Kỷ niệm 60 năm Ngày Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Nhớ điện ảnh bưng biền

NDO -

NDĐT - Xuất phát từ Tổ Nhiếp – Điện ảnh khu 8, trực thuộc Phòng chính trị Bộ tư lệnh khu 8, điện ảnh khu 8 được thành lập với nhiệm vụ ban đầu là ghi lại những hình ảnh chiến đấu anh dũng của chiến sĩ và đồng bào ta ở vùng Đồng Tháp Mười. Những kỷ niệm thời làm điện ảnh khó khăn đó vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những nhà làm phim già nua ngoài 70, 80 tuổi.

Các nghệ sĩ lão thành về thăm lại vùng bưng biền trước kia.
Các nghệ sĩ lão thành về thăm lại vùng bưng biền trước kia.

Những năm tháng khó khăn

Cụ Hồ Văn Tây, một trong những thành viên của Tổ nhiếp điện ảnh khu 8 kể lại: “Tháng 10-1947, trong một cuộc triển lãm và mít tinh mừng ngày Độc lập 2-9, tại chợ Thiên Hộ (Đồng Tháp Mười), các tác phẩm của nhà nhiếp ảnh Mai Lộc như “Chiến thắng đồn Vam Nước Trong”, “Chiến thắng trận Giồng Dứa”, cùng một số hình ảnh hành động dã man của giặc Pháp với dân ta như chặt đầu, mổ bụng, treo thịt người ngoài chợ… đã khiến cho đồng bào và chiến sĩ vô cùng căm phẫn.

Sau khi xem xong triển lãm, ông Nguyễn Văn Vịnh, khi đó là Chính ủy khu 8 có ghi “nếu những hình ảnh này mà cử động được thì tác dụng của bộ phim này vô cùng to lớn, động viên đồng bào và chiến sĩ ta”. Và từ đấy, tổ nhiếp điện ảnh được thành lập, với tên gọi quen thuộc là điện ảnh bưng biền, mặc dù ban đầu mọi người cũng lo lắng và đắn đo rất nhiều, bởi điều kiện vô cùng khó khăn và thiếu thốn, vừa phải đối phó với những trận càn của giặc, vừa phải lo tìm kiếm, vận động dân ủng hộ về vật chất và tinh thần... Cụ Hồ Văn Tây nói: “Khi đó, chính quyền cách mạng còn non trẻ, tiền bạc thiếu thốn, lo cho bộ đội ăn mặc và trang bị vũ khí còn chưa đủ, tiền đâu mà làm điện ảnh. Hơn nữa, máy móc làm điện ảnh, hóa chất và phim đều phải mua từ nước ngoài. Thêm vào đó, điều kiện khí hậu, thời tiết ở Đồng Tháp Mười rất không thuận lợi, quanh năm nước bị phèn mặn, không thể dùng cho việc tráng phim”.

53224.jpg

Cụ An Như Sơn gặp lại đồng đội cũ.

Cái khó ló cái khôn, và những thành viên đầu tiên của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã có những giải pháp tưởng như không thể để tháo gỡ từng khó khăn. Những anh em đang làm công nhân tráng phim tài tử cho một cửa hàng của Pháp ở Sài Gòn được kêu gọi vào bưng biền hỗ trợ kỹ thuật in tráng. Tài chính thì quyên góp từ một số nhà tư sản ở Sài Gòn, cùng với tiền hỗ trợ của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Thiếu nước ngọt để tráng phim, các thành viên cùng nhau chèo thuyền đến vùng ven Đồng Tháp Mười dọc sông Tiền để lấy nước ngọt, hoặc hứng nước mưa.

Và một cách làm cực kỳ sáng tạo, là dùng nước đá để tráng phim đã được áp dụng trong những năm tháng khó khăn ấy. Nhà quay phim lão thành An Như Sơn kể lại: “Năm 1947, tôi và đạo diễn Khương Mễ cùng nhau mò mẫm thử tráng phim với nước đá. Khoảng 30 bản phim đã được chúng tôi tráng với nước đá cho ra kết quả khá tốt. Cho nên hồi đó, nhà quay phim Nguyễn Đảnh còn có nhiệm vụ chuyên đi mua nước đá ở vùng ven và ngoại thành Sài Gòn về để tráng phim”.

53226.jpg

Nhà quay phim lão thành Nguyễn Đảnh.

Phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam

Nếu như “Chung một dòng sông” là phim truyện đầu tiên, thì “Trận Mộc Hóa” là phim tài liệu đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Tháng 8-1948, Bộ Tư lệnh khu 8 mở trận Mộc Hóa do Tiểu đoàn 307 chủ công. Mộc Hóa là trung tâm của Đồng Tháp Mười (thuộc Long An). Tổ nhiếp điện ảnh khu 8 đã chia làm ba mũi: đạo diễn Mai Lộc ra mặt trận đánh quân tiếp viện từ Campuchia sang, đạo diễn Khương Mễ ở mặt trận công dồn, và đạo diễn Vũ Sơn ở mặt trận chặn quân tiếp viện từ sông Vàm Cỏ Tây. Phim hoàn thành và ra mắt tháng 12-1948 tại Hội nghị quân chính đảng Nam Bộ tại kênh Dương Văn Dương (Đồng Tháp Mười). Đây là sự kiện gây ngạc nhiên cho cả đồng bào và cán bộ chiến sĩ, ngay cả các nhà báo, trí thức và văn nghệ sĩ Sài Gòn xuống cũng bất ngờ khi thấy Việt Minh làm được phim trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn như thế.

Khi chiếu xong bộ phim, các đồng chí Lê Duẩn và Phạm Văn Bạch lúc bấy giờ là Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ đã đứng lên hoan nghênh nhiệt liệt anh chị em và phát biểu: “Cần phải chiếu những hình ảnh này thật nhiều cho đồng bào xem, động viên đồng bào và chiến sĩ sẵn sàng tham gia giết giặc lập công”.

53227.jpg

Nghệ sĩ lão thành Hồ Văn Tây.

Sau thành công của “Trận Mộc Hóa”, tổ nhiếp điện ảnh khu 8 còn làm thêm một số phim tài liệu khác, như “Trận La Ban” (năm 1949, do các đạo diễn Khương Mễ và Vũ Sơn thực hiện), “Chiến dịch cầu Kè” (năm 1950, do các nhà làm phim Khương Mễ, Lý Cương và Nguyễn Đảnh thực hiện), “Chiến thắng Tây Bắc” (1952), “Giữ làng giữ nước (1953, Mai Lộc), phim truyện “Hết đời đế quốc” (1954, cả tổ thực hiện)…

Không chỉ vậy, các nhà làm phim khu 8 còn sang khu 9, khu 6 hướng dẫn cách làm phim. Từ năm 1949-1952, tổ điện ảnh khu 9 làm được một số phóng sự như “Một chuyến liên lạc quân sự”, “Dân quân đắp cảng trận Bố Thảo”, “Đoàn quân xuyên tây”… Tổ điện ảnh khu 6 làm một số phim ngắn “Nơi sản xuất nước mắm”, “Chiến khu Lê Hồng Phong”…

Nhớ lại những ngày hào hùng đó, nhà làm phim Hồ Văn Tây bùi ngùi: “Đó là những thước phim chúng tôi quay bằng xương máu và sinh mạng của mình”. Còn nhà quay phim An Như Sơn bộc bạch: “Chúng tôi chỉ cần điện ảnh bưng biền được nhìn nhận, đánh giá đúng, được thế hệ sau ghi nhớ, vậy cũng thỏa lòng rồi”.