Lai Châu trong hành trình giữ gìn bản sắc

NDO -

 Mỗi lần lên với Lai Châu đều mang đến cho chúng tôi những trải nghiệm, cảm xúc mới mẻ. Là một tỉnh nghèo nhất nước, giao thông đi lại còn khó khăn, nhưng những năm gần đây, tỉnh Lai Châu được biết đến như một điểm đến du lịch hấp dẫn của miền Tây Bắc bởi cảnh quan hùng vĩ, nguyên sơ và nền văn hóa đậm đà bản sắc của cộng đồng 22 dân tộc anh em sinh sống.

Chợ phiên ở xã Xi Lở Lầu, huyên Phong Thổ là nơi tụ họp giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chợ phiên ở xã Xi Lở Lầu, huyên Phong Thổ là nơi tụ họp giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 Sức hút từ văn hóa

 Một anh bạn Hà Nội mới dẫn một nhóm du lịch "phượt" đi Lai Châu trở về hồ hởi khoe với tôi: "Xem và được mọi người giới thiệu qua các diễn đàn và mạng xã hội trên in-tơ-nét mãi rồi mới quyết đi, nhưng  vượt cả nghìn cây số cũng thấy đáng cậu ạ. Thật tuyệt vời, cảnh đẹp mà độc đáo nhất là được tiếp cận, tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Tôi ở bản Mông một đêm với bà con dân tộc, ra về họ còn tặng mình một cái khèn làm kỷ niệm". Nghe chuyện, tôi cũng mừng thầm, thế là du lịch Lai Châu đã bắt đầu được "dân phượt" biết đến nhiều và sự chia sẻ của họ trên các diễn đàn du lịch chính là sự quảng bá hiệu quả nhất đến với các du khách trong nước và ngoài nước. Còn nhớ nhiều năm về trước, một người bạn của tôi lần đầu về Hà Nội, khi giới thiệu mình ở Lai Châu, vẫn còn quá ít người biết đến cái tỉnh mới chia tách từ Ðiện Biên. Nhiều người chỉ biết, đó là nơi cực xa của miền Tây Bắc, cùng lắm thì biết thêm là nơi có ngã ba biên giới "một con gà gáy, ba nước cùng nghe" và đường đi rất gian truân, cuộc sống của người dân còn cực khổ, vất vả... Ngày nay, sự đầu tư của Nhà nước đã mang lại những thay đổi mới về cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại đã có phần thuận tiện hơn. Ðồng thời qua thông tin trên báo chí, in-tơ-nét, mọi người và du khách đã biết đến Lai Châu còn là một vùng đất chứa đựng biết bao di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá. Bên cạnh các tiềm năng như cảnh quan độc đáo, hùng vĩ, các di sản văn hóa nêu trên chính là nguồn tài nguyên nhân văn hấp dẫn nhất giúp du lịch Lai Châu phát triển. Ðó là sắc mầu thổ cẩm trên váy các cô gái Mông, Hà Nhì ngày xuống chợ phiên, là hình ảnh những bà mẹ, những người chị dân tộc Lự dạy con, cháu thêu tấm áo, chiếc khăn chất chứa hồn dân tộc. Ðó là lời ca, điệu múa của các thiếu nữ Thái duyên dáng hòa vào tiếng khèn trầm bổng vượt núi băng ngàn của các chàng trai người Dao, người Khơ Mú mỗi độ xuân về. Và những lễ hội như mừng cơm mới, Then Pin Pang, Grâu Taox, Kin Khẩu Lẩu Mẩu, lễ Cấp sắc cứ đến tháng, đến năm lại diễn ra trong tiếng sáo, tiếng trống rộn rã thúc giục mọi người ở bản xa, bản gần đến chung vui. Lễ hội truyền thống ở Lai Châu không cầu kỳ, phức tạp, thường do bản làng tự đứng ra tổ chức, người dân đóng góp lễ vật, chủ lễ là những người già có uy tín, thông thuộc nhiều văn chương truyền miệng. Không chỉ có vậy, một điều đặc biệt đáng quý nữa ở không gian văn hóa, du lịch Lai Châu còn nguyên bản, hầu như chưa bị thương mại hóa. Người vùng cao vừa quý người, vừa thật thà, chân chất. Tham dự một buổi chợ phiên hay đến thăm một bản dân tộc thiểu số, người ta có thể mua được những món đồ thủ công mỹ nghệ, đặc sản núi rừng với giá rất hợp lý. Chưa kể nhiều khi chủ và khách tâm đầu ý hợp, họ sẵn sàng mời khách về nhà mình ăn bữa cơm, uống chén rượu tâm tình.

