố đi bộ hồ Gươm?

NDO -

NDĐT - Câu hỏi sáng tạo, đổi mới hoạt động văn hóa, nghệ thuật đang đặt ra với khu vực phố đi bộ hồ Gươm. Có rất nhiều gợi ý từ chính cảnh quan không gian, dòng chảy thời gian ở nơi này, cùng vốn liếng văn hóa, nghệ thuật phong phú của Thủ đô, của đất nước. Các nhà quản lý và tổ chức cần lưu tâm, nghiên cứu tạo dựng để làm mới hơn những món ăn tinh thần cho công chúng.

Không gian phố đi bộ hồ Gươm cần những điều chỉnh, thay đổi về nội dung, hình thức thể hiện.
Không gian phố đi bộ hồ Gươm cần những điều chỉnh, thay đổi về nội dung, hình thức thể hiện.

Nếp mới cho sinh hoạt văn nghệ, du lịch

Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch diễn ra trên phố đi bộ sau hai năm nhìn lại, được đánh giá tốt từ phía nhà quản lý. Người dân cũng đến khu vực này thường xuyên vào dịp cuối tuần để vui chơi, đi dạo, hưởng không khí bình yên, thong thả trên vỉa hè, đường phố và hòa mình vào không gian văn nghệ.

Góp vui, làm nên không khí khác hẳn trong tuần của hồ Gươm cuối tuần, có thể kể đến các chương trình ca hát nhạc cổ truyền tại tượng đài vua Lê Thái Tổ, diễn tấu nhạc tiền chiến, nhạc cách mạng, nhạc trẻ... Cùng với đó, các điểm diễn nhạc mới, mang phong cách hiện đại hơn phân bố về phía trước Trung tâm văn hóa hồ Gươm và Nhà hát múa rối Thăng Long… Thi thoảng lại có chương trình biểu diễn trên sân khấu tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, ngã tư Hàng Khay - Bà Triệu… Ngoài ra, quanh hồ cũng có nhiều hoạt động, dịch vụ văn hóa nho nhỏ khác như vẽ chân dung, bán quà lưu niệm, dịch vụ ăn nhanh… cùng các hoạt động tổ chức trò chơi, khiêu vũ trên phố Đinh Tiên Hoàng.

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch phố đi bộ hồ Gươm vào cuối tuần đã dần dần thành nếp và chứng minh chủ trương đúng đắn của thành phố trong việc tạo thêm điều kiện, không gian, thời gian cho người dân vui chơi, thư giãn, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần.

… đang quen thuộc, lặp lại

Nhưng phải chăng tính chất, cách thức tổ chức các chương trình, hoạt động trên đang có xu hướng ổn định quá đến mức quen thuộc, lặp lại và không khỏi có những bất cập? Phổ biến lâu nay vẫn là các vị trí tổ chức hoạt động văn nghệ gần như cố định. Nội dung trình diễn chủ yếu vẫn là chương trình âm nhạc “đến hẹn lại lên”. Thậm chí, các tiết mục diễn đi diễn lại với tần suất âm thanh quá lớn, có khi “chọi nhau” giữa điểm diễn, gây ồn ào và chất lượng nghệ thuật còn hạn chế.

Bên cạnh đó, dễ nhận thấy, yếu tố mỹ thuật đang thiếu được chăm sóc trong khu vực phố đi bộ. Thiếu những thay đổi, phá cách trong cách trang trí, bài trí. Thiếu sự tham dự vào không gian này của các tác phẩm điêu khắc ngoài trời hay sự phối hợp, vận dụng thiết bị kỹ thuật nhằm tạo nên hiệu ứng ánh sáng, màu sắc gây ấn tượng trong khu vực. Nhìn chung, còn đang thiếu ý tưởng thay đổi từ nội dung chương trình đến hình thức và cách thiết kế, xây dựng hình ảnh sao cho mới hơn, khác hơn những gì công chúng, du khách và chính những bộ phận tham gia tổ chức, duy trì phố đi bộ đã được thấy, được nghe, cảm nhận bấy lâu nay.

Làm gì mới cho phố đi bộ hồ Gươm? ảnh 1

Yếu tố văn hóa, lịch sử trong khu vực chính là gợi ý hay để xây dựng nhiều sự kiện mới.

Sự thay đổi, sáng tạo là rất cần thiết, đặc biệt với không gian tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch. Cái mới lạ được tạo nên một cách phù hợp với không gian, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa trong khu vực sẽ thu hút người xem, đáp ứng nhu cầu thưởng thức những “món ăn” nghệ thuật mới, tăng thêm sự hào hứng, phấn khích và vun đắp thêm tình cảm khi khán giả được sống trong không gian văn hóa, lịch sử, nghệ thuật hồ Gươm. Và để thực hiện, có lẽ không riêng cơ quan quản lý văn hóa hay du lịch Hà Nội có thể lo toan được hết, mà cần có sự tham gia, tư vấn, xây dựng ý tưởng của các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn, tạo hình; các chuyên gia, nhà thiết kế âm thanh, ánh sáng; các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, mỹ thuật… để cùng cộng hưởng chất xám, ý tưởng nhằm tạo nên các tiết mục, hình ảnh, âm thanh mới mẻ, hấp dẫn hơn.

