Bếp ăn mẫu bán trú cho học sinh tiểu học

Việc bảo đảm bữa ăn đủ dinh dưỡng hằng ngày cho học sinh cấp tiểu học có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ. Chăm lo thể chất cho học sinh bậc tiểu học mang lại nhiều lợi ích đối với mỗi học sinh, cha mẹ học sinh và nhà trường.
0:00 / 0:00
0:00
Khu vực chế biến thực phẩm một chiều tại Bếp ăn mẫu Trường tiểu học Ngô Gia Tự, TP Ðà Nẵng.
Khu vực chế biến thực phẩm một chiều tại Bếp ăn mẫu Trường tiểu học Ngô Gia Tự, TP Ðà Nẵng.

Giúp học sinh phát triển toàn diện

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam hiện vẫn đang phải đương đầu với gánh nặng kép về dinh dưỡng, tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là suy dinh dưỡng thể thấp còi còn phổ biến ở trẻ em khu vực nông thôn. Trong khi đó, tình trạng thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng ở người lớn và trẻ em thành phố. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn phổ biến ở cả trẻ em khu vực nông thôn và thành phố.

Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em thông qua bữa ăn học đường hợp lý là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và Ðề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Tuy vậy, các trường tiểu học bán trú còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức bữa ăn do còn hạn chế về kiến thức dinh dưỡng, thiếu kinh nghiệm xây dựng thực đơn sao cho vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, vừa phù hợp chi phí thu hằng tháng.

Năm 2017, Bộ Giáo dục và Ðào tạo ban hành quyết định triển khai dự án Bữa ăn học đường tại tất cả các trường tiểu học bán trú trên toàn quốc. Ðến nay, đã có 62 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai dự án, với hơn 4.200 trường tiểu học bán trú đang áp dụng các thực đơn cân bằng dinh dưỡng từ phần mềm và tài liệu giáo dục dinh dưỡng thuộc chương trình “3 phút thay đổi nhận thức” với khoảng 1,4 triệu học sinh đang được hưởng những lợi ích mà dự án mang lại.

Ðồng hành cùng chương trình, từ tháng 3/2017, Công ty Ajinomoto Việt Nam phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo triển khai phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” tại các trường tiểu học trên toàn quốc, dành cho ban lãnh đạo, các cán bộ phụ trách bán trú cho học sinh. Bố trí nhân viên đến từng trường để trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn việc sử dụng phần mềm, cách sử dụng áp-phích và các đoạn phim ngắn “3 phút thay đổi nhận thức” để hướng dẫn cho các em học sinh, tư vấn nâng cao hiệu suất lao động tại bếp ăn. Ðến nay, dự án Bữa ăn học đường tiếp tục được nhân rộng ra các thành phố lớn như Ðà Nẵng, Hải Phòng cùng với sự phối hợp tích cực của sở giáo dục và đào tạo tại các địa phương.

Bếp ăn mẫu bán trú

Bếp ăn mẫu bán trú tại Trường tiểu học Ngô Gia Tự (quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng) vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng thuộc dự án Bữa ăn học đường, được xây dựng với tổng kinh phí hơn 2 tỷ 29 triệu đồng; trong đó, có 1 tỷ 634 triệu đồng từ vốn viện trợ của Ðại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, 297 triệu đồng từ vốn đối ứng ngân sách quận Sơn Trà và 98 triệu đồng được nhà trường huy động từ tổ chức, cá nhân khác. Ðây là bếp ăn mẫu bán trú thứ 4 tại Việt Nam và là bếp ăn mẫu bán trú cho học sinh tiểu học đầu tiên tại khu vực miền trung.

Bếp được xây dựng chuẩn Nhật Bản, tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc về an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao hiệu suất hoạt động của bếp ăn. Ðược vận hành theo quy tắc một chiều từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến khâu chế biến thành phẩm và vệ sinh sau bữa ăn. Thiết kế bếp phân chia theo từng khu vực riêng biệt như khu tiếp nhận nguyên liệu, sơ chế, chế biến, vệ sinh... với quy định trang phục khác nhau ở từng khu vực và dụng cụ làm việc được đánh dấu theo màu sắc.

Toàn bộ quy trình nấu ăn được quản lý chặt chẽ, bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo khi vi khuẩn có hại xâm nhập vào thực phẩm. Trang bị các thiết bị, dụng cụ cần thiết, hiện đại, giúp giảm nhiều thao tác nặng trong công việc cũng như tiết kiệm thời gian cho nhân viên cấp dưỡng trong quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm và xây dựng tách biệt với nhà vệ sinh và các nguồn ô nhiễm khác.

Đến nay tại Ðà Nẵng có 96 trường tiểu học có tổ chức bán trú từ sự hỗ trợ của dự án Bữa ăn học đường. Từ việc giáo dục kiến thức dinh dưỡng thực phẩm cho học sinh, các trường từng bước áp dụng các thực đơn cân bằng dinh dưỡng có trong phần mềm vào bữa ăn bán trú của học sinh từ một đến hai buổi trong tất cả các ngày trong tuần.

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo thành phố Ðà Nẵng, Lê Thị Bích Thuận

Mô hình Bếp ăn mẫu bán trú tại Trường tiểu học Ngô Gia Tự được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhà trường thực hiện tốt công tác bán trú, mang lại những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, đa dạng và ngon miệng cho học sinh. Ðây cũng là mô hình tạo điều kiện để các trường tiểu học, các tổ chức giáo dục tại Ðà Nẵng và khu vực miền trung có thể đến tham quan, học tập và áp dụng, nhân rộng mô hình, góp phần hiện thực hóa Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu là tỷ lệ các trường có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng, hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt hơn 60% ở khu vực thành thị, 40% ở khu vực nông thôn vào năm 2025 và phấn đấu đạt từ 80-90% vào năm 2030.

Ông Tsutomu Nara, Tổng Giám đốc Ajinomoto Việt Nam đánh giá: Với mục đích tồn tại là góp phần mang đến sức khỏe và hạnh phúc cho người dân Việt Nam thông qua việc cung cấp những sản phẩm chất lượng và sáng kiến có giá trị, chúng tôi đã và đang phối hợp triển khai nhiều sáng kiến có giá trị trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe, được xã hội ghi nhận qua những đóng góp ý nghĩa, thiết thực, nhất là dự án Bữa ăn học đường.