 Lần lên với Lai Châu gần đây nhất, đến bản Seo Hai (xã Kan Hồ, huyện Mường Tè), chúng tôi được giới thiệu ông Hù Chà Khao, người nổi tiếng với tài đàn, sáo trong cộng đồng dân tộc Si La nơi đây. Người nghệ nhân phấn khởi chỉ cho chúng tôi xem bộ sáo dài, sáo ngắn, đàn ba dây do ông tự tay làm, trong đôi mắt sáng ngời luôn ánh lên niềm vui và tự hào khi nói về những làn điệu truyền thống của dân tộc. Ðêm xuống trên núi cao, trong cái không khí mờ sương và se lạnh, giữa núi rừng xanh thẫm, mọi người tụ tập bên ánh lửa bập bùng nghe ông thổi sáo cho các cô gái của đội văn nghệ bản cất lên tiếng hát ngọt ngào, da diết. Giọng ca có lúc vang vọng như lời kêu gọi, thúc giục dân bản cùng lên nương, xuống suối vào ngày lao động, có lúc lại thủ thỉ, dịu dàng như lời tâm sự, tỏ tình của đôi lứa... Ðược nghe giải thích, chúng tôi thấy rằng nhiều lời ca rất có ý nghĩa và giàu tính nhân văn, đó cũng là truyền thống tốt đẹp nhiều đời mà người xưa muốn nhắn nhủ tới các thế hệ sau này. Anh Lê Minh Cừ, một thành viên dự án "Nghiên cứu bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca Si La" của Bảo tàng tỉnh Lai Châu cho biết: "Ðược sự giúp đỡ của hai nghệ nhân là ông Hù Chà Khao và bà Hù Cố Xuân, rất nhiều làn điệu, lời hát của người Si La bao đời nay đã được khôi phục, ghi chép lại. Cùng với các phong tục tập quán, nghi lễ truyền thống khác, nhóm nghiên cứu đang từng bước xây dựng một bộ tư liệu hệ thống và đầy đủ về đời sống văn hóa, tinh thần của bà con Si La cùng với các dân tộc anh em khác".

 Dẫn chúng tôi đi tham quan bản Xéo Sin Chải 2 (xã San Thàng, thị xã Lai Châu) là anh Bùi Phong, một cán bộ văn hóa cơ sở trẻ, nhiệt tình. Tốt nghiệp đại học, có cơ hội việc làm ở dưới xuôi nhưng anh vẫn quyết tâm quay về lập nghiệp ở quê hương, cũng bởi niềm yêu thích với công tác văn hóa văn nghệ và mong muốn được góp phần vào việc giữ gìn và phát triển những nét đẹp văn hóa Tây Bắc. Anh giãi bày muôn vàn khó khăn của ngành văn hóa tỉnh nhà khi nguồn kinh phí hạn hẹp, nhân lực còn thiếu thốn, song bằng tâm huyết cùng với sự tin cậy, giúp đỡ của bà con mà nhiều chương trình khôi phục và phát triển văn hóa đã được thực hiện thành công, từng bước nhân rộng ra các địa bàn. Chẳng hạn như dự án nghề dệt thổ cẩm của người Lự ở Pa Pe (Tam Ðường), bản văn hóa du lịch Vàng Pheo (Phong Thổ)... Hiện, anh và các đồng nghiệp đang phối hợp cùng chính quyền xã, bản để động viên và hỗ trợ duy trì hoạt động của đội kèn Pí Kẻo ở bản Xéo Sin Chải 2. Ðối với nhiều người Pú Nả, kèn Pí Kẻo không chỉ là một loại hình diễn xướng độc đáo cha ông để lại, nó còn là một nét đặc trưng không thể thiếu trong tâm thức và trong sinh hoạt hằng ngày. Ðội kèn tuy chưa đến 10 người, ai nấy đều bận rộn với công việc nương rẫy, chăn nuôi nhưng mỗi dịp lễ, Tết, cưới hỏi, ngày mùa, họ đều cố gắng tập trung để phục vụ bà con trong bản. Người thổi kèn đồng, người đánh trống, người lắc chuông, người gõ mai rùa... tạo nên những âm thanh réo rắt, sôi nổi.

 Do điều kiện về thời gian, thời tiết, chúng tôi chưa thực hiện được hành trình xuôi vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La để chiêm ngưỡng vẻ đẹp nơi thượng nguồn con sông Ðà. Nhưng nghe anh chị em phóng viên Báo Lai Châu chia sẻ thì tỉnh cũng đang có chủ trương thiết lập và phát triển tuyến du lịch đường thủy mới nơi đây bởi cảnh quan tự nhiên hết sức đặc sắc, có núi cao, có hồ rộng, rừng già xanh ngát, thủy sản phong phú. Ở các khu di dân tái định cư, song song với đời sống kinh tế thì văn hóa tinh thần của bà con cũng được quan tâm, khuyến khích duy trì những nếp sinh hoạt cũ tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Tấm bia đá lịch sử mà Lê Lợi khắc năm nào trên vách đá ven sông Ðà nay cũng đã được di chuyển khỏi vùng ngập nước về trung tâm thị xã Lai Châu, được bảo quản, tôn tạo, trở thành một điểm đến văn hóa của đông đảo nhân dân tỉnh Lai Châu cũng như bạn bè trong nước và quốc tế.  

 Gian truân giữ gìn bản sắc

 Lai Châu trong hành trình giữ gìn bản sắc ảnh 1

Phụ nữ Dao đỏ ở Phong Thổ (Lai Châu) sản xuất thổ cẩm truyền thống.

