Ngay từ đầu vụ vải 2021, việc tiêu thụ vải đã được yêu cầu không “giải cứu”, dù dịch bệnh khiến tình hình tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Chính quan điểm này cùng những giải pháp xây dựng thương hiệu bài bản, cách xúc tiến tiêu thụ hợp lý đã giúp vải thiều vươn ra thế giới.
Ngay khi lô vải thiều đầu tiên của Việt Nam cập cảng thị trường Australia, trong phiên đấu giá đặc biệt tổ chức tại thành phố Perth thuộc bang Tây Australia, một kg vải tươi Việt Nam “thượng hạng” nhập khẩu được mua với giá lên tới 3.000 AUD (khoảng 53 triệu đồng). Những quả vải đấu giá này được tuyển chọn từ lô hàng 17 tấn vải tươi đầu tiên của vụ mùa 2021 vừa cập bến và phân phối tại bang Tây Australia, địa phương có nền kinh tế mạnh nhất xứ “chuột túi”. Việc đấu giá vải đã trở thành điểm nhấn của hoạt động xúc tiến thương mại vải trong năm nay khi không những là xúc tiến thương mại hiệu quả, mà còn giúp khẳng định giá trị và thương hiệu vải thiều Việt Nam.
“Thực tế, nhờ nỗ lực cải tiến công nghệ và tăng cường khả năng bảo quản, chuyên chở, vải Việt Nam vận chuyển sang Australia vẫn giữ được độ tươi ngon như hàng bán trong nước. Năm nay dự kiến là một năm hứa hẹn đối với vải Việt Nam tại Australia khi lô hàng đầu tiên được tiêu thụ tốt, nhiều lô khác đang chuẩn bị cập bến với giá bán lẻ tương đối cao, dao động từ 230 nghìn đến 270 nghìn đồng cho mỗi kg”, ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia chia sẻ.
Hoạt động của Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia là một trong những hoạt động nổi bật nhằm xây dựng thương hiệu cho trái vải thiều Việt Nam ở thị trường nước ngoài. Đến thời điểm này, dù vụ vải chưa chính thức kết thúc, song hình ảnh trái vải với chất lượng thơm ngon, hình thức đẹp, giá trị cao, được xuất khẩu đến hàng loạt các thị trường khó tính và chinh phục tốt người tiêu dùng đã trở thành hình ảnh định vị thương hiệu cho trái vải thiều Việt Nam. Đây được coi là kỳ tích trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở ngay những vùng trồng vải, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, kết quả này không phải do may mắn mà nhờ quá trình xây dựng thương hiệu cho trái vải thiều đã được triển khai từ hàng chục năm trước đây. Đầu vụ vải 2021, trong chuyến công tác đến với vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang), ấn tượng mà địa phương này mang lại là những vườn vải bạt ngàn bắt đầu sai quả. Song khác với nhiều vùng khác là trồng tự phát, gần đây, người dân Lục Ngạn đã quen với việc canh tác an toàn và đạt chuẩn.
Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, năm 2021, tổng diện tích trồng vải của toàn huyện Lục Ngạn là 15.450 ha, sản lượng ước đạt trên 120.000 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn); thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng 20/5 -20/7/2021. Trong đó, diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP là hơn 12.400 ha (tăng 700 ha so với năm 2020) và theo quy trình GlobalGap khoảng 318 ha.
Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm 90%) và 10% được xuất sang các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Singapore, Australia... Tuy nhiên, việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hiện đại và đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu vừa giúp vải thiều Lục Ngạn nhiều cơ hội xuất khẩu đến các thị trường khó tính, vừa giúp giá trị trái vải thiều tăng lên, đời sống người dân được cải thiện.
Là năm thứ hai tham gia dự án sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất sang thị trường Nhật Bản, bà Nguyễn Thị Hoa (xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn) chia sẻ, dù trồng vải theo các tiêu chuẩn của Nhật Bản đòi hỏi quy trình kỹ thuật, canh tác tỉ mỉ hơn, phải ghi nhật lý bón phân, phun thuốc, tưới nước… nhưng bù lại, gia đình bà không phải lo tình trạng “được mùa mất giá”, lợi nhuận cao hơn bình thường từ 15-25%. “Bây giờ chúng tôi không phải lo đầu ra như trước, vì đã có hợp tác xã và các công ty xuất nhập khẩu vào tiêu thụ hết cho người nông dân”, bà Hoa phấn khởi chia sẻ.
