Kỳ vọng mới từ vụ lúa hè thu

Năm 2024 là một trong những năm thời tiết khắc nghiệt, nhiều diễn biến bất thường. Với sự chủ động của ngành nông nghiệp, các địa phương nỗ lực hướng dẫn nông dân tuân thủ lịch thời vụ, cho nên đã tránh thiệt hại đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00
Thu hoạch lúa ST25, giống lúa cho gạo ngon nhất thế giới, theo mô hình canh tác xanh tại tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh Nguyễn Phong)
Thu hoạch lúa ST25, giống lúa cho gạo ngon nhất thế giới, theo mô hình canh tác xanh tại tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh Nguyễn Phong)

Các địa phương đang tích cực hưởng ứng Ðề án "Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" do Chính phủ khởi xướng.

Tạo nền tảng vững chắc

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trần Thanh Hiệp thông tin, An Giang đã tham gia Dự án "Chuyển đổi nông nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2022" (Dự án VnSAT) rất hiệu quả. Hiện, có 5/11 đơn vị cấp huyện của tỉnh tham gia dự án này, tuân thủ các chỉ tiêu của kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Các địa phương không tham gia dự án cũng được tỉnh triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tiên tiến và tập huấn cho nông dân nâng cao năng lực sản xuất. Ðến nay, hơn 40% diện tích sản xuất lúa của tỉnh đã đạt một số chỉ tiêu trong các tiêu chí của sản xuất bền vững. Ðây là một trong những tiền đề quan trọng để triển khai Ðề án "Phát triển bền vững một triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (viết tắt là Ðề án) tại An Giang.

Còn theo Tiến sĩ Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, bước đầu, Sóc Trăng sẽ tham gia Ðề án củng cố diện tích 22.330 ha thuộc Dự án VnSAT và các vùng sản xuất đáp ứng tiêu chí của Ðề án đã triển khai. Năm 2024, tỉnh Sóc Trăng triển khai Ðề án tại chín huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh và kéo dài thực hiện đến năm 2030. Năm 2025, dựa trên các tiêu chí đăng ký tham gia Ðề án, tỉnh Sóc Trăng sẽ rà soát diện tích đủ điều kiện để mở rộng đạt 38.500 ha. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh nâng diện tích đủ điều kiện để mở rộng diện tích hướng tới mục tiêu đạt 72.480 ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp trên địa bàn tỉnh vào năm 2030.

Vụ hè thu năm 2024, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thanh niên Phú Hòa (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) triển khai thực hiện quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp với diện tích 50 ha. Hiện, các trà lúa đang trong giai đoạn khoảng 50 ngày tuổi, sinh trưởng tốt.

Giám đốc Hợp tác xã Phú Hòa Nguyễn Văn Huỳnh cho biết: "Chúng tôi có thể biết lượng nước trên đồng ruộng để chủ động lấy, hoặc rút bớt nước dễ dàng. Trước đó, chúng tôi đã lắp đặt các ống cảm biến trên ruộng lúa và cài đặt lên điện thoại. Do đã được tập huấn nhiều lần nên bà con trong hợp tác xã đã nắm bắt quy trình này".

Ðể giảm lượng phát thải khí nhà kính, nông dân của hợp tác xã tuân thủ yêu cầu giảm lượng giống lúa gieo sạ xuống 70 kg/ha, sử dụng giống xác nhận, giảm 20% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 20% lượng nước trong đồng ruộng so với canh tác truyền thống…

Tại xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đã bố trí thí điểm 10 trạm đo giảm phát thải giúp bà con đo đạc, kiểm đếm lượng khí thải phát ra. Trên đồng ruộng của nông dân Hồ Trung Kiên, ngành chuyên môn vừa tổng kết lượng phát thải giảm 40 tấn C02/ha. Dự kiến, tham gia đề án này, năng suất vụ lúa hè thu sẽ tăng từ 20-30%. Vụ trước, năng suất đạt một tấn/công thì nay dự kiến đạt khoảng 1,2 tấn-1,3 tấn/công; lợi nhuận sẽ tăng lên khoảng 10%...

Mục tiêu của Ðề án là nhằm tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Ðích hướng đến là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, thu nhập, đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để triển khai Ðề án đạt chất lượng, hiệu quả, các địa phương vùng Ðồng bằng sông Cửu Long cần quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng hợp tác xã, xem hợp tác xã là chủ lực để liên kết với doanh nghiệp ổn định "đầu vào" và "đầu ra" theo hướng bền vững.

Ðồng thời, củng cố chất lượng tổ Khuyến nông cộng đồng, bởi đây là lực lượng đồng hành hướng dẫn quy trình canh tác, đánh giá tiến độ và hiệu quả của Ðề án. Ngành nông nghiệp sẽ triển khai quy trình kỹ thuật canh tác, phối hợp các tổ chức quốc tế, viện, trường, doanh nghiệp tập huấn, đưa quy trình kỹ thuật đến với nông dân để triển khai Ðề án đạt hiệu quả cao.

Hình thành hệ thống sản xuất mới

Theo kế hoạch thực hiện Ðề án, năm 2024, tỉnh Kiên Giang tham gia 60.000 ha, dự kiến bán tín chỉ carbon khoảng 30.000 ha. Ðến năm 2025, diện tích vùng chuyên canh lúa tham gia Ðề án đạt 100.000 ha, bán tín chỉ carbon khoảng 40.000 ha.

Ðến năm 2030, hình thành 200.000 ha vùng chuyên canh gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh phấn đấu tăng 40% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa hơn 50%, giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống có sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm 20% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn vùng chuyên canh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết, tỉnh đang xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo An Giang đến năm 2030. Tỉnh hướng mục tiêu đến năm 2025 đạt diện tích canh tác 44.051 ha và nhân rộng ở những vùng thuận lợi.

Tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ hơn 50% diện tích; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; hơn 35.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; 70% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm hơn 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Cùng với đó, tăng giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo 30%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt hơn 40%. Ðến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của An Giang phấn đấu đạt 152.198 ha, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt hơn 50%, lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm hơn 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Sóc Trăng là một trong những địa phương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thí điểm thực hiện Ðề án. Tỉnh đang tiếp tục phối hợp nhiều đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công ty, viện, trường triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, những thiết bị phục vụ đo đếm giảm phát thải khí nhà kính, đo đếm mực nước, tiết kiệm phân bón… nhằm cải thiện thu nhập cho người sản xuất.

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao của tỉnh Sóc Trăng đạt 38.500 ha, có 78 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia. Ðến năm 2030, diện tích đạt 72.000 ha với hơn 100 hợp tác xã, tổ chức nông dân tham gia.