Mỗi thử thách chinh phục mang một ý nghĩa khác nhau
12 giờ phẫu thuật, huy động hơn 100 y, bác sĩ đầu ngành của TP Hồ Chí Minh tham gia trực tiếp cuộc đại phẫu thuật tách cặp đôi song sinh dính liền, Việt Nam đã ghi thêm một kỳ tích mới – kỳ tích mang tên sự sống. Cặp đôi Trúc Nhi – Diệu Nhi đã bước sang một trang mới cuộc đời kể từ khi hai em cất tiếng khóc chào đời 13 tháng trước.
Là một trong chín bác sĩ ngoại viện chủ chốt, tham vấn cho kíp mổ, GS, TS Trần Đông A, Chuyên gia cao cấp, Cố vấn chuyên môn của Bệnh viện Nhi đồng 2 kết luận ca phẫu thuật tách cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi “diễn biến theo đúng dự kiến”.
32 năm trước, ông chính là điều phối, chỉ huy, phẫu thuật viên chính cho hai bé Nguyễn Việt và Nguyễn Đức (sinh năm 1981) dính liền phần bụng chậu. Câu chuyện 32 năm trước, vẫn còn in sâu trong tâm trí vị giáo sư đầu ngành đã bước sang tuổi 79.
GS Trần Đông A kể, 32 năm trước, trình độ y khoa Việt Nam và thế giới so với hiện nay khác biệt rất lớn. Điểm giống nhau duy nhất giữa hai ca cặp song sinh này là cùng dính nhau phần bụng chậu. Tuy nhiên, cặp đôi Trúc Nhi - Diệu Nhi sở hữu đủ bốn chân nên có sự đối xứng, trong khi đó, Việt - Đức chỉ có ba chân và bị chéo.
“Cặp đôi Việt - Đức có Việt bị bại não. Trong lịch sử y khoa thế giới, chưa ai tiến hành mổ trên một cháu bại não hơn mười mấy tiếng”, GS Đông A nói.
Thời điểm đó, thế giới có sáu cặp dính liền như Việt – Đức. Trong đó, có hai cặp sống cả hai, hai cặp chết cả hai, hai cặp sống một. Đặc biệt, không ca nào có một trường hợp bại não như Việt – Đức. Việt Nam không chỉ vượt qua hoàn cảnh cấm vận khó khăn mà còn là nước đầu tiên tiến hành phẫu thuật một ca phẫu thuật phức tạp như vậy.
“Khi phẫu thuật, Việt – Đức đã tám tuổi, các phần sụn dính nhau thành xương, mất máu nhiều. Với cặp Trúc Nhi – Diệu Nhi, hai cháu được phẫu thuật thời điểm 12 tháng, đúng tuổi để mổ theo y văn thế giới. Hai cháu bé có sức khỏe tốt để vượt qua cuộc phẫu thuật lớn này”, GS Đông A cho hay.
Hành trình "khai sinh" Trúc Nhi - Diệu Nhi một lần nữa
GS Trần Đông A tham gia cố vấn chuyên môn cho ca mổ này từ những ngày đầu tiên khi hai bé vừa lọt lòng mẹ. Từ tháng 6-2019 đến nay, ông dự tất cả các cuộc hội chẩn, đưa ra những phương án và dự phòng rủi ro cho từng thì phẫu thuật.
Theo giáo sư này, trường hợp dính bụng chậu của Song Nhi chỉ có khoảng 6% trên thế giới. Đối với trang thiết bị hiện đại ngày nay, cơ hội thành công rất cao, hơn 70% nếu không có biến chứng nào xảy ra. “Chúng tôi đã phải thảo luận để khi xảy ra những trường hợp bất trắc, các bác sĩ cũng sẽ biết phải làm gì với hy vọng có thể cứu được hai cháu”, GS Đông A cho hay.
Gần 6 giờ sáng ngày 15-7, Trúc Nhi - Diệu Nhi bắt đầu bước vào cuộc chiến bằng kỹ thuật đầu tiên là gây mê. Ca mổ huy động chín chuyên gia, 14 bác sĩ ngoại viện, hai kỹ thuật viên gây mê, bốn điều dưỡng. Ê-kíp nội viện gồm 21 bác sĩ, hai kỹ thuật viên gây mê, bốn điều dưỡng, một kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh.
Khoảng 10 giờ, ê-kíp mổ thực hiện đường rạch đầu tiên. Đến 14 giờ 7 phút, cặp song sinh dính liền Diệu Nhi - Trúc Nhi đã được tách rời hoàn toàn. Mỗi bé được đưa sang phòng mổ riêng để can thiệp chỉnh hình khung chậu, kéo vạt da che các cơ quan của bé. 19 giờ cùng ngày, ca mổ đã thành công rực rỡ theo đúng dự kiến. Hai bé được chuyển tới phòng hồi sức sau phẫu thuật.
Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh - TS BS Trương Quang Định chia sẻ, đây là một trường hợp hiếm hoi, với thành công không phải là nhiều trong y văn. Trải qua nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ đã xin phép đấng tạo hoá để khai sinh ra Trúc Nhi – Diệu Nhi một lần nữa với nguyên vẹn hình hài. “Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho hai bé một cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác”, TS Định bộc bạch.
Ông tâm sự, sinh ra với một hình hài không nguyên vẹn, nương tựa nhau bằng những cơ quan, nội tạng duy nhất cho cả hai cá thể. Trúc Nhi và Diệu Nhi đã gắn bó với bệnh viện từ lúc còn trong bụng mẹ. Lúc đó, các bác sĩ đã mường tượng được sự dính nhau phức tạp của hai con, nhưng ba mẹ đã quyết tâm nuôi dưỡng cho đến ngày chào đời.
Ngày ấy, bé Diệu Nhi yếu ớt, nhưng diệu kỳ, mạnh mẽ vượt qua hành trình đầy sóng gió trong thời kỳ sơ sinh thiếu tháng để bảo toàn sự sống cho cả hai. Và vị Giám đốc này tin rằng, với sự kiên cường đó, cả hai sẽ vượt qua được cuộc đại phẫu để được mang hình hài nguyên vẹn.
Và đúng như mọi dự kiến, cuộc phẫu thuật đã diễn ra thành công trong 12 giờ đồng hồ. Khoảng 19 giờ, ca mổ kết thúc với các công đoạn tách rời cặp song sinh đến tạo hình đều thành công. Tất cả nhòe nước mắt vì hạnh phúc.
Có mặt trong suốt hành trình con phẫu thuật, bố mẹ cặp song sinh đỏ hoe mắt, nghẹn ngào chia sẻ “Khi biết hai bé tách rời nhau ra, tôi rất vui nhưng không biết diễn tả như thế nào hết niềm vui đó. Đó là giây phút gia đình chờ đợi rất lâu rồi. Lúc rời nhau, sức khỏe hai bé vẫn tốt, gia đình rất yên tâm”.
Với GS Trần Đông A, không một phẫu thuật viên nào có hạnh phúc như phẫu thuật viên nhi, vì cứu được cháu bé mắc bệnh hiểm nghèo là cứu được cả cuộc đời dài 60-70 năm sau đó.
Hành trình để giúp Trúc Nhi - Diệu Nhi trở lại nguyên vẹn còn rất dài, đặc biệt là công cuộc hồi sức trước mắt. Thế nhưng, với một tinh thần quyết tâm khai sinh ra Song Nhi một lần nữa, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đồng hành với Song Nhi trong nhiều giai đoạn quan trọng sau này để hai bé được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc của một người bình thường.