Nơi chắp cánh cho niềm đam mê sáng tạo
Mặc dù nhận được nhiều lời mời chào hấp dẫn từ các công ty nước ngoài, nhưng hàng loạt kỹ sư trẻ của Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông lại về đầu quân cho Công ty Cổ phần Công nghệ Việt (Vitek), nơi mà họ có điều kiện để thực hiện được niềm khát khao sáng tạo của mình.
Thành lập từ cuối năm 2000, Vitek đúng như tên gọi, đó là một doanh nghiệp của người Việt Nam chuyên nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt để phục vụ cộng đồng xã hội.
Kỹ sư trẻ Phan Đặng Tuấn Anh (25 tuổi), Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển (P&R) của Vitek đã giải thích về lý do anh chọn Vitek để đầu quân: Nếu làm việc tại các công ty nước ngoài thì mọi thứ dường như đã sẵn có, từ công nghệ cho đến máy móc thiết bị, phương tiện sản xuất. Vì thế, các kỹ sư đa phần chỉ làm mỗi công việc vận hành, khai thác, nhiệm vụ dường như chỉ đóng khung trong một lĩnh vực nhất định nên ít có điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo của mình. Vì vậy khi được Vitek tuyển về làm việc ở phòng P&R, Tuấn Anh xem đó là cơ hội để mình thỏa ước vọng được sáng tạo dù rằng thu nhập ở Vitek còn khiêm nhường.
Cô bạn đồng môn Châu Thị Bích Nga của Tuấn Anh cũng có cùng ước vọng sẽ có một ngày tự sản xuất các sản phẩm điện tử mang thương hiệu Việt, bằng chính công nghệ Việt. Và ước mơ đó đã thành hiện thực khi Nga được tuyển vào Vitek. Hơn hai năm tìm tòi, nghiên cứu, phòng P&R của Nga đã thực hiện thành công hai đề án chế tạo sản phẩm mới đó là đầu karaoke vi tính DVD 6 số và Teletext.
Mang lại nhiều lợi ích
Thực tế cho thấy, hai sản phẩm (đầu karaoke vi tính DVD 6 số và Teletext) của nhóm kỹ sư trẻ Vitek, sau khi thành công đã nhanh chóng được thị trường đón nhận. Khi nói đến lợi ích của Teletext, kỹ sư Nguyễn Phương Thảo, Trưởng phòng P&R của Vitek đã nêu một ví dụ rất hình ảnh như sau: một ngư dân sắp ra biển, thế nhưng ông lại bỏ lỡ mục dự báo thời tiết mới nhất của đài truyền hình, làm sao bây giờ? Teletext sẽ giúp ông lục tìm lại mục thời tiết trên tivi rồi quyết định có dong thuyền ra khơi hay không.
Trường hợp khác, những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi mà internet và báo chí chưa phổ biến, cũng hoàn toàn có thể sử dụng Teletext để nắm bắt thông tin, giá cả, mùa màng trên thị trường trong nước và thế giới, để từ đó, họ có thể quyết định giá bán sản phẩm của mình một cách hợp lý, chính xác, tránh những thiệt thòi do thiếu thông tin.
Điều đáng nói là không chỉ nông, ngư dân, các khách hàng của các hãng hàng không trước khi rời nhà ra sân bay chỉ cần bật tivi lên, bấm chuyển teletext, vào mục vận chuyển, họ sẽ biết ngay chuyến bay của mình có bị hoãn lại hay không, thời gian hoãn bao lâu, thay vì phải phí thời gian ngồi đợi tại sân bay như lâu nay.
Theo kỹ sư Nguyễn Phương Thảo, phần cứng quan trọng nhất cho teletext là máy phát với chip giải mã tiếng Việt đã được hoàn chỉnh. Chỉ cần một chiếc ti vi bình thường có lắp chip giải mã tiếng Việt, bất cứ lúc nào khán giả truyền hình cũng có thể xem thông tin miễn phí dưới dạng văn bản mà đài truyền hình phát trước đó.
Teletext nói một cách dễ hiểu là sự hợp nhất giữa báo viết và internet, bởi thông tin ở đó được lưu trữ, cập nhật một cách nhanh chóng và phong phú. Thế nhưng, teletext lại hơn hẳn internet về tính đại chúng, bởi sử dụng teletext không cần điện thoại, không cần thuê bao hay máy tính. Người sử dụng vừa xem truyền hình, vừa có thể xem cả teletext, và việc tìm kiếm teletext trên tivi rất dễ dàng bởi đã có đường dẫn cụ thể.
Ông Lê Văn Chính, Giám đốc Công ty Vitek cho biết, lô hàng 10.000 chip giải mã teletext đầu tiên do nhóm kỹ sư trẻ Vitek chế tạo đã được Công ty Điện tử Tân Bình (VTB) ứng dụng vào sản xuất tivi, giá của các loại tivi mới có gắn thêm chip giải mã teletext hiệu VTB cao hơn tivi thông thường 4 USD.
Trong trường hợp đã có sẵn tivi, người tiêu dùng muốn có thêm tính năng teletext, có thể mua hộp giải mã teletext do Vitek chế tạo với giá 30 USD.
Hiện nay, bốn đài truyền hình Phú Thọ, Vĩnh Long, Đồng Nai và Bình Dương đang áp dụng teletext để phục vụ bà con địa phương. Ông Nguyễn Bỉnh Thìn, Vụ phó Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Bộ rất ủng hộ việc sử dụng teletext vì công nghệ này mang lại nhiều thông tin bổ ích cho nông dân, nhất là trong giai đoạn hội nhập hiện nay.
Vì vậy, Bộ đã phê duyệt nghiên cứu khả thi “Dự án ứng dụng công nghệ tin học để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp nông thôn” với tổng kinh phí 70 tỷ đồng, trong đó có 1,5 tỷ đồng dành cho teletext.
Dù vậy, theo kỹ sư Nguyễn Song Khánh, thành viên của nhóm P&R, vấn đề quan trọng là việc đưa ra ứng dụng như thế nào. Hiện nay, nhóm của Khánh đang phải thực hiện một cuộc “Hành trình thuyết phục các đài truyền hình” để đưa công nghệ teletext vào khai thác.
Và Khánh tin rằng, trong một tương lai không xa, công nghệ teletext do người Việt Nam thiết kế chế tạo sẽ được phổ cấp, nhân rộng để mọi người dân đều có thể được hưởng lợi từ công nghệ mới mẻ này.