Lai Châu quan tâm phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số

Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, thành lập Ban Chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, tập trung lãnh đạo các cấp ủy chú trọng tạo nguồn, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số (DTTS). Các chi bộ phân công đảng viên có kinh nghiệm, uy tín để giúp đỡ quần chúng ưu tú trong quá trình phấn đấu, rèn luyện.

Học sinh Trường THCS Chu Văn An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) trong giờ học. Ảnh: A. SÁNG
Học sinh Trường THCS Chu Văn An, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) trong giờ học. Ảnh: A. SÁNG

Các chi ủy thôn, bản lãnh đạo các tổ chức đoàn thể thực hiện các phong trào thi đua, qua đó phát hiện, lập danh sách những đoàn viên, hội viên tiêu biểu, quần chúng ưu tú để có hướng rèn luyện, bồi dưỡng phù hợp. Đối với các chi bộ thôn, bản có ít đảng viên là người DTTS tại chỗ, cấp ủy điều động đảng viên ở những nơi có đông đảng viên đến sinh hoạt để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qua đó, bồi dưỡng quần chúng, tạo nguồn kết nạp đảng viên.

Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp được 4.167 đảng viên là người DTTS. Trong đó, có nhiều đảng viên là đồng bào DTTS rất ít người, chỉ có ở Lai Châu, như dân tộc La Hủ (có 92 đồng chí), dân tộc Mảng (38 đồng chí), dân tộc Cống (33 đồng chí), dân tộc Si La (20 đồng chí). Đến nay 100% thôn, bản, trường học, trạm y tế của tỉnh đã có chi bộ độc lập. Đa số đảng viên mới đều phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều đồng chí được tham gia cấp ủy ở cơ sở; đứng đầu các đoàn thể chính trị - xã hội, làm bí thư chi bộ; trưởng bản.

* Bình Dương triển khai nhiều giải pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Tỉnh Bình Dương hiện có gần 424.000 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 21,1% dân số toàn tỉnh). Trong đó, trẻ em dưới sáu tuổi là hơn 163.000. Nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ nay đến năm 2020, tỉnh tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao hiệu quả hoạt động và điều hành của các ban chỉ đạo, ban điều hành trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bố trí đủ nhân lực, kinh phí và các điều kiện cần thiết; đưa các mục tiêu bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm và hằng năm của địa phương.

Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền trẻ em; huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức xã hội, doanh nghiệp cho việc thực hiện chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ... Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dưới mức 4%/ tổng số trẻ em dưới 16 tuổi; bảo đảm có hơn 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội phát triển.