Bắt đầu lễ kỷ niệm sẽ là lễ rước 10 xe hoa từ ngã ba Đồng Lộc về TP Hà Tĩnh được diễn hành qua các phố lớn. Cùng đó, một lễ cầu siêu cho các hương hồn liệt sĩ tại Nghĩa trang Đồng Lộc, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trì. Tạo điểm nhấn cho ngày đầu tiên là màn biểu diễn thả đèn trời kết thành bông hoa do nghệ nhân Hà Tây Nguyễn Tiến Dần thực hiện.
Trên bầu trời Hà Tĩnh, bốn quả pháo thăng thiên mở ra 10 chiếc dù treo đèn sáng ở độ cao 80 mét, tượng trưng cho anh linh bất tử của 10 nữ anh hùng. Trong màn đêm lung linh ánh đèn, hoa và nến, hàng ngàn người dân cùng tưởng nhớ về những cô gái trẻ xả thân cho đất nước. 40 ngọn đèn trời mang những dải lụa, chùm hoa rực rỡ trong đó có bốn ngọn đèn mang dòng chữ đỏ: 10 cô gái Nga ba Đồng Lộc bất tử.
Xây dựng lại đồi La Thị Tám-Đồng Lộc cũng là một hoạt động trọng tâm của Lễ kỷ niệm. Đồi La Thị Tám sẽ được làm thành bông hoa hướng dương kỷ lục với đường kính 20m, có 10 cánh hoa tượng trưng cho 10 nữ anh hùng liệt sĩ. Trong khuôn khổ chương trình sẽ có sự hiện diện của bức tranh cát về 10 nữ anh hùng, tranh do nghệ nhân tranh cát Ý Lan thực hiện rất công phu, kèm đó là chữ ký của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký đề tặng Nga ba Đồng Lộc.
Chương trình giao lưu nghệ thuật với tên gọi “Đồng Lộc-Những đoá hoa bất tử” là hoạt động trọng tâm của Lễ hội. Chương trình sẽ diễn ra vào tối 24-7 tại Tượng đài lịch sử Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc. Chương trình tái hiện những hồi ức lịch sử vẻ vang của chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, sự tri ân của các thế hệ người Việt Nam với 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc nói riêng và lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam nói chung trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tranh cát 10 cô gái Đồng Lộc của nghệ nhân Ý Lan.
Chương trình được thực hiện theo ba phần. Phần một giới thiệu những tiết mục nghệ thuật mang chủ đề “Vầng trăng và những huyền thoại”; Phần hai “Huyền thoại tuổi 20” bao gồm những ca khúc: Bức thư gửi mẹ, Hồn thiêng 10 trái tim hồng, Người con gái sông La, Mười cô gái Đồng Lộc…Gặp gỡ các nhân chứng sống đã từng chiến đấu và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình trên chiến trường Đồng Lộc năm xưa như đồng chí Việt Cường-nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh năm 1968, nhạc sĩ Doãn Nho-người đã từng chiến đấu trên chiến trường Đồng Lộc để có tác phẩm Người con gái sông La. Điểm nhấn của đêm giao lưu nghệ thuật sẽ là màn trình diễn “Những đoá hoa bất tử”- màn sắp đặt không gian, hình thể, âm thanh ánh sáng tái hiện khoảnh khắc thiêng liêng khi 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc hiến dâng tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước.
* Sự kiện Ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam như một địa danh huyền thoại, là tượng đài về ý chí sắt đá và sự hy sinh cao cả của 10 cô gái trẻ cũng như lực lượng thanh niên xung phong trong cả nước. Yết hầu Ngã ba Đồng Lộc nằm trên tuyến đường trọng điểm của đường mòn Hồ Chí Minh. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10-1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại. |
* Chiều 24-7-1968, Tiểu đội 4 thanh niên xung phong được lệnh san lấp hố bom sửa chữa đường, kết hợp sửa chữa hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo để nhanh chóng thông đường cho xe qua. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại bay từ trong ra thả một loạt bom rơi đúng vào đội hình 10 cô gái. Cả 10 cô gái trẻ ấy đã hy sinh. Ghi sâu tội ác và tôn vinh chiến tích của 10 cô gái tại trọng điểm lịch sử này, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng cho 10 cô gái hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc. |
* 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc: 1. Chị Võ Thị Tần: Sinh năm 1944 - quê quán xã Thiện Lộc - Can Lộc - Tiểu đội trưởng tiểu đội 4 - C552 - Tổng đội 55 2. Chị Hồ Thị Cúc: Sinh năm 1944 - quê quán: Sơn Bằng - Hương Sơn - Tiểu đội phó - C552 - Tổng đội 55. 3. Chị Nguyễn Thị Nhỏ: Sinh năm 1944 ỏ Đức Lạng -Đức Thọ 4. Chị Dương Thị Xuân: Sinh năm 1947 ở Đức Tân - Đức Thọ. 5. Chị Võ Thị Hợi: Sinh năm 1947 ở xã Thiện Lộc - Can Lộc 6. Chị Nguyễn Thị Xuân: Sinh năm 1948 - quê quán: Vĩnh Lộc - Can Lộc. 7. Chị Trần Thị Hường: Sinh năm 1949 tại thị xã Hà Tĩnh. 8. Chị Hà Thị Xanh: Sinh năm 1949 - ở xã Đức Hoà - Đức Thọ. 9. Chị Trần Thị Rạng: Sinh năm 1950 - ở Thọ Thuỷ - Đức Vinh - Đức Thọ. 10. Chị Võ Thị Hà: Sinh năm 1951 - quê quán: thị trấn Đức Thọ. |