Ở một địa phương có diện tích vải thiều lớn khác là Thanh Hà (Hải Dương), ông Ngô Bá Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết, năm nay, huyện đã xây dựng 34 vùng vải tại 6 xã: Thanh Cường, Thanh Quang, Thanh Hồng, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Xá với diện tích 400ha sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước châu Âu và Nhật Bản, Singapore, Australia. Trên cơ sở đó, ngay từ đầu vụ, Thanh Hà đã tuyên truyền, phối hợp với cơ quan chuyên môn tập huấn cho người sản xuất, cán bộ cơ sở, các đơn vị và cá nhân cung ứng thuốc bảo vệ thực vật về các tiêu chuẩn, quy định của các nước EU, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với trái cây nhập khẩu.
Ngoài việc có được một vùng trồng bảo đảm tiêu chuẩn, công nghệ bảo quản cũng là yếu tố được đặc biệt quan tâm. Tại thị trường Nhật Bản - một trong những thị trường tiềm năng của trái vải thiều Việt Nam, từ khi được mở cửa thị trường vào năm 2020, công tác xử lý, bảo quản vải thiều xuất khẩu được thực hiện rất nghiêm ngặt nhằm đảm bảo quả vải đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi xuất khẩu đến thị trường này, Nhật Bản yêu cầu xử lý quả vải bằng phương pháp khử trùng Methyl Bromide để diệt đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Nhật Bản quan tâm.
Năm nay, do điều kiện dịch Covid-19 nên phía Việt Nam thực hiện giám sát xử lý theo quy trình tạm thời mà hai bên đã thống nhất. Đây cũng là kết quả của sự tin tưởng sau một quá trình làm việc hơn 10 năm với phía Nhật Bản khi hai bên thực hiện chương trình giám sát xoài và thanh long xuất khẩu, cùng với đó là thực tế giám sát tại chỗ của chuyên gia trong niên vụ 2020 đã cho thấy tính ổn định cao của hệ thống xử lý.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, điểm mới trong xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản năm 2021 là những cải tiến về mặt kỹ thuật để hoàn thiện quy trình xử lý. Để khắc phục khuyết điểm của xử lý Methyl Bromide là phá hủy mạnh màng tế bào, ngay từ khi chưa kết thúc niên vụ 2020, Cục Bảo vệ thực vật và Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghê sau thu hoạch đã bắt tay vào việc nghiên cứu cải tiến quy trình sơ chế sau xử lý. Bên cạnh đó là tiến hành thử nghiệm xử lý bằng rổ nhựa thay thế cho sử dụng hộp carton. Dù chỉ là một thay đổi nhỏ nhưng mang lại tác dụng rất lớn: giúp giảm bớt thời gian sơ chế sau xử lý do có thể nhúng luôn rổ vào nước rửa; giảm bớt chi phí do có thể sử dụng lại nhiều lần, đồng thời giúp phân bố thuốc đều hơn khi xử lý và thông thoáng hơn sau xử lý, giúp giảm thời gian chờ đợi.
Ông Nguyễn Quang Hiếu thông tin thêm, hiện Việt Nam có bốn cơ sở và năm buồng xử lý vải thiều với công suất xử lý 2,5 tấn vải thiều trong ba tiếng.
“Năm ngoái, lượng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản cả vụ là 50 tấn. Năm nay, đến thời điểm này, lượng vải thiều đã được xử lý là 250 tấn. Nhìn chung, hàng xuất khẩu đến Nhật Bản nhận được phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng và tiêu thụ tốt, nhiều nơi hết hàng chỉ sau 3 tiếng. Đây là tín hiệu rất tốt cho trái vải thiều Việt Nam ở Nhật Bản”, ông Hiếu vui mừng cho biết.
Cục Bảo vệ thực vật cũng triển khai bố trí nhân lực và thiết bị phục vụ việc giám sát và kiểm dịch thực vật, cấp giấy chứng nhận ngay tại cơ sở của doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu vải thiều của doanh nghiệp.
Có được nguồn vải chất lượng đã khó, tiêu thụ hiệu quả nguồn vải này còn khó hơn khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp không chỉ làm giảm nhu cầu mua sắm hàng hóa mà còn khiến công tác vận chuyển, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Song, ngay từ đầu vụ vải, công tác xúc tiến tiêu thụ đã được đặc biệt chú trọng. Trong đó, trái vải thiều được xây dựng với hình ảnh chất lượng, giá trị cao đã dần định vị trong lòng người tiêu dùng nước sở tại. Đặc biệt, sự đồng hành của các kênh phân phối đã giúp trái vải thiều tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng.
Tại EU, năm nay, trái vải thiều lần đầu tiên xuất khẩu và được hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Ông Chung Trí Phong, Tổng Giám đốc Pacific Foods, cho biết, công ty đã có khoảng ba năm tìm hiểu, đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu vải sang EU và hành trình để quả vải sang được tay người tiêu dùng châu Âu không hề đơn giản. Ngay từ đầu vụ, vùng vải phục vụ sản xuất sang EU phải được các đối tác nhập khẩu kiểm tra hệ thống quản lí sản xuất và chấp nhận về phần mềm giám sát. Công ty cũng liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản trái vải, bảo đảm từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu dùng, nhờ vậy trái vải sẽ sớm được người tiêu dùng tại châu Âu ưa chuộng, đánh giá cao do chất lượng vượt trội, thơm ngon và an toàn.
