Trong suốt giai đoạn phát triển thời gian qua, Quốc hội đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho phát triển kinh tế, sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Điểm lại các dấu mốc lớn sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp đều gắn với sự ra đời các đạo luật quan trọng.
Chẳng hạn như sự ra đời của Luật Doanh nghiệp 1999 tạo ra bước đột phá trong phát triển doanh nghiệp tư nhân. Sự ra đời của Luật Đầu tư 2005 cùng các văn bản hướng dẫn tạo ra sự bùng nổ hoạt động đầu tư khi phân cấp quyền cấp phép các dự án đầu tư về cho chính quyền địa phương…
Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn chưa có tiền lệ, Quốc hội đã vào cuộc rất quyết liệt. Điển hình như Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp vừa rồi đã thông qua gói 38 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Việc thông qua Nghị quyết 03/2021/NQ/UBTVQH15 ngày 24/9/202 trong thời gian ngắn kỷ lục.
Tạo lập khung khổ pháp lý thuận lợi, tin cậy
Các thảo luận về pháp luật của Quốc hội thực sự cởi mở có chất lượng cao. Qua mấy lần tôi dự họp các cuộc họp thảo luận về các đạo luật cảm nhận rất rõ một không khí mới rất tích cực. Trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp tôi thấy sự kỳ vọng rất lớn vào Quốc hội lần này. Kỳ vọng vào một nhiệm kỳ khởi sắc.
Vai trò của Quốc hội trong thời gian tới càng đặc biệt quan trọng, đặc biệt là việc tạo ra một khung khổ pháp lý thuận lợi, chắc chắn và tin cậy đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Giải quyết được nhiều vấn đề lớn đang đặt ra với hệ thống pháp luật hiện tại.
Vấn đề thứ nhất là tình trạng chồng chéo, xung đột pháp luật. Đây đang là một vấn đề lớn với doanh nghiệp, nhà đầu tư và với cả các cơ quan chính quyền địa phương. Nó tạo ra chi phí về thời gian, về thủ tục, tạo ra rủi ro trong thực hiện.
Hệ thống pháp luật hiện có rất nhiều luật cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thường khó phân định việc cần phải tuân thủ luật nào, áp dụng pháp luật tại thời điểm nào, thủ tục nào thực hiện trước, thủ tục nào thực hiện sau, cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền. Thực tế doanh nghiệp thường phải thực hiện thủ tục lòng vòng, lấy ý kiến rất nhiều các cơ quan nhà nước, thường tự phải thúc đẩy trước khi có quyết định. Doanh nghiệp phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ, chi phí cho các thủ tục, cho thuế, phí, nghĩa vụ tài chính cho hoạt động đầu tư kinh doanh quá lớn.
Ví dụ một dự án đầu tư có sử dụng đất, để được đưa vào hoạt động hiện thường điều chỉnh bởi rất nhiều luật như Luật Đầu tư, nếu liên quan đến vốn ngân sách Nhà nước thì có Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (một phần vốn đầu tư công), Luật Doanh nghiệp (về pháp nhân và tổ chức hoạt động), Luật Đấu thầu (lựa chọn chủ đầu tư), Luật Đất đai (việc sử dụng các loại đất vào sản xuất kinh doanh)… và nhiều luật chuyên ngành khác nữa.
Dưới mỗi luật có hàng loạt nghị định và thông tư hướng dẫn, rất phức tạp, hay thay đổi. Chỉ cần một điểm vướng là cả dự án có thể phải tắc, nên rủi ro lớn. VCCI từng có báo cáo rà soát sơ bộ ban đầu cuối năm 2019 có tới 25 điểm chồng chéo giữa các luật. Luật Đầu tư 2020 và Luật Xây dựng 2020 đã giải quyết được rất nhiều các điểm chồng chéo đó, nhưng hiện tại vẫn còn khá lớn.