 Có một thực trạng không chỉ riêng tỉnh Lai Châu hay vùng Tây Bắc mà mọi vùng, miền, mọi nền văn hóa dân tộc ít người đều gặp phải. Ðó là sự mai một do những ảnh hưởng, giao lưu trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Ðã có nhiều cảnh báo về những pha trộn, lai tạp, phần nào làm phai mờ hoặc biến mất nhiều nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số. Nhiều loại phục trang, thiết bị công nghệ, nhiều hình thức giải trí, dịch vụ dần có mặt ở các trung tâm kinh tế văn hóa địa phương, hay thậm chí là nhiều vùng sâu, vùng xa. Xu thế đó mang lại những tiện ích nhất định, song cũng đặt ra bài toán về việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc sao cho phù hợp nhịp sống hôm nay. Ở Lai Châu, theo như quan sát của chúng tôi, nhiều phụ nữ Mông, Hà Nhì, Dao, Lự... trong ngày chợ phiên, lễ hội lại mặc những trang phục kiểu "nửa nọ nửa kia", hoặc mặc đồ mua sẵn của Trung Quốc thay vì trang phục truyền thống được làm thủ công. Chị Vàng Thị Chư, người Mông ở Sùng Phài, nói: "Ngày xưa người Mông trồng nhiều lanh để lấy sợi dệt vải, làm quần áo, chứ giờ không còn nữa rồi. Trồng lanh, tước sợi, se chỉ, khâu váy, nhuộm váy... có khi phải mất một năm mới xong. Giờ mua váy ở chợ rồi về khâu thêm ít hoa văn cho đẹp thôi, nhanh lắm". Có lẽ, cần phải có thêm nhiều hơn nữa những chính sách, đề án, bằng những hình thức khác nhau để giúp người dân vừa thêm hiểu biết coi trọng văn hóa dân tộc mình, vừa chung tay góp phần gìn giữ nó thật tốt.

 Ðáng mừng là tuy có nhiều khó khăn, hạn chế, song ở đất Lai Châu vẫn còn rất nhiều những con người yêu mến nền văn hóa đa sắc và gắng hết sức mình để giữ gìn, phổ biến những gì mình biết. Ðó là ông Nông Văn Nhay, một nghệ nhân đàn tính ở Phong Thổ ngày đêm sưu tập thêm những bài đàn, điệu hát then từ những người cao tuổi để làm phong phú, đa dạng tiếng đàn của dân tộc mình hơn. Là ông Tẩn Kim Phu ở Sìn Hồ, người ghi chép lại truyện cổ tích của dân tộc Dao, chữ viết riêng của dân tộc (chữ Nôm Dao) để con cháu đừng quên cội nguồn. Là ông Lò Văn Chiến ở xã San Thàng, thị xã Lai Châu với những cuốn sách dày dặn viết về các tục lệ, bài hát dân ca trong đám cưới, đám tang người Pú Nả (một nhánh của dân tộc Giáy). Ðó là nhạc sĩ Vương Khon, người đã và đang viết nên hàng trăm bài hát ca ngợi, lưu truyền văn hóa Tây Bắc; là nhà văn, nhà thơ Ðỗ Thị Tấc cùng nhiều hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lai Châu đầy tâm huyết với công việc sáng tác và sưu tầm dựa trên chất liệu văn hóa dân gian...

 Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu Nguyễn Quốc Huân cho biết: "Từ năm 2004 đến năm 2013, tổng ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hóa của tỉnh đạt 260,4 tỷ đồng. Sau chín năm thành lập, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được một nhà văn hóa cấp tỉnh (Trung tâm Hội nghị - Văn hóa), bảy nhà văn hóa cấp huyện, hơn 368 nhà văn hóa xã, thôn, bản; một sân vận động cấp tỉnh, năm sân vận động cấp huyện và 73 nhà tập luyện, 40 sân thể thao các loại; một thư viện cấp tỉnh, năm thư viện cấp huyện và hàng trăm thư viện, tủ sách cơ sở, đơn vị. Các thiết chế văn hóa được đầu tư trang thiết bị, đồng thời cũng chú trọng nghiên cứu sao cho phù hợp với đặc thù từng địa phương. Hằng năm, tỉnh đều tạo điều kiện tổ chức các lễ hội dân gian, triển lãm, hội chợ để bà con có dịp phô diễn những tinh hoa của dân tộc mình, đồng thời giao lưu học hỏi lẫn nhau".

 Chia tay xứ sở núi cao, mây mù Tây Bắc trở về thành phố, tôi chợt nhớ câu thơ: "Trái tim đập không một ai nhìn thấy/ ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu". Lai Châu hôm nay đã chuyển mình, đã được "nhìn thấy", song vẫn còn vẹn nguyên đó vẻ đẹp dung dị, bình yên và độc đáo. Tất cả tạo thành bức tranh đa sắc mầu, dệt thêu lên vùng đất huyền thoại nơi địa đầu Tổ quốc, khiến người ở luôn một lòng mến yêu, khiến người đi quyến luyến nhịp chân khi rời gót.