Nhằm định vị thương hiệu trái vải thiều là loại trái cây có giá trị cao, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cho biết, năm 2021, Công ty CP Ameii Việt Nam dự kiến đưa khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tại Nhật Bản.
“Để hoàn thành mục tiêu này, doanh nghiệp đã chủ động nâng cao chất lượng vải xuất khẩu bằng cách đầu tư hệ thống buồng hun trùng, khử khuẩn, chế biến quả vải đẹp, bảo đảm chất lượng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, góp phần nâng cao giá trị quả vải. Đồng thời quan tâm đến việc đầu tư bao bì sản phẩm bằng cách thay vì đóng vào thùng xốp, thùng carton thì đựng vào hộp quà nhìn rất bắt mắt, thu hút người tiêu dùng. Tuy chỉ là một việc nhỏ nhưng quả vải thiều Thanh Hà như khoác thêm một chiếc áo mới lộng lẫy, giá trị quả vải nhờ đó cũng được nâng cao hơn”.
Thực tế, ở các thị trường như EU, Nhật Bản, trái vải thiều Việt Nam lần đầu được giới thiệu đã được người tiêu dùng đón nhận nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh. Dự kiến, khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản trong mùa vụ năm nay. Quả vải Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản hào hứng đón nhận nhờ chất lượng tươi ngon. Cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cũng ủng hộ mạnh mẽ đối với sản vật của quê hương.
Tại Pháp, sau khi trái vải thiều lên kệ hệ thống siêu thị Á Châu đã được tiêu thụ nhanh chóng. Nhiều khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Á Châu, sau khi được nếm thử trái vải Thanh Hà đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước hương vị thơm ngon và ngọt dịu đặc trưng. Mặc dù có giá chung của thị trường là 18 euro/hộp một kg, nhiều khách hàng đã mua tới 5kg cho cả gia đình và làm quà cho bạn bè người Pháp.
Trong khi đó, ở siêu thị Thanh Hùng (Hà Lan), vải thiều Trung Quốc được bán với mức giá khoảng 22-25 euro/kg với chất lượng không bằng vải Việt Nam nhưng vẫn có người mua. Quả vải tươi Việt Nam được giới thiệu tới khách hàng với giá cạnh tranh (18 euro/kg) cùng chất lượng vượt trội đã thu hút được nhiều người mua.
Đặc biệt, ngày 22-6, hơn ba tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã được sàn Thương mại điện tử Vỏ Sò xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại cảng sân bay Frankfurt (CHLB Đức). Đây là lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình “Thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng thương mại điện tử do Việt Nam phát triển và vận hành thông qua Chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương với Sàn thương mại điện tử Voso và Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post).
Theo đó, người tiêu dùng nước ngoài sẽ đặt hàng trên Vỏ Sò Global, trực tiếp thanh toán đơn hàng thông qua hệ thống thanh toán quốc tế được kết nối với sàn thương mại điện tử. Sau khi sàn thương mại điện tử này thực hiện gom đơn, vải thiều được thu hoạch tại Việt Nam và vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức, thông qua các đối tác vận tải của Viettel Post tại Đức để giao tới tận nhà người tiêu dùng châu Âu. Bằng cách này, người tiêu dùng sẽ nhận được vải chỉ sau khoảng 4-5 ngày đặt hàng.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Công ty CP Bưu chính Viettel cho biết, ngoài vải thiều, Vỏ Sò sẽ tiếp tục đưa thêm nhiều nông sản lên sàn thương mại điện tử nhưng không chỉ là phục vụ người tiêu dùng trong nước, mà cho cả bà con kiều bào.
Vải thiều của Việt Nam đã có một mùa quả ngọt khi giữa những ngày dịch Covid-19 bùng phát, tình hình tiêu thụ vẫn rất khả quan. Đặc biệt, với chiến lược quảng bá và xây dựng thương hiệu bài bản, trái vải thiều được bán ở nhiều thị trường với giá lên đến 500 nghìn đồng/kg nhưng vẫn “cháy hàng”.
Hình ảnh trái vải thiều giá trị ở nước ngoài là bàn đạp hiệu quả cho việc nâng cao giá trị trái vải thiều trong nước, giúp Việt Nam có một vụ vải thành công
Bài 2: Vải thiều và câu chuyện xây dựng thương hiệu
Ngày xuất bản: 28-6-2021
Thực hiện: XUÂN BÁCH - HÀ ANH
Ảnh, đồ họa: DUY LONG