Dự lễ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động…
Phát biểu ý kiến tại lễ kỷ niệm, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: 76 năm qua, từ lần thứ nhất Bác về thăm Thái Bình (10/1/1946) và 55 năm sau lần cuối cùng Bác về thăm Thái Bình (31/12/1966), Đảng bộ và nhân dân Thái Bình luôn nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, một lòng một dạ theo Đảng, đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác, giành được nhiều thành tích to lớn.
Đồng chí khẳng định, kỷ niệm những lần Bác về thăm Thái Bình là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường Đảng bộ và nhân dân Thái Bình thực hiện lời Bác căn dặn.
Gợi mở một số nội dung để cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tỉnh Thái Bình quan tâm trong thời gian tới, đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: Thái Bình phải chủ động, sáng tạo hơn nữa để khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, quan tâm phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng lĩnh vực văn hóa, xã hội; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư nhiều hơn cho khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Không ngừng tăng cường công tác quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Các cấp ủy đảng tập trung làm tốt, chuyển biến thực chất công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh theo tinh thần Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và những lời dạy của Bác khi Người về thăm Thái Bình; đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng các tấm gương, điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác. Chú trọng phát huy tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, khơi dậy tiềm năng, nguồn lực, nhất là nguồn lực văn hóa và con người, tinh thần cống hiến, khát vọng phát triển quê hương của mỗi người dân Thái Bình, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong những năm tới.
* Chiều 7/1, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình và Trường Chính trị tỉnh về công tác cán bộ, đào tạo cán bộ và việc triển khai Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương về việc xây dựng trường chính trị chuẩn.
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng ghi nhận tỉnh Thái Bình đã quan tâm và có nhiều sáng kiến trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình, Thái Bình cần nghiên cứu xây dựng nghị quyết mới phù hợp đòi hỏi thực tiễn. Đồng chí yêu cầu, thời gian tới, nhà trường cần phát huy truyền thống trường dẫn đầu trong hệ thống trường chính trị tỉnh của cả nước, sớm xây dựng Trường Chính trị tỉnh Thái Bình thành một trong những trường chuẩn điểm; góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.