Sáng tạo từ không gian, thời gian và kho tàng dân tộc

Chung quanh khu vực hồ Gươm có những mặt đứng lớn là mặt tiền các tòa nhà, rất thuận lợi để “trình diễn hình ảnh”. Có thể nghiên cứu chiếu lên đây hệ thống hoa văn cổ truyền, hình ảnh các di vật, bảo vật giàu giá trị mỹ thuật, di tích, danh thắng cùng vẻ đẹp cảnh quan khắp các vùng của Hà Nội, hay tác phẩm tranh, ảnh hiện đại, tranh thiếu nhi… Những vẻ đẹp màu sắc, dáng nét, không khí của Thủ đô, đất nước được phóng chiếu, di chuyển trong sự hài hòa của âm nhạc, chắc chắn sẽ gây ấn tượng cho người đi bộ trong khu vực.

Về phần âm nhạc, âm thanh, tại nhiều điểm diễn, rất nên điều chỉnh để âm lượng được phát đi ở mức vừa phải, đủ nghe trong phạm vi mỗi chương trình, tránh gây ồn quá mức, ảnh hưởng đến các khu vực chung quanh. Cần thay đổi, bổ sung thêm tiết mục trình tấu, ca hát để “kịch mục” đa dạng hơn. Đặc biệt, nên có sự gia giảm về tần suất để không nhất thiết dịp cuối tuần nào, ở một khu vực cố định nào đó cũng “phải” có biểu diễn nghệ thuật. Mà có thể “quay vòng” giữa các nhóm, các cá nhân nghệ sĩ. Cũng như, có những dịp cuối tuần sôi động với các nghệ sĩ, nhưng cũng nên xen vào là những dịp, những ngày không biểu diễn, chỉ phát thanh các tác phẩm âm nhạc đặc sắc của Việt Nam hoặc nhạc cổ điển thế giới nhẹ nhàng, tạo không khí thư thái cho công chúng, du khách.

Chính “sân khấu mặt nước” hồ Gươm lâu nay cũng gần như “để không”, chưa được tận dụng. Chưa vội nghĩ đến những sân khấu quy mô được lắp ráp, dàn dựng ở đây. Điều này ngoài những đòi hỏi thực tế về điều kiện vật chất, còn liên quan đến những lựa chọn phù hợp các giá trị tinh thần thiêng liêng trong không gian hồ Gươm. Nhưng có lẽ không khó để tổ chức các chương trình nghệ thuật nhẹ nhàng, vừa phải.

Đương nhiên, khi thực hiện các chương trình, tiết mục có tính chất điểm nhấn, phải có sự gia giảm, bớt đi những hình thức thể hiện khác ở các khu vực chung quanh. Cũng như nghiên cứu nâng cao hơn tính liên thông, hài hòa giữa các điểm biểu diễn, các loại hình nghệ thuật mới - cũ, cổ truyền - hiện đại được thể hiện. Điều này đòi hỏi cái tài của nhà tổ chức, nghệ sĩ trong việc điều phối chương trình, xây dựng chuyên đề nghệ thuật khác nhau để vừa nối tiếp hoạt động quanh năm, vừa có sự thay đổi, điều chỉnh theo thời gian từng quý, từng tháng hay từng mùa.

Làm gì mới cho phố đi bộ hồ Gươm? ảnh 2

Nhiều chương trình, hình thức biểu diễn cần đổi mới, bổ sung để tăng tính hấp dẫn.

Tóm lại, hoạt động văn hóa, du lịch trên phố đi bộ hồ Gươm khi được triển khai đã có cả một không gian thiên nhiên, cảnh quan văn hóa, kiến trúc sinh động để khai thác, thể nghiệm, thể hiện. Cùng đó là sự biến chuyển, đổi thay của thời tiết, khí hậu, cũng tạo thêm nhiều cái “cớ” cho sự sáng tạo và thăng hoa của nghệ thuật đường phố, hoạt động văn nghệ trong không gian công cộng. Trong sự phong phú, đa dạng và linh động đó, nếu hình thức thể hiện của các chương trình, tiết mục theo lối một màu, lâu thay đổi, chậm sáng tạo, thì cả không gian sẽ trở nên quá quen thuộc, nhàm chán, giảm sức hút với công chúng, du khách.

Tận dụng cảnh quan, bám theo nhịp chuyển động của thời gian, theo những sự kiện lớn của đất nước, những vận động văn hóa, du lịch nổi bật của đất nước, khai thác nhiều hơn vào kho tàng văn hóa nghệ thuật, di sản của Thủ đô, của đất nước xưa và nay, và tận dụng thế mạnh của kỹ thuật, công nghệ… từ đó, để có những cách sáng tạo và thể hiện chương trình, tiết mục mới mẻ, hình thức sinh động phục vụ người dân, du khách. Đó là hướng đi rất cần thiết với không gian đi bộ hồ Gươm hiện nay.