Năm 2022 đánh dấu khởi đầu của giai đoạn 2 mang tính then chốt của Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia đến năm 2030 (PNDES) của Cuba. Lộ trình của PNDES gồm ba giai đoạn 2019-2021, 2022-2026 và 2027-2030; tập trung chủ yếu vào sáu lĩnh vực chiến lược là du lịch, sản xuất lương thực, xây dựng, ngành năng lượng điện, dịch vụ chuyên môn quốc tế, công nghệ sinh học và dược phẩm. Tuy chưa thể đạt các mục tiêu đề ra trong giai đoạn đầu nhưng nếu kinh tế Cuba đạt mức tăng trưởng tốt trong những năm tới thì niềm tin vào thành công của PNDES là hoàn toàn có cơ sở.
Chính phủ Cuba kỳ vọng, GDP trong năm 2022 sẽ đạt 4%, so mức 2% của năm 2021. Trong phiên họp thường kỳ lần thứ 8 của Quốc hội vào tháng 12/2021, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Alejandro Gil (A.Hin) khẳng định, bất chấp những hoàn cảnh bất lợi, Cuba vẫn kiên định với con đường phát triển đã lựa chọn. Năm 2022, ưu tiên của Chính phủ Cuba là thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường vai trò của đồng peso Cuba là trung tâm của hệ thống tài chính.
Hai nhân tố chính trong tiến trình chuyển đổi mô hình kinh tế Cuba gồm hệ thống quốc doanh và các doanh nghiệp tư nhân. Nhiều hoạt động nhằm củng cố vai trò của doanh nghiệp nhà nước đã được triển khai những năm qua. Trong khi đó, doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân là hình thức mới xuất hiện trong thành phần kinh tế Cuba từ nửa cuối năm 2021. Theo đó, các doanh nghiệp tư nhân vừa, nhỏ và rất nhỏ được quyền tiếp cận các khoản tín dụng và nguồn tài chính, tuy nhiên phải được cấu thành dưới mô hình trách nhiệm hữu hạn. Hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp này được thực hiện thông qua một doanh nghiệp nhà nước.
Cuba chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sản xuất trong nước để giảm phụ thuộc sản phẩm nhập khẩu và tăng cường xuất khẩu nhằm phục hồi kinh tế đất nước. Ðầu tư nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Cuba. Hằng năm, "đảo tự do" ước tính cần hơn 2 tỷ USD từ đầu tư nước ngoài để thúc đẩy sản xuất, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu và thay thế nguồn nhập khẩu. Ngoài ra, Cuba cũng mở rộng danh mục kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng, như Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam, Trung Quốc.
Về xuất khẩu, các mặt hàng chủ lực của Cuba vẫn sẽ là nickel, xì-gà và đường, bên cạnh sự tăng vọt đáng kể về doanh số xuất khẩu dược phẩm sinh học trong bối cảnh nhu cầu vắc-xin ngừa Covid-19 của thế giới vẫn đang ở mức cao. Du lịch, ngành kinh tế chủ lực của Cuba, cũng được kỳ vọng dần khôi phục vị thế vốn có. Dự kiến Cuba đón khoảng 2,5 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2022.
Việc kiểm soát dịch Covid-19 đóng vai trò rất quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để thực hiện các mục tiêu của giai đoạn mới. Năm 2022 còn mang đến kỳ vọng về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế đảo quốc Caribe, dù đất nước vẫn đối mặt không ít thách thức.