Tham dự buổi lễ, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên T.Ư Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và 700 đại biểu các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến qua các thời kỳ. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười gửi lẵng hoa đến lễ kỷ niệm.
Trong diễn văn khai mạc tại buổi lễ, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư cho biết: Ngày 11-6-1948, nhân kỷ niệm 1000 ngày Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc với mục đích thi đua là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước đoàn kết ý chí, tự lực, tự cường vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, cụ thể đã được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ sâu rộng trong cả nước như: phong trào “Tuần lễ vàng”, phong trào “Bình dân học vụ”; cuộc vận động “Đời sống mới”… 70 năm qua, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lời kêu gọi đó được truyền đi như một lời thúc giục tất cả mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết ra sức thi thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, cũng như xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao và biểu dương các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong toàn quốc; hoan nghênh Hội đồng Thi đua - Khen thưởng T.Ư, các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đã tích cực, chủ động, sáng tạo, có nhiều đóng góp thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, tạo nên những thành tựu to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Tổng Bí thư khẳng định, công tác thi đua khen thưởng có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện những điển hình tiên tiến tiêu biểu, nhiều mô hình giải pháp được nhân rộng, lan tỏa trong cả nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Những việc làm cao đẹp của những anh hùng, chiến sĩ thi đua, những điển hình tiên tiến đã nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, công chức, viên chức phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công việc, nâng cao hiệu quả công tác, hết lòng, hết sức phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, kiên quyết đấu tranh phòng chống tham những, lãng phí, quan liêu, xa rời dân, vi phạm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đồng chí tin tưởng, đồng hành cùng với 700 điển hình tiên tiến về dự cuộc gặp mặt hôm nay còn có rất nhiều những tấm gương khác đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực ở khắp mọi miền Tổ quốc, trong các tầng lớp dân cư, kể cả đồng bào ta đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài…
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, phong trào thi đua và công tác khen thưởng vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm. Phong trào thi đua phát triển sâu rộng nhưng chưa toàn diện, nhiều nơi còn mang tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; việc suy tôn, phong tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng còn có biểu hiện nể nang, dễ dãi, có hiện tượng chạy theo thành tích; khen thưởng đối với những người trực tiếp lao động sản xuất còn ít; việc nhân rộng các điển hình tiên tiến còn hiệu quả chưa cao…
Để phát huy những kết quả và thành tựu đã đạt được, phát huy phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đề nghị, trong thời gian tới, đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; đưa công tác thi đua gắn với công việc hàng ngày của mỗi người như Bác Hồ đã dạy. Tiếp tục tuyên truyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng; các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hướng công tác thi đua vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá. Tiếp tục nhân rộng các phong trào thi đua cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, nhân ái, nhân văn, phát triển toàn diện. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch, các biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong công tác thi đua - khen thưởng.
Tổng Bí thư cũng lưu ý, cần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác thi đua - khen thưởng; tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về thi đua - khen thưởng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, trong đó trước mắt tập trung sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng phù hợp tình hình thực tế và tiến trình đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước; đồng thời cần tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy và cán bộ theo hướng gọn nhẹ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thống nhất từ T.Ư đến địa phương; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ, biết vận động quần chúng và tổ chức phong trào thi đua.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân, phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời gian tới sẽ thực sự có những chuyển biến và đổi mới mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã được giao lưu với các Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang, các điển hình tiên tiến đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 20 tập thể thuộc cụm thi đua các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và khối thi đua các bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2017.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc:
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng hoa, tuyên dương các gương điển hình trong một số lĩnh vực tiêu biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa, tuyên dương các gương điển hình trong một số lĩnh vực tiêu biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa, tuyên dương các gương điển hình trong một số lĩnh vực tiêu biểu.
Đồng chí Trần Quốc Vượng và đồng chí Trần Thanh Mẫn tặng hoa, tuyên dương các gương điển hình trong một số lĩnh vực tiêu biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2017.
Anh hùng lao động, Giáo sư, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng tham gia giao lưu tại buổi lễ.