Khai thác hiệu quả các nguồn lực
Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Lý Nhân tập trung huy động các nguồn vốn, bao gồm vốn ngân sách, vốn huy động của các tổ chức, đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn khác, từ đó bố trí hiệu quả để đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển bình quân ước đạt 2.955,8 tỷ đồng/năm, vượt 465,8 tỷ đồng/năm so với mục tiêu đề ra.
Công tác quy hoạch và xây dựng được quản lý chặt chẽ; thực hiện tốt công tác thẩm định, cấp phép, quản lý chất lượng và nghiệm thu các công trình xây dựng trên địa bàn. Tổ chức công khai, quản lý chặt chẽ các quy hoạch đã được phê duyệt như: Quy hoạch Đô thị Thái Hà, quy hoạch Khu công nghiệp Thái Hà, quy hoạch Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, quy hoạch Khu tưởng niệm Đức Bản, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung kết hợp phân khu thị trấn Nhân Mỹ, Nhân Hậu... Công tác giải phóng mặt bằng các dự án được thực hiện bảo đảm tiến độ và theo đúng trình tự quy định.
Cũng trong giai đoạn này, huyện Lý Nhân phối hợp các ngành chức năng cấp trên hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp nhiều dự án giao thông lớn như: Dự án cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà; dự án đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án nâng cấp Quốc lộ 38B; dự án nâng cấp đường tỉnh 492,... qua đó tạo diện mạo mới cho huyện Lý Nhân, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2020 - 2025
Huyện đẩy mạnh khai thác các nguồn lực, tập trung bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phối hợp các cấp, các ngành hoàn thiện nhiều dự án.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 8-4-2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến cũng như Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 24-7-2020 Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lý Nhân lần thứ 26, tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp xây dựng hạ tầng đồng bộ, để sớm bàn giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thái Hà, tạo động lực và bước đột phá trong phát triển kinh tế huyện; đồng thời xúc tiến đầu tư mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng theo đúng quy hoạch vùng tỉnh Hà Nam. Định hướng phát triển công nghiệp của huyện Lý Nhân là công nghiệp công nghệ cao hạn chế ô nhiễm môi trường, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Thái Hà giai đoạn 1 tại huyện Lý Nhân được phê duyệt theo Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 15-11-2019 của Thủ tướng Chính phủ có quy mô 100 ha, nằm ở vị trí tiếp giáp giữa ba tỉnh Hà Nam, Thái Bình và Hưng Yên, rất thuận tiện cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa bằng cả đường bộ và đường thủy, hứa hẹn khi khu công nghiệp hoàn thành hạ tầng kỹ thuật sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các nhà máy đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Lý Nhân nói riêng và các huyện trên địa bàn tỉnh nói chung, nhất là người dân khu vực xã Bắc Lý, Chân Lý, Trần Hưng Đạo, giúp tăng nguồn thu ngân sách, tạo diện mạo mới cho những vùng đất nông nghiệp của huyện trở thành vùng sản xuất công nghiệp, thu hút nguồn lao động dôi dư tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tương ứng với tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Khu công nghiệp Thái Hà được định hướng phát triển những ngành nghề công nghiệp sử dụng công nghệ cao, ít gây ô nhiễm môi trường, với các ngành nghề thuộc các lĩnh vực như: Cơ khí chế tạo, lắp ráp, ô-tô, xe máy; điện, điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; công nghiệp phụ trợ, vật liệu mới; chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm, đồ uống, sữa… Bên cạnh đó, vị trí chiến lược quan trọng giúp Hà Nam có ưu thế tốt trong việc giao thương về kinh tế, văn hóa và khoa học - kỹ thuật với các tỉnh lân cận trong đó có Thủ đô Hà Nội và các khu vực phát triển kinh tế đặc thù của miền bắc, miền trung và các khu vực khác trong cả nước và quốc tế.
Sau khi hoàn thành hạ tầng khu công nghiệp sẽ được kết nối với các trục đường giao thông của địa phương tạo thành một hệ thống giao thông đồng bộ, đồng thời khi hạ tầng khu công nghiệp hoàn thành, UBND tỉnh Hà Nam sẽ đầu tư xây dựng một số tuyến đường kết nối Quốc lộ 38B đến đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình để kết nối mạng lưới giao thông đồng bộ giữa các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, tạo động lực thúc đẩy kinh tế từ một huyện chuyên về sản xuất nông nghiệp trở thành huyện có nền kinh tế và nguồn thu từ khu công nghiệp, đồng thời phát triển du lịch tâm linh, thương mại dịch vụ liên vùng và khu vực đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh đó, khu công nghiệp đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dịch vụ kinh doanh tại các địa phương trong huyện, nhất là tại các xã Bắc Lý, Chân Lý, Trần Hưng Đạo, người dân có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, phát triển các dịch vụ ngay tại quê hương để nâng cao đời sống. Thu nhập bình quân đầu người của nhân dân trong vùng sẽ được nâng lên từ các nguồn thu dịch vụ thương mại.