Chú trọng các mô hình kinh doanh mới
Vấn đề thứ hai là thực hiện nghĩa vụ tài chính, hiện nay ngoài thuế, doanh nghiệp phải đóng nộp rất nhiều nghĩa vụ tài chính với mức rất cao. Hiện tại ngoài các luật thuế như luật thuế về thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, xuất nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, doanh nghiệp phải nộp tiền sử dụng đất (luật đất đai), tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (luật khoáng sản), tiền ký quỹ đầu tư (luật đầu tư), đóng góp vào các quỹ bắt buộc (luật bảo vệ môi trường, luật kinh doanh bảo hiểm, luật chứng khoán, luật du lịch, luật phòng chống thiên tai... và sắp tới có thể Luật Điện ảnh).
Các luật chuyên ngành quy định nhiều loại phí mà doanh nghiệp nộp. Đáng chú ý là mức nộp phí tại Việt Nam hiện khá cao. Điển hình như tổng mức các khoản phải nộp về lao động như BHXH, BHYT, phí công đoàn tại Việt Nam tính tổng khoảng 34% tổng quỹ lương trong khi các nước trong khu vực thường ở mức dưới 20%.
Vấn đề thứ ba là hệ thống quản lý và đăng ký doanh nghiệp chưa thống nhất, đang tiếp cận phân mảnh. Cùng là doanh nghiệp nhưng có doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp với hệ thống đăng ký kinh doanh riêng, có doanh nghiệp hoạt động theo hệ thống riêng như doanh nghiệp trong lĩnh vực đấu giá, luật sư, bảo hiểm (đang Quốc hội sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm… Thực tế này dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp ngay khi ra đời và trong quá trình hoạt động.
Vấn đề thứ tư là cần có sự đồng bộ trong xây dựng khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới. Một thực tế hiện nay là khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh, những mô hình, cách thức kinh doanh mới ra đời và phát tiển rất mạnh mẽ. Những mô hình này cần một khung khổ pháp lý để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm duy trì quản lý nhà nước, cạnh tranh bình đẳng, nộp thuế…
Tuy nhiên, khung khổ pháp lý áp dụng cho các mô hình này thời gian qua của Việt Nam chưa thống nhất. Chẳng hạn như mô hình kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực vận tải thì GrabCar (ô tô) điều chỉnh bởi pháp luật về giao thông đường bộ, GrabBike (xe máy) thì quy định bởi sàn thương mại điện tử. Mô hình Airbnb, kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực lưu trú, du lịch thì lại bị bỏ qua, chưa chịu sự điều chỉnh nào. Đã có những xung đột giữa taxi truyền thống và xe công nghệ… Hoặc ngành điện ảnh và truyền hình truyền thống bị cạnh tranh dữ dội bởi nền tảng phim trực tuyến như Netflix… Đây là những vấn đề chính sách cần được quan tâm hơn, đặc biệt trong các luật mà Quốc hội sẽ xem xét thông qua thời gian tới như Luật Điện ảnh, Luật Giao thông đường bộ, Luật Du lịch…
Vấn đề thứ năm là một số luật đã trao quyền trực tiếp cho cấp Bộ tự ban hành thủ tục hành chính và đặt ra điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư quá nhiều. Tinh thần này không thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Đầu tư. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Đầu tư thì thông tư cấp bộ không được quy định về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Việc giới hạn về thẩm quyền ban hành các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính để bảo đảm các quy định này được kiểm soát tốt trong quá trình ban hành. Nhưng các luật chuyên ngành thời gian qua lại giao nhiều quyền cho các bộ, khiến cho các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính vẫn ở thông tư rất nhiều.
Quốc hội hiện đang có một chương trình rà soát tổng thể và toàn diện các luật liên quan kinh doanh. Chúng tôi tin tưởng quá trình rà soát sẽ mở rộng sang nhiều nội dung khác quan trọng với doanh nghiệp như thủ tục hành chính, các khoản thuế, phí, quỹ mà doanh nghiệp phải nộp.
Quá trình rà soát sẽ có tham vấn rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp và các đối tượng chịu sự tác động. Quá trình xây dựng pháp luật sẽ tiến hành theo hướng bài bản, minh bạch và chuyên nghiệp.